Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì được đà hưng phấn trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11. Theo đó, lực cầu đã chảy mạnh trong buổi chiều đã kéo hàng loạt mã quay đầu tăng mạnh, sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử giúp cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm.
Kết phiên, VN-Index tăng 16,26 điểm (+1,58%), lên 1.048,42 điểm với 350 mã tăng và 105 mã giảm; HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,27%), lên 208,79 điểm với 123 mã tăng và 60 mã giảm; UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,70%), lên 70,87 điểm với 206 mã tăng và 98 mã giảm.
Một trong những trụ cột chính kéo điểm thị trường phiên hôm nay là nhóm ngân hàng với 20 mã tăng, 5 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, VIB bất ngờ tăng trần lên mức 20.250 đồng/cp sau hơn 3 tuần giao dịch ở vùng giá 1x.
EIB tiếp tục tăng mạnh 5,8% sau phiên tím trần ngày hôm qua, và đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp với tổng tỷ suất sinh lời hơn 16%.
Ngoài hai mã nêu trên, lực cầu tăng mạnh trong buổi chiều cũng giúp một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng 2 - 4% dù chịu áp lực chốt lời ngay từ đầu phiên sáng như VPB (+4%), PGB (+3,9%), NAB (+3,7%), VAB (+2,9%), TCB (+2,8%), TPB (+2,3%)…
Trong đó, TPB của TPBank đã bước sang phiên tăng giá thư tư liên tiếp với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 13 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay. Tính chung trong 4 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu này đã mang về mức sinh lời 10% cho nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, KLB là mã giảm sâu nhất ngành khi mất 4,3% giá trị xuống còn 15.500 đồng/cp. Nhóm giảm giá còn có SGB (-2,3%), CTG (-0,5%), SHB (-0,5%) và ACB (-0,2%). Trong khi LPB và VBB đóng cửa ở mức tham chiếu.
Cùng với giá, thanh khoản của nhóm ngân hàng tiếp tục ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với gần 25,5 triệu cổ phiếu được trao tay trên sàn, giá trị 501 tỷ đồng. Theo sát STB là SHB và VPB khi khối lương khớp lệnh đạt lần lượt 24,2 triệu cổ phiếu và 23,3 triệu cổ phiếu.
Cùng với giao dịch khớp lệnh, kênh thoả thuận ghi nhận một số giao dịch sôi động như LPB (hơn 39,3 triệu cp), VPB (10,4 triệu cp), EIB (4,1 triệu cp),....
Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chứng kiến hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại tại nhiều mã quen thuộc như STB (gần 4,7 triệu cp), CTG (hơn 1,3 triệu cp), BID (hơn 740.000 cp), VCB (hơn 640.000 cp),…
Diễn biến tích cực của nhóm ngân hàng xuất hiện sau nhịp giảm sâu trong tháng 9 và tháng 10 dù kết quả kinh doanh chung của cả ngành vẫn rất khả quan.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, cổ phiếu ngân hàng đang có mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn lịch sử, trong khi đó, sức khoẻ tài chính của các nhà băng vẫn tương đối tốt, do đó xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, BSC cho rằng một số cơn gió ngược chiều vẫn có thể ảnh hưởng lên ngành ngân hàng trong năm 2023 như suy thoái kinh tế thế giới, xu hướng tăng tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ hạn chế phần nào triển vọng định giá và tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý 4/2022 và năm 2022.
QUANG HƯNG
Theo Nhịp Sống Thị Trường