Doanh nghiệp du lịch “khát” nhân lực trước ngày mở cửa


Nhiều doanh nghiệp ngành du lịch cho biết việc tuyển dụng nhân sự cho ngày mở cửa trở lại gặp nhiều khó khăn và chất lượng nhân sự là một ẩn số.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc CTCP Lữ hành Thành Sen không giấu được vui mừng khi Chính phủ cho phép mở lại đường bay quốc tế thường lệ và mở cửa du lịch hoàn toàn từ giữa tháng 3. Theo ông, đây là giai đoạn "tái khởi nghiệp" của doanh nghiệp du lịch.


Doanh nghiệp du lịch gặp khó với bài toán nhân lực

Khó khăn vì thiếu nhân sự

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tuyển dụng lại nhân sự khi hoạt động trở lại. “Với những người theo chuyên ngành du lịch, có thể nói rất ít trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để bước chân vào ngành du lịch sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua” - ông Trình nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thái Do, chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort  Silk Sense cũng chia sẻ, doanh nghiệp dù đã phát thông báo tuyển dụng nhân viên và quản lý ở nhiều vị trí khác nhau để chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động trở lại sau hai năm tạm ngưng vì dịch, song nhân sự hiện nay là một ẩn số.

Ông Do cho biết, bởi hầu hết nhân lực du lịch đã phải “tản” ra khắp nơi, chuyển sang các ngành khác, doanh nghiệp du lịch phải tuyển dụng mới, nhưng lại khó khăn vì nhân sự có tay nghề đã không còn như trước.

Trước đó, một số thống kê cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chia sẻ chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm "bộ khung" cho sau này phục hồi. Khi phải lựa chọn giải pháp cuối cùng này, nhiều doanh nghiệp cũng đã lường trước được việc rất khó để “kéo” nguồn nhân sự cao cấp quay lại làm việc khi du lịch phục hồi.

Thực tế tại nhiều địa điểm, đơn vị du lịch cũng “ngấm đòn” khi lượng khách tăng đột biết trong bối cảnh thiếu nhân lực. Đơn cử như tại khách sạn The Scecret (Côn Đảo), đại diện khách sạn này cho biết, thiếu nhân sự phục vụ là khó khăn chung của nhiều khách sạn, resort trên đảo. Tình trạng này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2022 và ngày càng nghiêm trọng hơn, do sau Tết, lượng khách tăng đột biến.

Cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực mới

Trao đổi với phóng viên, TS Phạm Hồng Long -  Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết, nhân lực trong lĩnh vực du lịch thường là những người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng, tay nghề và kiến thức tốt, nhưng do thời gian nghỉ quá lâu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì các lao động đã ổn định công việc mới, rất khó có thể quay trở lại nghề du lịch trước đây.

Việc đào tạo nguồn nhân lực mới là vô cùng cấp bách

Ngoài số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi mà các kỹ năng nghề nghiệp của họ không được mài giũa thường xuyên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng chia sẻ, với thực tế hơn 80% các doanh nghiệp du lịch đóng cửa trong thời gian dài, nhân sự nghỉ việc đã có công việc mới có thể không quay lại, việc tuyển dụng ngoài việc bổ sung nhân sự mà còn là cơ hội củng cố chất lượng nhân sự, thu hút người có trình độ chuyên môn cao.

Theo ông Quỳnh, giải pháp cấp bách hiện tại là đào tạo lại các kỹ năng phục vụ cơ bản và các kỹ năng mềm vì đây là dịch vụ mến khách.

Trong khi đó, theo TS Phạm Hồng Long các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, đồng thời thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn, đặc biệt, việc tuyển sinh tại một số trường đào tạo du lịch thời gian qua cũng giảm, do đó không thể dễ dàng ngày một ngày hai có được lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu khi ngành Du lịch hồi phục.

Ông Long cho biết, để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, bên cạnh sự đồng hành, định hướng của Bộ VHTT&DL và các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng sản phẩm gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được các doanh nghiệp chủ động hơn nữa, trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn. Đây được xem là bước chuẩn bị cơ bản để giúp ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi sau dịch.

"Việc đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao thích nghi với đại dịch COVID-19 là rất quan trọng và cần thiết, thậm chí có thể coi đây là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh khi du lịch hồi sinh" - ông Long chia sẻ.

(Theo vccinews.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN