Wellness tourism: Mô hình du lịch đầy tiềm năng tại Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết


Với những ưu thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đầu tư và phát triển thành công mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness). Tuy nhiên, xu hướng du lịch này chưa được định hướng bài bản cũng như khai thác tương xứng với tiềm năng ở nước ta.

 

 

Wellness tourism là gì?

"Wellness" trong tiếng Anh hàm chứa ý nghĩa của hai từ healthy - sức khỏe thể chất và spiritual - sức khỏe tinh thần. Do đó Wellness tourism chính là loại hình tour du lịch giúp du khách thư giãn cả về thể chất lẫn đầu óc.

Nói cách khác, Wellness tourism không hướng đến các hoạt động di chuyển, tham quan quá nhiều nơi. Trái lại, tour được thiết kế nhằm mục đích tăng cường sức khỏe cho du khách, làm mới lại cơ thể thông qua việc khai thác nhiều hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh.

Điển hình là việc thực hiện những liệu trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt như massage, yoga, thiền,..kết hợp song song việc tham quan du lịch những địa điểm linh thiêng, giàu tính nhân văn,…từ đó, hướng du khách tới việc hưởng thụ trọn vẹn và có cái nhìn tích cực về cuộc sống, mau chóng đưa cơ thể đạt trạng thái cân bằng.

Tiềm năng phát triển của Wellness tourism?

Theo báo cáo của The Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu), Wellness tourism đang dần trở thành lựa chọn của du khách nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh và thư thái, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm và cân bằng cảm xúc… Tính đến cuối 2019, mô hình du lịch này đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và được dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% hằng năm. Đến năm 2022 kinh doanh trong mảng Wellness tourism ước đạt mức 919 tỉ USD, chiếm 18% tỷ trọng thị trường du lịch thế giới.

 

 

Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của xứ sở Phù Tang, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ…

Với Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá mô hình du lịch wellness rất giàu tiềm năng phát triển bởi Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thích hợp để khai thác dịch vụ. Bằng chứng là Hà Nội và Hội An được xếp vào Top 10 điểm đến tốt nhất cho Wellness tourism tại Châu Á. Đây rõ ràng là thị phần màu mỡ cho ngành du lịch trong tương lai nếu chúng ta định hướng đúng và biết cách khai thác triệt để thế mạnh.


Các tiêu chí mà một dự án Wellness tourism phải có?

Tại Việt Nam, Wellness tourism còn khá mới mẻ và chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, với những ai mong muốn phát triển mô hình này, cần chú ý một số điểm cơ bản sau:

Vị trí yên tĩnh, không gian trong lành

Đây là điều kiện đầu tiên để phát triển mô hình du lịch Wellness tourism. Với mục tiêu giúp khách hàng thư giãn cả về thể chất và tinh thần, loại hình Wellness tourism cần được tọa lạc tại vị trí yên tĩnh, được bao bọc bởi thiên nhiên trong lành như nằm giữa rừng, gần bờ biển, nằm trên hòn đảo,… giúp du khách tận hưởng sự thoải mái mà không phải dựa vào các tiện ích hiện đại như nhiều khu nghỉ dưỡng, resort 5 đang thực hiện. Đây cũng là một phong cách riêng khiến Wellness tourism trở nên thú vị và thu hút.

Môi trường tham quan

Không những thế, môi trường để du khách tham quan cũng cần hoàn toàn thiên nhiên như những khu rừng nguyên sinh, những bãi biển hoang sơ, vách núi cheo leo, hang động hùng vĩ, vườn rau thiên nhiên, vườn thảo dược, suối thác tự nhiên,…

 

Loại hình xây dựng
Lấy thiên nhiên làm nền tảng của thiết kế, những sản phẩm xây dựng dù là biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, homestay,… đều cần kết hợp hài hòa với môi trường xung quanh. Cần hạn chế sự xuất hiện của những thiết bị quá tối tân, hiện đại không phù hợp với không gian nghỉ ngơi thanh tĩnh. Các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên được ưu tiên như: tre, nứa, đá, gỗ, lá cây, cỏ,... để tạo không gian mộc mạc, mang lại cảm giác thư thái, được hòa mình vào thiên nhiên.

Các dịch vụ đi kèm phù hợp

Wellness tourism hướng tới mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách thông qua các hoạt động như: Yoga trên bãi biển, ngồi thiền, tắm suối nước nóng, đạp xe trong rừng, lướt ván nước, massage trị liệu, thư giãn, khám phá rừng già, leo núi, trồng trọt,…Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng luôn được xem trọng, mang đến cho du khách bữa ăn hoàn toàn thiên nhiên, organic, tạo không khí gia đình đầm ấm.

Theo Cafebiz

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN