Còn cơ hội cho cổ phiếu vua trong năm 2022?


Trong khi cổ phiếu các ngành tiếp tục có những đợt sóng mới thì cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm im đợi sóng. Liệu có cơ hội nào cho cổ phiếu vua trong năm 2022?

Mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đã chỉ ra những tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.

Theo Yuanta Việt Nam, đối với nhóm Big 3 cổ phiếu ngân hàng, trước hết đối với cổ phiếu BID có chất xúc tác là với kế hoạch phát hành 341,5 triệu cổ phiếu (tương đương 6,8% vốn điều lệ hiện tại) cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm 2022. Nhóm cổ đông nước ngoài hiện nay đang trong vòng đàm phán nhưng có nhiều đồn đoán là đối tác ngoại đến từ Hàn Quốc.

Cổ phiếu thứ 2 là CTG có thể ghi nhận thu nhập phí tăng do ghi nhận khoản phí trả trước từ thương vụ banca độc quyền với Manulife (16 năm). Ngoài ra, ngân hàng này đang thoái vốn khỏi các công ty con để củng cố nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế VietinBank năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng tới 14,2% đạt hơn 1,53 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 11,4% đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng mạnh 17,3% đạt 1,16 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2021 ở mức 1,26%. Ngân hàng cho biết đã trích lập hơn 90% số dự phòng phải trích lập theo Thông tư 03, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 180%, cao hơn 37 điểm % so với năm 2020.

Cổ phiếu VCB có khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ LLR cao (424%). Ngoài ra, VCB có kế hoạch bán 6,5% vốn điều lệ của ngân hàng cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng cổ phần, trước hết là ACB có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tiềm năng nhờ có tỷ lệ LLR cao (229%). HDBank (HDB) được dự báo tăng trưởng tín dụng khoảng 20% năm 2022, lợi nhuận tăng 21%. Ngân hàng có tiềm năng sẽ thực hiện thương vụ bancassurance độc quyền mới.

 

Cổ phiếu MSB dự kiến tiếp tục có tăng trưởng cao với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Ngân hàng này đã thoái vốn khỏi công ty tài chính FCCOM, kỳ vọng sẽ ghi nhận lãi 2.000 tỷ đồng từ thoái vốn.

Techcombank (TCB) dự kiến sẽ IPO công ty chứng khoán TCBS thời gian tới. Ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tái đàm phán để ký hợp đồng banca mới.

VPBank (VPB) kỳ vọng sẽ hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022. Sau thương vụ bán vốn FE Credit, ngân hàng này sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ có nguồn vốn dồi dào.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia đều cho rằng triển vọng lợi nhuận năm 2022, đều có cơ hội. Cụ thể, tại cuộc khảo sát do NHNN vừa thực hiện, có tới 95% các nhà băng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong quý 1/2022, có gần 40% các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý 4/2021. Đồng thời, có 42,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 7,9% lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh giảm nhẹ. Như vậy, sự bứt tốc về lợi nhuận ngành ngân hàng được kỳ vọng xuất hiện bắt đầu từ quý 2/2022.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng nhu cầu tín dụng vẫn phục hồi mạnh trong quý 4/2021. Theo NHNN cho biết, cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,53%, mức rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.

Ở góc nhìn của nhóm phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC), bên cạnh đó còn có các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu của toàn ngành ngân hàng, nhất là các nhóm cổ phiếu Big 3 và nhóm Ngân hàng cổ phần còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.

Các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng, theo VDSC.

Với chính sách tiền tệ hỗ trợ tiếp tục được duy trì trong năm 2022, dự kiến hệ thống ngân hàng sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua hạn mức tăng trưởng tín dụng. VDSC kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo các chuyên gia, dựa trên mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch của các ngân hàng quốc doanh, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 13%, tương đương mục tiêu NHNN đề ra. Do vậy, các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu 6 tháng đầu năm 2022.

(Theo diendandoanhnghiep.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN