Chuyên gia chứng khoán: "Sóng" cổ phiếu thép chỉ mới bắt đầu


Sự toả sáng của nhóm thép trong phiên hôm nay khiến nhà đầu tư dành nhiều sự chú ý hơn. Tuy nhiên, liệu xu hướng tăng dài hạn của cả nhóm thép liệu có được duy trì?

Sự đồng khởi của nhóm "bank- thép" là điểm sáng giúp VN-index lấy lại mốc 1.500 điểm trong phiên giao dịch 8/2. Đặc biệt sau một thời gian điều chỉnh sâu, nhóm thép trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền khi đồng loạt "xanh tím".

"Anh cả" HPG đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ thị trường khi trở thành cổ phiếu vốn hoá lớn tác động tích cực nhất tới VN-Index. HPG tăng 5,8% lên mốc 45.550 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng mạnh lên mức 26,5 triệu đơn vị. 

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã bật tăng trần lên mức 34.100 đồng/cp với thanh khoản khoảng 6,9 triệu đơn vị. Theo đó, dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị, trắng bên bán.

Tương tự, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim cũng "mặc áo tím" với giá 35.050 đồng/cp cùng thanh khoản hơn 6,2 triệu cổ phiếu, dư mua trần hơn 700 nghìn đơn vị. Ngoài ra, một số cổ phiếu thép khác cũng đua nhau bật tăng trần như TLH (6,7%), SMC (+6,9%), TIS (+14,5), POM (+6,8).

Sự toả sáng của nhóm thép trong phiên hôm nay khiến nhà đầu tư dành nhiều sự chú ý hơn. Tuy nhiên, liệu xu hướng tăng dài hạn của cả nhóm thép liệu có được duy trì? 

Bàn về nguyên nhân cho đà tăng giá của cổ phiếu thép, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng có hai yếu tố chính. 

Thứ nhất, sau thời gian điều chỉnh mạnh hết các cổ phiếu ngành thép đều có mức định giá hấp dẫn với mức P/E từ 5-6 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E chung của thị trường là trên 16 lần. Bên cạnh mức giá cổ phiếu tích luỹ chặt chẽ trong thời gian qua, thép là một trong những ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong năm 2021. Khi dòng tiền rút dần khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng "nóng" lập tức sẽ tìm đến những cổ phiếu có cơ bản tốt, định giá hấp dẫn và dự báo hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, cổ phiếu thép là một trong những nơi "trú ẩn" an toàn cho dòng tiền trong thời điểm này. 

Thứ hai, nhìn trong triển vọng trung hạn năm 2022, nhóm thép vẫn là ngành được hưởng lợi lớn khi Chính phủ quyết đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới. Đặc biệt, nhu cầu thép thế giới hay nhu cầu thép phát triển hạ tầng trong nước dự báo sẽ gia tăng sau khi mở cửa nền kinh tế thế giới bởi dịch Covid-19 đã được khống chế. Do đó, giá thép cũng được kỳ vọng sẽ tăng sau khi điều chỉnh giảm mạnh gần 20% trong quý 4/2021. Đó cũng là động lực thu hút dòng tiền và giúp nhóm cổ phiếu thép bật tăng mạnh mẽ trong phiên vừa qua.

Theo đánh giá của vị chuyên gia, để chắc chắn về đà tăng của nhóm thép cần sự xác nhận của dòng tiền trong 1 -2 phiên tới. Tuy nhiên, theo quan sát nhóm cổ phiếu này đã có xu hướng tạo đáy trong tháng 1 và chuẩn bị vào một "con sóng" mới trong thời gian tới.

"Tôi đánh giá năm 2022 vẫn là một năm khả quan đối với ngành thép khi kết quả kinh doanh dự báo vẫn duy trì tốt trên mức nền tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Về mặt bằng giá hiện tại của nhóm thép, tôi cho rằng khá hấp dẫn và "sóng" cổ phiếu này chỉ mới bắt đầu vì xu hướng tăng giá còn có thể kéo dài từ đây đến hết quý 2. Thông thường cổ phiếu thép sẽ có diễn biến tích cực trong quý 1 và quý 2 và giảm trong quý 4. Đặc biệt, nhiều công trình đầu tư công dự báo được đẩy mạnh trong tháng 2 tháng 3 sẽ là động lực cho đà bứt phá của cổ phiếu thép trong thời gian tới", ông Đỗ Bảo Ngọc đưa ra nhận định. 

Trong báo cáo triển vọng năm 2022, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm ngành thép có thể hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi tại nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn hơn ở thị trường nước ngoài. 

Theo đó, VDSC cho rằng tiêu thụ nội địa có thể phục hồi trong quý 4/2021 và 2022 do nền kinh tế mở cửa trở lại và các khoản đầu tư công. Sau khi nới lỏng các biện pháp quản lý xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt là ở miền Nam, tiêu thụ nội địa đã phục hồi ở các mảng chính khi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tăng lần lượt 60% và 19% trong tháng 10. 

 

 

Bên cạnh đó, VDSC tin rằng hoạt động xây dựng dân dụng có khả năng phục hồi vào năm 2022 từ mức nền thấp, thúc đẩy nhu cầu đối với thép. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thuận lợi cho ngành thép. 

Mặt khác, xuất khẩu thép có thể gặp nhiều thách thức hơn sau một năm rất thành công. Việc hưởng lợi từ sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất thép thế giới có thể giảm dần do việc tiêm phòng sẽ cải thiện nguồn cung lao động tại thị trường xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về giá thép ở các thị trường này do chênh lệch giá lớn và tạo ra những bất ổn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. 

Biên lợi nhuận gộp của các NSX thép XD có thể phân hóa do giá nguyên liệu đang đi theo xu hướng có lợi cho các lò cao. Cung cầu yếu tại Trung Quốc dẫn đến tiêu thụ quặng sắt giảm, kéo giá quặng giảm. Trong khi đó, xu hướng giảm ô nhiễm đã và đang thúc đẩy nhu cầu thép phế trên toàn cầu, hỗ trợ giá nguyên liệu này ở mức cao. 

Giá thép xây dựng tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí sản xuất và cung cầu trong nước. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu có thể vẫn ổn định do các nhà sản xuất Việt Nam có chính sách môi trường ít khắt khe hơn so với các nước phát triển.

(Theo Cafef)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN