Thẩm định quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước


Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được đưa ra thẩm định.

Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng vừa tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì phiên họp.

Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định.

Thẩm định quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL (Ảnh VGP)

Trước đây 3 tuần, Dự thảo Quy hoạch đã được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.

Thông tin cho biết, tại phiên họp thẩm định, các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí và đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và các đề xuất định hướng có nhiều điểm mới, đột phá.

Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đã đánh giá cao việc Dự thảo Quy hoạch đã nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết một số vấn đề quan trọng của Vùng về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

100% thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp nhất trí thông qua Quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý.

Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trong đó chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội dung liên quan đến hạ tầng giao thông, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển; bảo đảm phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa gắn với phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đặc trưng của Vùng.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 12/2021.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung Quy hoạch đến doanh nghiệp, người dân ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, vừa tạo đồng thuận, vừa để người dân, doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực tham gia thực hiện Quy hoạch.

Thẩm định quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo thẩm định quy hoạch (Ảnh VGP)

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi trình bày báo cáo thẩm định quy hoạch đã cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi xây dựng Quy hoạch ĐBSCL đó chính là phát triển “thuận thiên”, đồng thời lấy nước là tài nguyên cốt lõi.

“Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi, sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 3 vùng (vùng ngọt, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ, vùng mặn - lợ) là phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

“Quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề này, Dự thảo Quy hoạch ĐBSCL cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

“Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã nói như vậy.

Theo Dự thảo Quy hoạch thì trước mắt, sẽ ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Chẳng hạn, các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400km).

Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng…

(Theo CafeLand)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN