Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 22/3 xuất hiện nhiều đợt rung lắc mạnh, có thời điểm đẩy chỉ số VN-Index vượt lên mốc gần 1.043 điểm. Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,11 điểm (+0,79%) dừng tại 1.040,54 điểm.


Những yếu tố liên quan đến lãi suất chưa tạo ra xu hướng lớn, do đó chưa tạo ra sự dịch chuyển đáng kể về dòng tiền trên TTCK

 

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường dù ở mức tăng khá nhẹ 1,47% nhưng trong Top 10 đóng góp tích cực nhất cho chỉ số, nổi bật nhất là VCB góp hơn 3 điểm, ngoài ra VPB tăng 3,19%, BID tăng 1,65%, CTG tăng 0,71%, EIB tăng 2,43% và HDB tăng 1,5%. Ngược lại, trong nhóm ghi nhận 4 mã giảm gồm ACB, TCB, VIB và EVF nhưng với mức giảm không đáng kể.

Đánh giá về tác động của chính sách giảm lãi suất lên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó TGĐ CTCK Kiến thiết Việt Nam cho rằng, trong chu trình kinh tế toàn cầu giai đoạn năm 2020, toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam có đặc điểm chung là đối mặt với dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, làm bản thân kinh tế nội địa của các cuộc gia đình trệ. Nhiều ngân hàng trung ương khi đó phải nới lỏng tiền tệ, bơm thanh khoản, giảm thuế suất,... tất cả quá trình đó diễn ra đồng loạt, tạo thành xu hướng giảm lãi suất và Việt Nam cũng trong xu hướng như vậy. Khi lãi suất có xu hướng giảm rõ nét, thì dòng tiền trong nền kinh tế sẽ phản ứng mạnh mẽ bằng cách chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, hoặc tài sản số.

Còn hiện tại, là giai đoạn Việt Nam giảm lãi suất trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu đang thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng trung ương thế giới vẫn trong chu trình tăng lãi suất và đối mặt với các vấn đề như phá sản một số ngân hàng, lo ngại suy thoái đang rất gần trong thời gian tới.

“Mặc dù tâm lý đầu tư giữa Việt Nam và các thị trường khác gần như có sự tương đồng, ở các thị trường tài sản thì hành vi của con người không khác nhau quá nhiều, lòng tham và sự sợ hãi rất rõ nét. Nhưng các thị trường sẽ khác nhau về mức độ là tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân với nhà đầu tư tổ chức. Ví dụ, ở TTCK Việt Nam hơn 90% là nhà đầu tư cá nhân nên thị trường sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn, còn ở Mỹ, 70% dòng tiền đến từ các quỹ đầu tư, là các tổ chức có kỷ luật, có nguyên tắc và phương pháp rõ ràng. Một thị trường có tính tổ chức cao như vậy thì ảnh hưởng về mặt tâm lý sẽ ít hơn”, vị chuyên gia lý giải.

Về sự sụt giảm thanh khoản của thị trường hiện nay, ông Đỗ Bảo Ngọc cũng giải thích, một phần do tâm lý bi quan và thận trọng của nhà đầu tư khi đối mặt với các vấn đề trên thị trường thế giới, với các vụ phá sản ngân hàng xảy ra và phía ngân hàng trung phải vào cuộc giải cứu cũng như kiểm soát.

Còn trong nước, đang không có những thông tin hỗ trợ tích cực, những yếu tố liên quan đến lãi suất chưa tạo ra xu hướng lớn, do đó chưa tạo ra sự dịch chuyển đáng kể về dòng tiền. Ngoài ra, nhà đầu tư còn chờ đợi những sự kiện liên quan đến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phát biểu của Chủ tịch Fed khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro.
 

Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng

Mặc dù vậy, chính sách giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn được xem là có tác động tích cực lên TTCK nói chung, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Vì đây được kỳ vọng là động thái phát đi tín hiệu rằng mặt bằng lãi suất sắp tới sẽ điều chỉnh giảm.


Ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới, vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam

 

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán KBSV phân tích, trong quá khứ, giai đoạn lãi suất điều chỉnh, thì lãi suất huy động bao giờ cũng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, giúp chênh lệch lãi suất cho vay và huy động nới rộng ra, từ đó NIM (thu nhập lãi thuần) của ngân hàng được cải thiện. Đó là thông tin tích cực.

“Nếu đánh giá về nhóm ngành ngân hàng, chúng ta cần phải để ý đến rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Mặc dù câu chuyện hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực, nhưng nhà đầu tư cũng nên lựa chọn cổ phiếu của những ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi câu chuyện này và không nên đầu tư vào ngân hàng nắm giữ quá nhiều tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu có thể tăng trong 1-2 quý tới khi áp lực đáo hạn trái phiếu có thể tăng mạnh”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, những thông tin trong nước và trên thế giới đang ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên chúng ta cần tỉnh táo để nhìn nhận, phân tích từng yếu tố, bởi vì nếu xu hướng hạ lãi suất trong nền kinh tế thực sự diễn ra trong thời gian tới và đã xảy ra theo xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, sẽ là động lực hết sức quan trọng hỗ trợ thị trường tăng điểm trong trung và dài hạn.

Dưới góc nhìn của Phó TGĐ CTCK Kiến thiết Việt Nam về cổ phiếu ngành ngân hàng trong dài hạn từ 2-3 năm, đây vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, do sự phát triển của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào ngành này. Trong ngắn hạn, ngân hàng đang đối mặt với những rủi ro như thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ bất động sản cao... Dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể gia tăng và việc trích lập phải nhiều hơn, dẫn đến kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong 2-3 quý tới hoặc trong năm 2023 sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm về doanh thu, lợi nhuận.

“Ngoài ra, năm 2022 là năm các ngân hàng có lợi nhuận đỉnh cao trong 5 năm trở lại đây và toàn bộ ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng hơn 30% trong vòng 3 năm liên tiếp. Nghĩa là chúng ta đã lên dốc trong một thời gian dài và năm nay, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì việc suy giảm doanh thu lợi nhuận có thể sẽ là rủi ro trong ngắn hạn. Qua thời điểm này, ngành ngân hàng sẽ đi vào chu kỳ mới, nên đây cũng là thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang ở định giá thấp nhất trong 3 năm qua khi rủi ro đã phản ánh hết.

Theo tôi, trong năm 2023, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tạo đáy cùng với sự tạo đáy của những rủi ro khác trong nền kinh tế, là một cơ hội rất tốt để nhà đầu tư kỳ vọng vào chu kỳ mới. Đã rất lâu rồi nhóm ngân hàng mới có định giá đâu đó khoảng 10 lần về P/E như vậy. Đặc biệt, mỗi ngân hàng sẽ có câu chuyện riêng nên khi đầu tư, chúng ta hãy đi tìm những “câu chuyện riêng”, để khi những cổ phiếu giảm chung trong thị trường thì các câu chuyện riêng sẽ là cơ hội. Có thể quý 3 năm nay sẽ là đáy của nền kinh tế và cũng là đáy của cổ phiếu ngân hàng”, ông Ngọc dự báo.
 

DIỄM NGỌC
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp