Cổ phiếu nào hưởng lợi khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế?


Sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.

Cổ phiếu nào hưởng lợi khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế?

Thời điểm khó khăn nhất đã qua

Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16%), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%). Đây có thể xem là năm hoàng kim của ngành khi tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam vượt trội so với mức trung bình toàn cầu (tăng 3,8%) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương (tăng 4,6%). 

Tưởng chừng như bức tranh tươi sáng của ngành du lịch sẽ được vẽ tiếp vào năm 2020, nhưng sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 (từ cuối năm 2019) đã trở thành yếu tố kéo lùi đà phát triển của ngành xuyên suốt giai đoạn 2020-2021.

Theo kế hoạch ban đầu, ngành du lịch dự kiến đón 20 triệu lượt khách trong năm 2020 và nếu tính riêng trong tháng 1-2020, Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục với 2 triệu lượt khách quốc tế.  

Tuy nhiên, với ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam đã dừng mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3-2020. Số lượt khách quốc tế trong năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt (giảm 79%). Khách du lịch nội địa cũng thu hẹp về 56 triệu lượt. Trong khi đó, tổng thu từ ngành du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng (giảm 59%).

Bước sang năm 2021, ngành du lịch tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa từng có với ảnh hưởng của biến chủng Delta cũng như sự chặt chẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 157.300 lượt (giảm 96%), lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt còn tổng thu từ du lịch thu hẹp về mức 180.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng với hơn 90% đơn vị dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh cũng như cắt giảm nhân sự. 

Năm 2021, hoạt động lưu trú du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với công suất phòng trung bình cả năm chỉ đạt 5%. Số lượng lao động trong ngành toàn thời gian chỉ còn tương đương 25% so với cả năm 2020.

Triển vọng rõ ràng hơn

Sau khoảng thời gian thí điểm, ngày 15-3 đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn của ngành du lịch khi Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Một số quy định về việc mở cửa đón khách nước ngoài có thể kể đến như: có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2, duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD.

Với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. 

Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch, nhưng có thể khẳng định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Theo giới phân tích, ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch, vận tải du lịch.

Tuy nhiên, theo CTCK Sài Gòn (SSI), sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với đặc tính phản ánh kỳ vọng của TTCK, giá CP thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.

Đối với nhóm du lịch/lữ hành là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các mã CP đáng chú ý gồm có: VTD, VNG, CTC, TCT. Tuy nhiên, SSI cho rằng việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.

Đối với nhóm lưu trú du lịch là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Theo SSI, các mã CP cần theo dõi bao gồm: DAH, OCH và NVT. 

Nhóm vận tải du lịch là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Các CP hưởng lợi gồm có: HVN, VJC, SKG, SRT, HRT. 

Tuy nhiên, theo nhận định của SSI, với đặc tính vận tải, các mã CP trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao. 

Ngoài ra, SSI cũng đánh giá đại diện đầu ngành của nhóm dịch vụ hàng không là ACV. Doanh nghiệp này được dự báo sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch.

(Theo saigondautu.com.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN