Bùng nổ thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Tỷ lệ tiêm ngừa SARS-CoV-2 tăng nhanh, nhiều quốc gia hướng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, lãi suất ngân hàng thấp và hình thức làm việc tại nhà được áp dụng rộng rãi là những nguyên nhân thúc đẩy giá nhà đất tại khu vực châu &Aacu
Nhu cầu mua bất động sản tăng cao
Theo dữ liệu từ Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank, tính đến tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Wellington, New Zealand giá bất động sản (BĐS) đã tăng cao nhất khu vực APAC, lên mức 29,2%. Seoul, Tokyo, Osaka, Singapore cũng có mức tăng giá BĐS từ 12,5 - 14%. Theo Công ty Knight Frank, so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng giá nhà đất trung bình của khu vực APAC là 6,4%, là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Nhiều chuyên gia và đại lý BĐS cho biết, đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua nhà dẫn đến giá nhà tăng nhanh chóng, vượt mức định giá của thị trường. Thông thường cứ 10 người mua nhà thì chỉ có ba người đến xem, thậm chí họ không đến mà chỉ tìm hiểu các chi tiết qua video. Chọn được căn nhà đúng ý, họ quyết định mua ngay lập tức. Việc đấu thầu cũng đang diễn ra sôi động. Nhiều người mua nhà, đất đặt cọc bằng tiền mặt lên đến 595.000USD cho bất động sản có giá từ 2,2 triệu USD.
Regina Lim - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại JLL APAC nói với hãng tin CNBC: “Trong thời gian tới, giá nhà đất ở khu vực APAC sẽ tiếp tục tăng theo đà tăng thu nhập của người dân. Nhiều người đang tìm những ngôi nhà lớn hơn với mong muốn dành một vài ngày mỗi tuần để làm việc tại gia. Mặt khác, sự bùng nổ của thị trường nhà đất là do lãi suất ngân hàng thấp, chính sách tiền tệ được nới lỏng và sự phân bổ của cải không đồng đều trong giai đoạn đại dịch Covid-19”.
“Chúng tôi kỳ vọng giá nhà, đất sẽ tiếp tục tăng và doanh số bán BĐS cũng tỷ lệ thuận như thế” - Koichiro Obu - Trưởng bộ phận nghiên cứu BĐS khu vực APAC của Công ty Quản lý tài sản Đức DWS, nói. Ông chỉ ra rằng, việc một số chính phủ các quốc gia APAC can thiệp vào thị trường BĐS và sự kỳ vọng kinh tế phát triển có thể là những yếu ảnh hưởng đến giá và doanh số BĐS.
Biểu đồ giá nhà tăng tại khu vực APAC tính đến 30/6/2021
Singapore thu hút giới đầu tư siêu giàu
Nhờ kiểm soát tốt khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, quý II vừa qua, GDP của Singapore tăng 14,7% so với quý trước. Chính sự tăng trưởng này đã giúp Singapore thu hút các nhà đầu tư siêu giàu trong khu vực. Công nghệ và BĐS là hai lĩnh vực đang bùng nổ tại Singapore.
Theo Alexander Karolik-Shlaen - nhà đầu tư BĐS, doanh số bán BĐS của Singapore tăng 126% trong tháng 12/2020. Sự tăng trưởng này là ổn định và lâu dài suốt thời gian qua và cả 12 tháng tới, bất chấp đại dịch.
So với một số thành phố khác như London, Hồng Kông, Manhattan, Thượng Hải, Bắc Kinh thì giá nhà đất tại Singapore, đặc biệt là phân khúc cao cấp có giá tương đối thấp hơn. Vì vậy, thị trường này được chú ý nhiều hơn. Song trong năm nay, nền kinh tế Singapore phục hồi rất tốt, tăng trưởng ở mức 6 - 7%, nhiều khả năng giá BĐS cũng sẽ tăng song song.
Mohamed Ismail Gafoor - Giám đốc Điều hành Propnex, một trong những công ty BĐS lớn nhất ở Singapore chia sẻ: “Mọi người đều biết trong năm tới, giá BĐS sẽ cao hơn nhiều. Nhiều chủ đầu tư đang giành giật đất đai và sẵn sàng trả giá cao hơn. Đó là lý do thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này”. Gafoor nhận thấy, sự cạnh tranh gay gắt đang nghiêng về phân khúc cao cấp. Những người mua nhà đang cạnh tranh để sở hữu những căn bungalow có giá lên đến hàng triệu USD.
Mohamed Ismail Gafoor - Giám đốc Điều hành Propnex
Gần đây, nhiều doanh nhân công nghệ nổi tiếng bắt đầu “săn đón” những BĐS cao cấp, khiến sức nóng của thị trường càng tăng cao. Tháng 7 vừa qua, Tan Min Liang - đồng sáng lập, CEO của của Công ty Razer chuyên kinh doanh sản phẩm dành cho game thủ - đã mua một căn bungalow với giá 37 triệu USD. Ian Ang - chủ sở hữu Công ty Nội thất Secretlab đấu giá thành công một căn hộ với giá 26,8 triệu USD. Gần đây nhất, CEO của Grab - Anthony Tan đã mua một BĐS Singapore với giá 30 triệu USD.
Chính phủ can thiệp
Các chuyên gia BĐS nhận định, thị trường BĐS tại APAC vẫn tiếp tục tăng, giá nhà, đất vẫn sẽ cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự bùng nổ này sẽ nhanh chóng được “dập tắt” bởi sự can thiệp của chính phủ. Điển hình tại Singapore, khi giá nhà có có xu hướng tăng vào quý I, nhà chức trách nước này đã lên tiếng cảnh báo.
Nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Singapore khuyên người mua nhà nên thận trọng, bởi vào cuối năm nay, lãi suất ngân hàng sẽ có nguy cơ tăng. Đồng thời, Chính phủ Singapore cam kết luôn theo dõi chặt chẽ giá BĐS để đảm bảo giá nhà vẫn hợp túi tiền đối với người dân địa phương và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.
Để “hạ nhiệt” thị trường, Chính phủ Singapore đã đề ra một số giải pháp như tăng thuế đối với người mua nhà và các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu nhiều BĐS, tăng tỷ lệ trả trước hoặc tăng lãi suất ngân hàng. Bằng chứng là cuối năm 2018, Singapore đã can thiệp kịp thời khi giá nhà đất tăng 9%.
Cuối tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trong khu vực APAC tăng lãi suất ngân hàng. Động thái này có thể gây rủi ro tài chính, tuy nhiên với đà tăng trưởng của thị trường BĐS, đây là tín hiệu tích cực để hạn chế tình trạng “vỡ bong bóng”.
Tại New Zealand, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã lên kế hoạch tăng lãi suất với kỳ vọng làm chậm lại tốc độ tăng giá nhà. Chính phủ New Zealand kỳ vọng, trong hai năm tới, mức tăng giá nhà sẽ giảm 2,5%. Song biến thể Delta xuất hiện và bùng phát nghiêm trọng khiến RBNZ phải tạm dừng kế hoạch này.
Các nhà phân tích BĐS cho rằng, nếu vấn đề lãi suất và chính sách tiền tệ được chính phủ thắt chặt, giá nhà đất chắc chắn sẽ giảm. Michael Gordon - kinh tế trưởng Ngân hàng Westpa nói với hãng tin Reuters: “Trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi kỳ vọng giá nhà tại New Zealand nói riêng, khu vực APAC nói chung vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới nhưng tốc độ sẽ chậm lại khi lãi suất ngân hàng và mức thế chấp tăng cao”.
(Theo doanhnhansaigon.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN