Đến tháng 10/2022, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM nhà nước đạt 9,04%; của các NHTMCP tư nhân đạt 12,3%. Tuy nhiên, các mức này tương đối thấp so với các nước khu vực.
Chạy đua tới Basel III
Hiện đã có 6 ngân hàng triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn Basel III, như VPBank, TPBank…, trong khi một số ngân hàng cũng đang áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III như LienVietPostBank, Sacombank...
Một chuyên gia tài chính cho rằng, Basel III không phải là một danh hiệu, mà là một trong những tiêu chuẩn về quản trị rủi ro. Theo đó, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kỳ vọng, cụ thể: tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%. Bên cạnh đó, Basel III cũng đã yêu cầu bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu là 2,5%...
Nhu cầu bức thiết
Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết, bởi chỉ khi đảm bảo hệ số CAR cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, Agribank mới có nguồn lực để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Đó cũng là kiến nghị của 3 ông lớn NHTM Nhà nước còn lại bởi CAR của 3 ngân hàng này hiện cũng chỉ cao hơn mức tối thiểu không đáng kể. Không chỉ với các NHTM Nhà nước, mà tăng vốn cũng là yêu cầu thường trực của các NHTMCP.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng trên thế giới ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel 3, Basel 3,5 đang hình thành và Basel 4 đang được nghiên cứu.
Fitch Ratings cũng cho rằng, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn. “Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%”, Fitch Ratings nhận định.
HÀ ANH
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp