Bức tranh thị trường Bất động sản 6 tháng đầu năm 2021


Giữa quý 2/2021, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến thị trường bất động sản lâm vào thế khó. Hầu hết nguồn cung tại nhiều địa phương đều thấp kỷ lục nhưng giá bán lại tăng mạnh.

Giá nhà ở tăng, bất động sản dịch vụ giảm

Trong quý 2/2021, giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội đều tiếp tục tăng từ 2 – 7% so với quý 1 do thiếu hụt nguồn cung mới. Đồng thời, giá nhà ở tại nhiều tỉnh thành cũng tăng nhẹ khoảng 3%, một số địa phương có mức giá trung bình tương đối cao và tăng đều so với mặt bằng chung của toàn quốc, nhiều nơi đã tăng chạm mức từ 5 – 9% so với quý 1/2021.

Ngược lại, giá bất động sản cho thuê như căn hộ dịch vụ, văn phòng, ... vẫn đang có xu hướng giảm nhẹ từ 1 – 3%. Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ và nhà phố, giá cho thuê đã giảm mạnh xuống từ 10 – 30% tại các đô thị lớn.

Báo cáo tình hình hoạt động của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, chỉ 14 dự án xác định đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai. Tổng số sản phẩm hơn 11.900 với hơn 1,2 triệu m2 sàn, chủ yếu là căn hộ chung cư, chỉ có 910 căn nhà ở thấp tầng. Đáng chú ý, căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) không xuất hiện căn nào trong 6 tháng đầu năm 2021. Đối với loại hình đất nền, đầu năm 2021 đã xuất hiện hiện tượng “sốt đất” nền tại một số nơi trên cả nước. Và để giải quyết vấn đề này, đã có văn bản chi đạo cho các chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản. Đến nay, thị trường đã dần ổn định với hiện tượng giảm giá khoảng 10 – 20% so với thời kỳ “sốt đất”, tuy nhiên lượng giao dịch vẫn còn ở mức thấp.

Và bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn do việc thu hút các doanh nghiệp tham gia triển khai xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều trở ngại do lợi nhuận thấp, thì diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 cũng làm giảm tiến độ các dự án nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Nguồn cung thấp nhất trong 5 năm qua

Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung mới phân khúc biệt thự và nhà phố ngày càng khan hiếm và tiếp tục tập trung tại các quận ngoại thành TP.HCM. Theo đó, nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 770 căn, thấp nhất trong 5 năm qua, lượng giao dịch đạt khoảng 500 căn, giảm 51% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho chủ yếu là các căn có giá trị trên 2 triệu USD hoặc trong các dự án quy mô nhỏ. Trong quý 2/2021, giá bán trên thị trường thứ cấp đã tăng 13% so với năm trước. Quận 7 có mức tăng cao nhất với 20%, tiếp theo là các quận 9, quận 2, Nhà Bè và Gò Vấp, tăng từ 13 – 19% so với năm trước.

Tại Hà Nội, Savills Việt Nam công bố, có 7 dự án cung cấp khoảng 1.600 căn hộ ra thị trường trong 6 tháng qua, nguồn cung mới giảm 74% so với cùng kỳ và thấp nhất trong vòng 5 năm. Nguyên nhân nhận định, trong bối cảnh diễn biến khó lường và ảnh hưởng do làn sóng Covid-19 thứ 4, các chủ đầu tư đã giảm quy mô mở bán và giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 11% theo năm. Đáng chú ý, nguồn cung mới hạn chế tại Hà Nội đã khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận và dự báo sự phát triển của các trung tâm loại hai sẽ còn tiếp diễn. Xu hướng làm việc tại nhà sau Covid-19 có thể là một yếu tố góp phần, tuy nhiên thực tế là người mua ngày càng quan tâm về giá.

Bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và sự thận trọng từ các nhà đầu tư

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, nếu quý 1/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản thì giữa quý 2/2021, cơn bão dịch lần thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến thị trường bất động sản lâm vào thế khó. “Đợt bùng phát dịch bệnh lần này dù mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đem đến cơ hội chứng minh giá trị, và thực lực của những sản phẩm bất động sản chất lượng từ các nhà phát triển uy tín, có tiềm lực tài chính vững chắc trên thị trường”, ông Khương cho biết.

 Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh bùng phát. Ông Sử Ngọc Khương cho rằng, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương sẽ khiến thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, thanh tra xây dựng đã tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư. Qua đó, đã yêu cầu nhiều chủ đầu tư quyết toán để trả kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư; bắt buộc trả lại cho người dân 2.080 m2 thuộc diện tích sở hữu chung đã bị chiếm dụng; xử phạt vi phạm hành chính tám chủ đầu tư và cảnh báo một số chủ đầu tư có thái độ thiếu trung thực do cung cấp hồ sơ, tài liệu không đầy đủ.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy các địa phương phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN