Giải mã vũ trụ Metaverse - thị trường khiến các tập đoàn hàng đầu thế giới sôi sục gần đây


Microsoft, Meta, Tencent, ByteDance,... và nhiều ông lớn khác đã chi hàng chục tỷ USD để sớm chiếm thị phần trong thị trường metaverse. 

Metaverse là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong đầu năm nay. Mark Zuckerberg khẳng định Metaverse là "kỷ nguyên công nghệ mới" khi đổi tên Facebook thành Meta Platforms hồi cuối năm 2021. Đây cũng là lý do Microsoft chi gần 69 tỷ USD tiền mặt để mua lại nhà phát hành game Activision Blizzard.

Metaverse và những điều cần biết

Metaverse có thể định nghĩa đơn giản là một thế giới web 3D rộng lớn nơi mọi người nhập vai và giao tiếp với nhau. Metaverse giúp tái hiện một cách chân thực về cuộc sống thật của con người thông qua công nghệ kĩ thuật số. Các đồ vật trong hệ sinh thái metaverse có thể được dịch chuyển không giới hạn mà vẫn giữ nguyên giá trị và chức năng. 

Mark Zuckerberg và nhân vật đại diện của mình trên metaverse. Ảnh: Meta. 

Người dùng metaverse gặp nhau bằng những "hình đại diện". Họ có thể đi xem concert với bạn bè, mua sắm trên Amazon và thanh toán bằng tiền điện tử thông qua hình ảnh đại diện kỹ thuật số đã tạo. 

Chưa dừng lại ở đó, người dùng cũng có thể chia sẻ các sản phẩm, quần áo mình đã như ngoài đời thật. Điều này được phát triển nhờ các công cụ giao tiếp, tính năng phát trực tiếp, thương mại điện tử,... 

Hàng chục tỷ USD đổ vào metaverse

Zuckerberg đã lên kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD cho Reality Labs vào năm 2021. Đây là bộ phận thuộc Meta chuyên sản xuất phần cứng như tai nghe thực tế ảo, giúp người thật tương tác với thế giới metaverse. 

Một số nhà sản xuất chip và đồ họa như Nvidia hay Unity Software đều muốn góp phần trong việc kiến thiết và phát triển nền móng cho thị trường metaverse. 

Trò chơi điện tử được đánh giá là ngành đầu tiên có thể hưởng lợi từ metaverse. Nhận thấy điều này, ngay đầu năm 2022, Microsoft đã thực hiện thương vụ sáp nhập công nghệ lớn nhất lịch sử khi bỏ ra 68,7 tỷ USD để mua lại Activision.

 

Kính thực tế ảo là một trong những công cụ giúp người dùng "nhập vai" trong thế giới metaverse. Ảnh: AP.

Tại Trung Quốc, Tencent cũng từng ra mắt một nền tảng nhập vai tương tự như metaverse, tuy nhiên nền tảng ảo này phải tuân thủ theo nhiều quy định gắt gao từ giới chức quản lý. 

ByteDance - chủ sở hữu TikTok cũng đã đầu tư tiền vào công ty sản xuất tai nghe VR Pico và nhà sản xuất trò chơi di động Reworld. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy ByteDance sẽ sớm ra mắt nền tảng metaverse của riêng mình. 

Liệu Internet có bị thay thế bởi Metaverse?

Metaverse chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nhờ Internet. Người dùng metaverse có thể truy cập và sống trong thế giới ảo ở bất kì đâu và bất kì lúc nào. Nếu không có Internet thì dường như điều này là không thể. 

Để bắt kịp tiềm năng của metaverse, ngành internet sẽ còn phải cải tiến hơn nữa. Ngày nay dù mạng 4G đã trở nên phổ biến, việc xử lý hàng triệu thậm chí hàng tỷ luồng dữ liệu cùng một lúc như trên thế giới metaverse vẫn rất khó khăn. 

Đó là lý do tại sao các nhà cung cấp dịch vụ di động trên thế giới đang chi hàng tỷ USD để xây dựng mạng 5G. Các chuyên gia dự đoán để metaverse tiến xa hơn nữa, con người cần có mạng 6G với tốc độ nhanh hơn 100 lần so với hệ thống mạng 4G hiện tại. 

(Theo Doanh nhân & Pháp luật)

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN