Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp mùa Covid


Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trong cơn bão dịch Covid-19.

Theo đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đánh giá, đợt dịch lần thứ tư cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đạt đến giới hạn của sức chịu đựng.

Ông Đặng Hồng Anh thay mặt cho các hội viên đưa ra 6 kiến nghị đến Chính phủ

Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng mọi nguồn lực, khả năng có thể để khắc phục khó khăn, tìm giải pháp để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, qua đó góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế nước nhà. Đồng thời về phía Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các Bộ, ban, ngành hữu quan đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các chỉ đạo rất kịp thời trong việc hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, nếu tình hình khó khăn vẫn kéo dài, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, người lao động mất việc làm. “Dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp trong hơn 1,5 năm qua đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động”. Vì vậy, tổ chức này đã đề xuất sáu giải pháp để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa và rút lui khỏi thị trường

Sáu kiến nghị đề xuất giúp các doanh nghiệp phục hồi trong cơn bão dịch

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch lần thứ tư. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Thứ hai, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất một năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Thứ ba, hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 đến 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021). Hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.

Thứ tư, giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng (chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản…) cũng áp dụng cho 12 tháng từ tháng 7/2021.

Thứ năm, không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỉ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Thứ sáu, thành lập Ban nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và đồng tiền kỹ thuật số theo tinh thần Quyết định 942 ngày 15.06.2021 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tham gia vào ban này, nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.

Doanh nhân trẻ và những thử thách của đại dịch lần bốn.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có mạng lưới tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với hơn 10.000 hội viên đang điều hành hàng chục ngàn doanh nghiệp, ước tính hơn 3 triệu người lao động. Trong đó, có 98% hội viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp với nền tảng tích lũy phần lớn chưa nhiều.

Trong bối cảnh hiện tại, bộ phận doanh nhân trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm đến hơn 90% và các doanh nghiệp đều sở hữu số lượng lao động tương đối nhiều. Việc xây dựng và áp dụng chính sách phù hợp sẽ giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng lan rộng có thể dẫn đến phá sản của nhiều doanh nghiệp có cùng một môi trường kinh doanh, có mối quan hệ cộng sinh. Để bảo vệ được người lao động, cần phải có biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó mới là cốt lõi của vấn đề. Qua đó, rất hi vọng qua sáu kiến nghị của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp mùa Covid sẽ mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ, các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư ở trung ương và địa phương sẽ có giải pháp kết nối, tạo cộng đồng hệ sinh thái một cách chủ động để các doanh nghiệp có điều kiện cộng sinh, hợp tác, vượt qua ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN