Bất động sản mới nhất: Đất nền bất ngờ giảm giá, siết kê khai thuế chuyển nhượng, 80% sàn giao dịch hoạt động trở lại
Mức độ quan tâm tới đất nền bất ngờ giảm mạnh, Đắk Nông siết kê khai thuế chuyển nhượng, sàn giao dịch địa ốc nhộn nhịp hoạt động trở lại… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Đất nền nhiều nơi giảm
Báo cáo mới nhất từ trang thông tin Batdongsan.com.vn cho hay, vào thời điểm quý I, thị trường đất nền khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý I/2019). Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước đã giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn nhận về dấu hiệu hạ nhiệt đất nền, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho rằng, thời gian qua, diễn ra nhiều biến số bất ngờ của thị trường như những thông tin tiêu cực về vi phạm của một số doanh nghiệp BĐS lớn, cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào BĐS là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư BĐS có tâm lý thận trọng hơn.
Đáng chú ý, ghi nhận trước đó của đơn vị này còn cho thấy, dòng tiền đầu tư đất nền đang có xu hướng dịch chuyển vào khu vực miền Trung. Theo đó, trong khi mức độ quan tâm đất nền phía Bắc và phía Nam giảm lần lượt 11 và 12% thì lượng quan tâm đất nền miền Trung tăng 14%. Các tỉnh thành có lượt quan tâm mạnh nhất là Đắk Lắk 58%, Khánh Hòa 48%, Bình Thuận 44%...
Tại Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%. Các thị trường phía Bắc khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng cũng ghi nhận lượng quan tâm sụt giảm lần lượt 32%, 22% và 7%. Tương tự với thị trường phía Nam, mức độ quan tâm đất nền Bình Dương, Đồng Nai đều giảm 13%.
80% sàn giao dịch BĐS đã trở lại hoạt động
Báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, trong những năm qua, hệ thống các sàn giao dịch BĐS đã đạt được những kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, tính đến năm 2020, trên cả nước hiện có hơn 1.600 sàn giao dịch BĐS hoạt động. Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, có thời điểm chỉ còn 20% số sàn duy trì hoạt động, các sàn còn lại phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch.
Đến cuối năm 2021 các sàn BĐS có sự thích nghi, phục hồi, trong đó, có khoảng 40% duy trì hoạt động, các sàn còn lại phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch.
Theo Bộ Xây dựng, 3 tháng đầu năm 2022, sau khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, thị trường BĐS đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 80% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động. Đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động.
Đáng chú ý, hoạt động của các sàn giao dịch đang từng bước hình thành môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư BĐS và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa BĐS nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều sàn giao dịch đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư đào tạo nhân lực, từng bước được chuyên nghiệp hóa trong hoạt động dịch vụ, đã có sự liên kết giữa các sàn với nhau nhằm trao đổi thông tin nâng cao hiệu quả dịch vụ.
Tuy nhiên, việc quy định không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, điều kiện thành lập và điều hành sàn còn đơn giản, chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch qua sàn dẫn đến một số tồn tại, bất cập.
Trong đó phải kể đến như, hoạt động của các sàn mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa thành lập được hệ thống các sàn giao dịch; Chưa đảm bảo kiểm soát được thông tin giao dịch BĐS đặc biệt là các BĐS của doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch BĐS hầu như chỉ đóng vai trò làm môi giới, trung gian giữa chủ đầu tư và khách hàng; thiếu vai trò kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý đối với các giao dịch BĐS qua sàn.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS.
Để đảm bảo thị trường BĐS trong thời gian tới phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS, hoạt động sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới BĐS.
Đồng thời, xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch BĐS và hoạt động môi giới BĐS vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.
Đắk Nông siết chặt kê khai thuế chuyển nhượng BĐS
Theo Cục thuế tỉnh Đắk Nông, các Chi cục thuế khu vực trong tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản liên quan tới việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Sau hơn 3 tháng, ngành thuế đã tuyên truyền, vận động kê khai bổ sung, tăng thuế thu nhập cá nhân, trước bạ số tiền 6,9 tỷ đồng.
Theo đó, trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đắk Nông, Tổng Cục thuế, các Chi cục thuế khu vực của tỉnh Đắk Nông đã tập trung tuyên truyền đến nhân dân, người nộp thuế về nghĩa vụ, trách nhiệm kê khai xác thực trong quá trình chuyển nhượng BĐS.
Trong số đó, tập trung vào những hệ lụy có thể xảy ra nếu như hợp đồng chuyển nhượng không ghi đúng giá trị thực tế, đây là hành vi vi phạm hành chính, có thể bị xử lý hình sự…
“Cục thuế tỉnh Đắk Nông đã có thư ngỏ gửi người nộp thuế, nhấn mạnh BĐS là tài sản lớn, có giá trị và được sử dụng lâu dài. Việc nắm quyền sở hữu, sử dụng BĐS mang lại nhiều lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân, gia đình, thuận lợi khi chứng minh tài sản, hoặc sử dụng vào mục đích đầu tư như góp vốn, vay vốn, cho thuê…
Do đó, việc ghi giá trên hợp đồng mua bán đúng với thực tế là quyền lợi, trách nhiệm của công dân, giúp tránh các rủi ro pháp lý và đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật”, Cục Thuế tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.
Cũng theo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, trước mắt ngành thuế phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về vấn đề này. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định giá trị thực tế của BĐS, làm cơ sở xử lý (nếu có) theo quy định pháp luật.
Khu đất quy hoạch sẽ xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thu nhập thấp ở xã Gia Trấn, Gia Tân, huyện Gia Viễn. (Nguồn: BXD)
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động khu vực lân cận trên khuôn viên rộng 49.622m2, với tổng số lượng nhà ở 2.153 căn.Sắp có khu nhà ở xã hội hơn 2.300 tỷ tại Ninh Bình
Theo đó, dự án khu nhà ở xã hội này sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở phù hợp với số lượng công nhân theo sự phát triển của Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động có thu nhập thấp khu vực lân cận. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mang lại hiệu quả tài chính cho nhà nước và nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy mô dự án: Diện tích đất phù hợp với quy hoạch là 49.622m2; diện tích xây dựng là 20.410,7m2; diện tích sàn xây dựng nhà ở là 208.998,5m2. Dự án gồm xây dựng khu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại với tổng số 2.153 căn.
Trong đó, khu nhà ở xã hội có 3 khu nhà ở liền kề tại các lô LK-01, LK-02, LK-03 với 94 căn, mỗi căn được thiết kế 3 tầng và xây dựng 3 khu chung cư (gồm 8 tòa) tại các lô CT-01, CT-02, CT-03 với 2.018 căn, mỗi tòa chung cư được thiết kế xây dựng 19 tầng với chiều cao 73,4m. Khu nhà ở thương mại xây dựng 2 khu nhà ở liền kề tại lô A-08 và một phần lô A-07, tổng số 41 căn, mỗi căn 3 tầng.
Địa điểm xây dựng tại các lô đất CT-01, CT-02, CT-03, LK-01, LK-02, LK-03, A-08 và một phần lô đất A-07 nằm trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở và dịch vụ công nhân Khu công nghiệp Gián Khẩu đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt, thuộc địa bàn xã Gia Tân và xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn.
Tổng mức đầu tư 2.342 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022-2027. Thời gian hoạt động dự án 50 năm.
(Theo Báo Thế Giới & Việt Nam)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN