Tri thiên mệnh
Trong cuộc phỏng vấn này, chúng tôi xin phép được "săm soi" ông với hình ảnh ít được biết đến hơn từ trước tới nay: Hình ảnh một thương gia, một doanh nhân Bùi Kiến Thành. Nếu tóm tắt thì chưa đầy 30 tuổi, ông từ bỏ sự nghiệp chính trị rất triển vọng đi theo con đường dân doanh, và có vẻ như, đến khi sự nghiệp kinh doanh rất thành công, ông đã trở về Việt Nam làm "một ông cố vấn". Tại những thời điểm đó, con người doanh nhân trong ông nghĩ điều gì? Lý do nào khiến ông lựa chọn trở thành doanh nhân?
Ông Bùi Kiến Thành: Năm 1958, khi đang là đại diện Ngân hàng Quốc gia của Chính quyền Sài Gòn cũ tại New York (Mỹ), tôi nhận trách nhiệm tổ chức Vụ Thanh tra cho Ngân hàng Quốc gia để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Trung ương bên New York cử chuyên gia sang Sài Gòn để hỗ trợ công việc này nên tôi trở về. Tuy nhiên, giữa tôi và ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia khi đó có một số quan điểm khác nhau, không tìm được sự đồng thuận. Tôi suy nghĩ, việc lập Vụ Thanh tra không có mình vẫn triển khai được mà thời điểm này xin ra ngoài phát triển thành phần dân doanh là phù hợp. Tôi trình bày nguyện vọng và được chấp thuận.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: NVCC
Cuộc đời lạ lắm. Tất cả những chuyện xảy ra đều tuân theo sự sắp xếp nào đó không ai lường trước được. Trong khi tôi đang suy nghĩ thì Công ty Bảo hiểm American International Underwriters AIU (là tập đoàn American International Group AIG sau này) cần tìm một người có năng lực để làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIU tại Sài Gòn, thay cho vị đại diện người Pháp giữ vị trí này nhiều năm qua. Thông qua một người bạn của tôi, họ tiếp cận và đề nghị tôi làm việc cho họ.
Tôi nhận thấy bảo hiểm rất quan trọng cho vấn đề ổn định kinh doanh cho doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp về hoả hoạn, hàng hải…. Thứ hai, bảo hiểm là nguồn tài chính dài hạn, ổn định, có thể đầu tư vào nền kinh tế bổ sung cho nguồn tín dụng ngắn hạn của các ngân hàng thương mại.
Khi đó thị trường bảo hiểm tại Việt Nam chưa mạnh, chưa có bảo hiểm nhân thọ, vốn có thể tạo nền nguồn tín dụng lâu dài, bền vững. Đây là một lĩnh vực tài chính rất thú vị, rất quan trọng cho nền kinh tế, ngoài nguồn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, tôi nhận lời và trở thành vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc người Á Đông đầu tiên của AIU tại Sài Gòn. Câu chuyện làm doanh nhân bắt đầu như vậy.
Nhưng chưa hết, trong thời gian đang làm cho AIU, một người bạn của tôi có quan hệ với một số nhà đầu tư bên Philippines và họ muốn thành lập một công ty làm ắc quy tại Sài Gòn. Anh ấy gặp một số khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư từ phía Sài Gòn nên rủ tôi cùng tham gia.
Cái hay là phía nhà đầu tư Philippines đã có kinh nghiệm thành lập doanh nghiệp tương tự tại nước họ, có thể mang công nghệ, mang mẫu nhà máy sang Việt Nam, có thể đào tạo người và quản lý. Tôi mời một ngân hàng ở Sài Gòn tham gia, kêu gọi sự đầu tư của một số đại gia về phụ tùng ô tô, vậy là Công ty Sản xuất Ắc quy Việt Nam VABCO, tiền thân của Công ty PINACO ra đời.
Tôi sang Mỹ, thu xếp để dược dùng thương hiệu quốc tế Prestolite (công ty Autolite, một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bình ắc quy phải đổi tên sau khi sáp nhập về Ford) và công nghệ của họ. Lần đầu tiên Việt Nam có một liên doanh nước ngoài có thương hiệu nước ngoài, với nhà máy sản xuất công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao nhưng bán giá nội địa nên thống lĩnh cả thị trường dân sự và quân sự.
Vậy nên, trả lời câu hỏi của bạn về việc vì sao tôi trở thành doanh nhân thì: Một là mình có nhân duyên, hai là mình có cơ hội. Cờ đến tay thì mình phất và phải làm tốt.
Còn khi ông quyết định từ bỏ sự nghiệp kinh doanh để trở thành một "ông cố vấn”?
Ông Bùi Kiến Thành: Đây là một việc khác. Đầu những năm 1980, một số cán bộ từ Hà Nội sang Paris tiếp xúc với tôi. Hồi đó tôi có những mối quan hệ tốt với Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Paris, họ nắm rõ thông tin về những việc tôi đã làm, trong các vấn đề dân doanh, trong quan hệ với doanh nghiệp và chính quyền Mỹ. Vì thế, các anh ấy muốn nghe ý kiến của tôi để xây dựng lại nền kinh tế Việt Nam lúc đó đang đối diện với rất nhiều khó khăn.
Đề nghị của tôi ở thời điểm ấy rất táo bạo, cốt lõi là quan điểm "dân giàu thì nước mới mạnh", khôi phục lại quyền tự do kinh doanh cho cả nền kinh tế để đưa đất nước vươn lên, nền kinh tế phải có sự tham gia của khối dân doanh. Những gợi ý của tôi được áp dụng tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1981-1983, kinh tế phía Nam trỗi dậy tốt, từ đó dẫn tới quan điểm Đổi mới chính thức được thông qua năm 1986 trong đó xác định nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế nhiều thành phần”.
Bước đầu đạt được như vậy. Cho đến thời điểm Liên Xô tan rã năm 1991, một phái đoàn khác lại đến gặp và đề nghị tôi trở về Hà Nội để có thể gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hơn, để những ý kiến đóng góp của tôi được thực thi nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Thấy họ nhiệt tình và cầu thị, tôi quyết định bỏ hết các hoạt động kinh doanh của tôi và trở về.
Ngay khi đó, tôi đã khẳng định là phải xây dựng quan hệ với Mỹ, coi đó là điều tiên quyết để phát triển kinh tế. Mở quan hệ với Mỹ là mở cửa một thị trường lớn, đồng thời cũng là thị trường tiếp thu công nghệ mới, và quan trọng hơn nửa là giải tỏa cấm vận, bước đi cần thiết để hội nhập cùng với các nền kinh tế toàn cầu.
Thời thế tạo cơ hội cho tôi làm việc với những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền Sài Gòn những năm 1950-1960, với chính phủ Eisenhower, với lãnh đạo cao nhất của nhà nước Mỹ, lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp Mỹ khi mình làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ở New York. Tôi mới nghĩ, tôi sẽ tận dụng điều kiện đó để giúp cho Việt Nam phát triển.
Vì vậy, tôi không ngần ngại bỏ hết công việc kinh doanh của mình để về tư vấn cho nhà nước Việt Nam về hai vấn đề: Một là xây dựng một nền kinh tế dân doanh có hiệu quả, thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế với Mỹ, và hai là từng bước đi đến một nhà nước pháp quyền hoàn thiện.
Từ bỏ công việc kinh doanh đang thuận lợi, có thể mang lại lợi nhuận cả chục triệu USD để về làm một công việc không nhận lương, không nhận bất cứ một chế độ đãi ngộ nào, đó đâu phải là cách hành xử của một doanh nhân bình thường, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Tất nhiên nếu tiếp tục công việc kinh doanh bên Pháp và bên Mỹ, từ năm triệu, mười triệu USD, có thể sinh lời tới trăm triệu USD, thậm chí, còn nhiều hơn nữa cho tài sản cá nhân. Nhưng điều đó không quan trọng bằng góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển cho quê hương dất nước.
Lễ ký kết hợp đồng hợp tác giữa các DN Việt-Mỹ nhân chuyến thăm của TT Bill Clinton năm 2000
Chúng ta không thể lượng hoá được nhưng chắc chắn, một hay hai doanh nghiệp ở bên Pháp, bên Mỹ phát triển lớn lắm cũng chỉ được mấy trăm triệu, vài tỷ USD không thể so sánh được với sự chuyển đổi chính sách và cách vận hành kinh tế của một quốc gia. Tôi đã lựa chọn đóng góp một phần để giúp nền kinh tế Việt Nam khi đó vượt qua khỏi ách tắc nội tại, hoà nhập và hội nhập với cả cộng đồng kinh tế thông qua việc mở liên lạc với thị trường Mỹ.
Vào thời điểm đó, tôi không biết ai có thể làm được việc này nhưng tôi biết chắc chắn mình có thể làm được. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, đáng để tôi bỏ tất cả những việc khác.
Doanh nhân không nên xin – cho, không phải là "cá mập"
Theo sát sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1991 tới nay, cùng với đó là sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng doanh nhân, ông nhận xét gì về giới doanh nhân Việt Nam? Điểm mạnh và điểm yếu của doanh nhân nước ta là gì?
Ông Bùi Kiến Thành: Doanh nhân Việt Nam rất đặc biệt. Họ phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh chưa thật sự tương thích hoàn toàn với chuẩn mực kinh doanh trên thế giới. Nhưng họ vẫn trồi lên được nhờ sức lực tự phát. Bắt nguồn từ nguồn tài chính các Việt kiều gửi về cho gia đình, những doanh nghiệp dân doanh đầu tiên mở quán ăn, tiệm may, các mô hình kinh doanh nhỏ khác, từ đó phát triển dần. Về sau, khối kinh tế nhà nước vẫn chiếm chủ đạo, với nhiều ưu đãi về nguồn lực hay tài nguyên, khối dân doanh được hỗ trợ nhưng chỉ phần nào. Vì thế, chúng ta phải đánh giá cao doanh nhân Việt Nam, với những kết quả họ đã làm được cho tới thời điểm này.
Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế rằng, nền kinh tế ngày một cởi mở, hội nhập, nhận thức về vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân đã đổi khác, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam cơ hội phát triển thêm lên nhưng họ chưa khai thác được hết các cơ hội đó. Lý do là vì doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo một cách bài bản. Doanh nhân Việt Nam có được năng lực để tìm cách trồi lên trong điều kiện không thuận lợi nhưng chưa có hành trang cần thiết để cạnh tranh trên những thị trường có quy củ, có chuẩn mực của thế giới.
"Cần phải có thời gian để xoá bỏ thói xấu dựa vào xin – cho thì doanh nhân Việt Nam mới có thể phát triển mạnh lên được".
Một vấn đề khác là khối dân doanh phải sống trong môi trường xin – cho, hệ luỵ của sự “nuông chiều” quá mức nhiều doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian rất dài. Điều này tác động xấu tới doanh nhân Việt Nam, biến nhiều người thành doanh nhân xin – cho, đi lên nhờ các mối quan hệ, nhờ luồn lách tiêu cực để chiếm đoạt những nguồn lực và tài nguyên của đất nước, làm hỏng nhận thức của chính các doanh nhân về việc kinh doanh. Cần phải có thời gian để xoá bỏ thói xấu dựa vào xin – cho thì doanh nhân Việt Nam mới có thể phát triển mạnh lên được.
Ông nghĩ thế nào khi nhiều thương gia, doanh nhân, đặc biệt là những người thành đạt thường gọi là shark (cá mập). Hình ảnh đó có phù hợp với doanh nhân không hay doanh nhân phải có phẩm chất tiên quyết nào, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Chữ shark đó trong tiếng Anh là một danh từ rất tiêu cực. Tại Việt Nam, danh từ đó hiện bị một số người trong giới kinh doanh lạm dụng để mô tả phong cách của người Việt hăng hái tham gia thị trường. Vậy nhưng, đó không phải là một triết lý tốt.
Doanh nhân là người tạo ra và điều hành doanh nghiệp, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ. Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra những dịch vụ và sản phẩm có ích, được xã hội tiếp nhận. Từ đó, sẽ xuất hiện sự trao đổi mua bán, tạo cho doanh nghiệp doanh thu. Trong phần doanh thu sẽ có được một số lợi nhuận, tích luỹ lại thì tạo thành tư bản (tiền). Đã làm doanh nhân thì phải làm tốt công việc của mình, tức là phải lèo lái doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Đây là chuyện đương nhiên.
"Làm giàu trên sự đau khổ của người khác không thể là phẩm chất của một doanh nhân".
Thế nhưng, trong khi doanh nghiệp mở rộng tối đa hoạt động kinh doanh, có những sản phẩm tốt nhưng cũng có những tác động tiêu cực cho xã hội. Ví dụ, dù Twitter hay Facebook là một dịch vụ tương tác rất hiệu quả, phù hợp với sự phát triển công nghệ thế kỷ 21 nhưng cũng có những vấn đề về bảo mật thông tin cả nhân, thu thập thông tin người dùng sử dụng với mục đích không chính đáng. Đó là điều phải tránh, không thể nhân danh sự lớn mạnh của doanh nghiệp mà gây hại cho xã hội.
Về phần mình, doanh nhân không nên trở thành cá mập để nuốt những con cá bé. Anh ta không bắt buộc phải làm những điều trái với lương tâm, trái với đạo lý. Phải cố gắng làm tốt nhất vai trò doanh nhân nhưng không được chạy theo đồng tiền bằng cách huỷ hoại nhân phẩm của bản thân hay nhân phẩm của người khác. Làm giàu trên sự đau khổ của người khác không thể là phẩm chất của một doanh nhân.
Ông Bùi Kiến Thành (thứ 5 từ trái sang) trong một hội nghị bàn về việc phát triển Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: NVCC
Thế mạnh của kinh tế Việt Nam là gì?
Cứ vài năm, chúng ta lại hân hoan đón tin một hay hai doanh nhân được lọt vào danh sách tỷ phú USD, và hàng trăm người lọt vào danh sách người siêu giàu (số tài sản trên 30 triệu USD). Theo ông, điều này có phản ánh chất lượng doanh nhân nói riêng và chất lượng của nền kinh tế nói chung?
Ông Bùi Kiến Thành: Nó chỉ thể hiện phần nào thôi. Vấn đề là số tiền chục triệu, trăm triệu hay hàng tỷ USD đến từ đâu? Đó là tài sản đến từ sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp hay đến từ những lợi thế mà doanh nghiệp có được do những mối quan hệ mờ ám, làm giàu bằng cách chiếm đoạt tài nguyên chung?
"Không ai được làm giàu bằng cách tước đoạt quyền lợi chính đáng của người khác".
Thế hệ doanh nhân giàu có đang nổi lên là thế hệ sinh ra vào những năm 1950, 1960 đã làm được gì? Họ đã xây dựng được thế hệ kế cận chưa? Thế hệ kế cận ấy sẽ lèo lái việc kinh doanh như thế nào, có thể tiếp tục đi theo con đường của các vị cha chú hay không khi rất nhiều tài nguyên đã bị sử dụng để làm giàu theo cách tận thu?
Như vậy chúng ta phải nhìn vào bản chất của sự giàu có ấy và rút kinh nghiệm. Quan trọng là phải tổ chức xã hội như thế nào cho mọi người đều được có cơ hội để tiến lên, không ai được làm giàu bằng cách tước đoạt quyền lợi chính đáng của người khác.
Nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, nguy cơ suy thoái hiện hữu ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Những điều này chắc chắn sẽ tác động tới giới thương gia, doanh nhân nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Là người từng thành công vì biết cách vượt qua khó khăn hiện hữu, cũng là người luôn áp dụng được nguyên tắc hai bên cùng có lợi trong vai trò một "ông cố vấn", liệu ông có lời khuyên gì cho lớp hậu bối?
Ông Bùi Kiến Thành: Nền kinh tế Việt Nam đứng trong thời kỳ hội nhập là như thế nào? Tức là chúng ta mang cái mình có đưa ra thế giới và tiếp thu từ thế giới những thứ cần thiết và phù hợp với mình.
Vậy thế mạnh của chúng ta là gì? Đó là câu hỏi mà những nhà quản lý phải trả lời. Xác định được thế mạnh thì phải phát huy thế mạnh đó trên thị trường, để có thể hội nhập với thế giới.
Chẳng hạn, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu tới hơn 30 tỷ USD hàng dệt may. Điều này có nghĩa hàng dệt may của Việt Nam có thể bán được tại Mỹ hay các thị trường khác trên thế giới. Thế nhưng, chúng ta đã nghiên cứu về việc xuất khẩu hàng may mặc theo chuẩn mực của thế giới, để tự mình làm tận gốc bán tận ngọn chưa? Thực tế chúng ta vẫn bán qua những doanh nghiệp trung gian.
Hay câu chuyện xuất khẩu nông sản. Tại sao thương nhân Trung Quốc mua vải, nhãn của Việt Nam, về nước chế biến lại rồi bán với giá cao sang các thị trường khó tính từ lâu mà mãi vài năm gần đây chúng ta mới bắt đầu công việc này? Rõ ràng, doanh nghiệp làm được sản phẩm tốt nhưng chưa đủ kiến thức cần thiết để mang sản phẩm của mình vào những chuỗi giá trị có lợi nhuận cao. Vậy thì các nhà quản lý hãy chỉ dẫn, hỗ trợ họ.
Nhìn ở tầm vĩ mô, nếu không nghiên cứu để xác định lợi thế so sánh (comparative advantages) của toàn nền kinh tế, không phát huy mà làm mai một hoặc tổn hại nội lực của mình thì nền kinh tế Việt Nam sẽ cần nỗ lực và thời gian gấp nhiều lần để lớn mạnh và tự chủ.
Khánh Nguyên (thực hiện)
Theo Thương Gia Online