Nhóm ngành nào sẽ ‘tạo sóng’ trong năm 2022?


Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược hợp lý và tập trung vào các doanh nghiệp tốt. 

Phiên giao dịch ngày 31/12/2021 đã khép lại một năm sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index đóng cửa ở mức 1.498,28 điểm. Tính cả năm, VN-Index tăng 35,7%, đây là mức tăng cao thứ 2 trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, chỉ đứng sau mức tăng 48% của năm 2017.  

Thị trường sôi động nhờ số lượng nhà đầu tư mới tăng mạnh. Trong 11 tháng đầu năm 2021, đã có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020. Diễn biến này đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên.

Cụ thể, từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỷ đồng/phiên, trong đó ngày 19/11/2021, thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.105 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.

Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. 

Để có cái nhìn tổng thể về diễn biến thị trường trong năm vừa qua cũng như dự báo về những cơ hội trong năm 2022, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán.

Ông đánh giá như thế nào về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm 2021?

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS): Có thể nói rằng năm 2021 là một năm rất thành công đối với TTCK Việt Nam. Về điểm số, VN-Index đã tăng từ vùng 1.103 điểm cuối năm 2020 lên mức quanh 1.490 điểm. Nhìn về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân cũng tăng lên vùng 25.000-28.000 tỷ đồng, đây là sự tăng trưởng lớn trong giai đoạn ngắn. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới cũng bằng nhiều năm trước cộng lại.

Nhìn về các phân lớp cổ phiếu, tôi thấy rằng trong năm nay đều có sự tăng giá ngoạn mục từ phân lớp cổ phiếu vốn hóa lớn đến cổ phiếu vốn hóa trung bình và cổ phiếu nhỏ. Có thể nói rằng, 2021 là một năm rất thành công đối với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Yuanta: TTCK Việt Nam đã có một năm giao dịch bùng nổ, trong đó điểm số đã liên tiếp lập đỉnh. Điểm ấn tượng nhất là thanh khoản của thị trường, đặc biệt từ quý 2 trở đi, thanh khoản đã tăng rất mạnh, tiệm cận mức thanh khoản của thị trường lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan. Dù vậy, điểm trừ lớn nhất trong năm nay đà bán ròng mạnh của khối ngoại.

Ông cho rằng TTCK trong năm 2022 sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Những yếu tố hỗ trợ cho TTCK trong năm 2021 là kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất thấp và chính sách nới lỏng khiến dòng tiền có xu hướng đi tìm các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra những tác động tiêu cực của COVID-19 cũng khiến cho nhiều ngành nghề không thể hoạt động xuyên suốt, điều này khiến các doanh nghiệp đổ tiền vào chứng khoán.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới có thể trở lại bình thường sau quý I/2022, do đó nhiều ngành nghề kinh doanh sẽ trở lại hoạt động bình thường. Đây là yếu tố mà TTCK không được hưởng lợi, tuy nhiên TTCK vẫn có thể phát triển dựa trên nền tảng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Tôi kỳ vọng thị trường sẽ duy trì mức tăng trưởng 15-20% trong năm 2022 dựa trên các yếu tố như kinh tế vĩ mô sẽ hồi phục khi nền kinh tế mở cửa trở lại và doanh nghiệp niêm yết khôi phục hoạt động kinh doanh và cải thiện về mặt doanh thu, lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản, tôi cho rằng năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục đi lên phá mốc 1.500 điểm và mức cao nhất kỳ vọng là 1.750-1.800 điểm.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong năm 2022 sẽ không có quá nhiều yếu tố thuận lợi đối với thị trường. Một là, lãi suất tăng trở lại sẽ khiến cho một phần dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi TTCK. Hai là, khi hoạt động sản xuất quay trở lại, các kênh đầu tư khác hồi phục sẽ làm giảm mức hấp dẫn của TTCK.

Theo ông, nhóm ngành nào sẽ tạo sóng trong năm 2022?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi, nhiều ngành nghề trong năm 2022 vẫn sẽ tăng trưởng tốt, điển hình như ngành chứng khoán, bất động sản, các ngành liên quan đến đầu tư công (xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng). Ngoài ra cũng có những ngành ổn định và mang tính chu kỳ khi nền kinh tế và doanh nghiệp hồi phục như nhóm ngân hàng, nhóm tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ.

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm tạo sóng trong năm 2022. Hiện nay, so với mặt bằng chung thị trường thì nhóm này vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Mặc dù trong quý 3 bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 nhưng tổng thể vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2022.

Hai là nhóm tiêu dùng cá nhân. Sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại, mức thu nhập của người dân sẽ ổn định giúp cải thiện nhu cầu tiêu dùng. Ba là, nhóm bất động sản sẽ được hưởng lợi khi tính thanh khoản của thị trường này đi lên.

Chiến lược đầu tư nào sẽ phù hợp trong năm 2022, thưa ông?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Đối với việc đầu tư trên TTCK, nhà đầu tư cần có định hướng và phân bổ danh mục đầu tư hợp lý, tập trung vào các doanh nghiệp tốt. 

Cụ thể, nên dành 70% danh mục cho việc đầu tư trung và dài hạn vào những các doanh nghiệp lớn hoặc có câu chuyện tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. 30% danh mục còn lại, nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu mang tính đầu cơ dựa trên giá trị nền tảng của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường bị cảm xúc chi phối, điều này dẫn đến sai lầm khi mua đi bán lại những cổ phiếu đáng ra phải nắm giữ lâu dài.

Ông Nguyễn Thế Minh: 2022 sẽ vẫn là năm thuận lợi đối với TTCK dù lãi suất dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường, nhà đầu tư có thể dành ra một phần tỷ trọng để phân bổ vào kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Nhadautu)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN