Tỉ suất sinh lời hấp dẫn, ngân hàng Việt được định giá cao trong khu vực


Mới đây, trong báo cáo chiến lược tháng 2/2022, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhận định ngành ngân hàng có nhiều cơ hội trong năm 2022, dự báo duy trì tăng trưởng tín dụng tích cực hơn 13%. 

Cũng trong báo cáo, dựa trên việc thanh khoảng hệ thống dự kiến ổn định về gần cuối năm, lương tiền gửi có chiều hướng cải thiện, Mirae Asset Việt Nam cho rằng: việc kinh tế bị ảnh hưởng trong quý III/2021 và các kênh đầu tư ngắn hạn khá nóng thời gian qua sẽ kích thích một bộ phận doanh nghiệp tăng tiền gửi vào ngân hàng để “trú ẩn”.

Theo đó, sự dịch chuyển dòng tiền trong nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tiền gửi ngắn hạn đến khi các hoạt động kinh tế được hồi phục. Các gói hỗ trợ kinh tế cũng được kì vọng sẽ hỗ trợ cho thanh khoản.

Năm nay, các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phân hoá chất lớn về chất lượng tài sản. Mirae Asset cho rằng, tỷ lệ nợ xấu sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính của các ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao như VPB, VIB, TPB. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, nợ xấu của các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới. Gần đây, một số ngân hàng đã đưa ra kết quả sơ bộ với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đột biến, cho thấy quyết tâm gia tăng chất lượng tài sản.

Hiện các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng, mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt Nam cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận luôn được duy trì ở mức trên 20% cũng là một yếu tố giúp ngân hàng được hưởng mức định giá hiện tại.

Trong báo cáo này, Mirae Asset đã “gọi tên” 3 cổ phiếu ngân hàng có triển vọng là TCB, VIB và CTG. Trong đó, TCB (Techcombank) được kì vọng giữ tăng trưởng 2 con số trong trung hạn khi tỷ lệ an toàn vốn được giữ ở mức cao, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, TCB có khả năng huy động vốn giá rẻ (CASA) sẽ hỗ trợ tốt cho NIM. Tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) và chi phí dự phòng giảm giúp lợi nhuận tăng trưởng ổn định.

VIB được đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng dẫn đầu ngành bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. ROE của VIB giữ trên 30% trong liên tiếp 2 năm và dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần.

CTG (VietinBank) có triển vọng khả quan về thu nhập từ lãi cũng như chi phí dự phòng giảm trong năm 2022. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập khác như thu hồi nợ xấu và thu nhập từ bán chéo bảo hiểm được kỳ vọng là nhân tố hỗ trợ tốt cho lợi nhuận của ngân hàng cũng như tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Ngoài ra, Nhà nước có thể khuyến khích các ngân hàng quốc doanh tăng trưởng tín dụng cao hơn trong các năm tiếp theo nhằm kiểm soát tốt hơn dòng chảy tín dụng, hạn chế dòng tiển chảy các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

(Theo Doanh nhân & Pháp luật)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN