Giải nghĩa tủ đồ “classic” với 6 tượng đài của thời trang cổ điển


Thời trang cổ điển không chỉ xoay quanh những món đồ tối giản, chúng là sự thanh lịch bất chấp thời đại và luôn gợi mở những nguồn cảm hứng mới để không bao giờ phai nhạt trước thời gian và xu hướng. 

Có nhiều cách để định nghĩa về “Classic Style”. Nhưng ở đây, chúng ta hãy thử đi từ thực tế đến lý thuyết bằng cách giải mã phong cách cổ điển của những người phụ nữ biểu tượng. Họ yêu thích món đồ nào, biến tấu với chúng ra sao và làm thế nào để thể hiện một cách tinh tế dáng vẻ của sự gợi cảm? 

COCO CHANEL SÁNG TẠO LITTLE BLACK DRESS 

Hẳn sẽ là một sai sót lớn nếu quên đi chiếc đầm Little Black Dress (LBD) của quý bà Gabrielle Bonheur "Coco" Chanel. Năm 1926, chiếc “đầm đen bé nhỏ” chính thức được ra mắt trên trang bìa tạp chí Vogue số tháng 10. Đó là một chiếc đầm dài đến đầu gối, màu đen tuyền, làm từ vải jersey. Dù chỉ là một bản phác thảo, ẩn bên trong thiết kế giản đơn ấy lại là cả một cuộc cách mạng, chứa đựng biết bao nhiêu nỗi khát khao được giải phóng khỏi những corset bó sát, dáng mũ quá khổ, là thoát ra khỏi cái tư tưởng lỗi thời trong văn hóa phục trang thời Victorian, thời Edwardian. 

Bản phác thảo Little Black Dress

Bản phác thảo của Little Black Dress trên trang bìa tạp chí Vogue với tên gọi Chanel’s Ford (ám chỉ LBD giống với Model T – mẫu xe ô tô nổi tiếng thời bấy giờ). (Ảnh: Vogue)

Đi ngược với số đông, Coco chọn màu đen cho thiết kế của mình và khiến nó trở thành “màu cờ” của sự cao cấp, quý phái trong thời đại nhạc Jazz (Roaring Twenties). Mấy ai ngờ rằng, sau này, LBD lại là giải pháp cho người phụ nữ trong thời kì Đại Suy Thoái những năm 1930, khi giá cả là gốc rễ của mọi vấn đề. Người phụ nữ thời ấy cổ điển, thanh lịch nhờ chính sự tối giản trong thiết kế “không thừa không dư” lượng vải. 

Biểu tượng phong cách cổ điển Coco Chanel

Chân dung Coco Chanel – người đã sáng lập ra thương hiệu cao cấp CHANEL và là “mẹ đẻ” của Little Black Dress (Ảnh: Rex Features)

Audrey Hepburn Givenchy

LBD trở thành ý tưởng mà mọi thương hiệu muốn hướng đến. Một trong số những thiết kế LBD nổi tiếng nhất phải kể đến chiếc đầm của Hubert de Givenchy năm 1961, được chưng diện bởi Audrey Hepburn. (Ảnh: Hulton Archive)

 

AUDREY HEPBURN VÀ NHỮNG CHIẾC KHĂN LỤA CỔ ĐIỂN

Cái khó khi bàn về phong cách của Audrey Hepburn là làm sao để lột tả hết khả năng khiến mọi thứ trở nên “vượt thời gian” của “trend-setter” những năm 1950 này. Dẫu đã quá nổi tiếng trong hình tượng Holly Golightly với LBD đến từ nhà mốt Givenchy, người ta vẫn nhớ về Hepburn bởi những phụ kiện bà diện, mọi bộ cánh bà mặc. Trong số đó phải kể đến khăn lụa.

Audrey Hepburn đeo khăn lụa

Audrey trong bộ phim “Charade” 1963. (Ảnh: Getty Images)

Hepburn yêu thích việc quàng chiếc khăn lụa qua cổ, hay trùm lên đầu một cách ngẫu hứng, đồng hành là một cặp kính râm mắt mèo, hoặc đôi khi là chiếc găng tay da, cho bà cái vẻ bí ẩn khiến người ta phải ngoái lại nhìn. Không chỉ xuất hiện trên rất nhiều tác phẩm như Funny FaceCharade, khăn lụa còn được Audrey Hepburn trưng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thậm chí, cách buộc khăn lụa trùm đầu của bà chính là nguồn cảm hứng cho BST Dior Thu-Đông 2021.

Audrey Hepburn trên phim trường Funny Face
Audrey Hepburn trên phim trường Funny Face năm 1957. (Ảnh: Getty Images)
(Ảnh: Pinterest)

 

CÔNG NƯƠNG DIANA – SUIT CHÂN VÁY SANG TRỌNG

Thời trang của Công nương xứ Wales vẫn luôn là đề tài được bàn tán ở mọi thời đại. Trong số đó, những bộ suit chân váy đã thực sự làm nên thương hiệu. “Combo” này vừa tuân thủ quy tắc đặc thù của Hoàng gia, vừa thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân của Công nương đó là sự tinh tế và nổi bật. 

Công nương Diana trong bộ suit tweed xanh dương

(Ảnh: Getty Images)

Công nương Diana thường ưu tiên những tông màu sáng như hồng phớt, xanh dương, xanh lá,… Thi thoảng, bà còn “suit up” lịch thiệp với nơ – phụ kiện trong trang phục tuxedo của phái nam. Dù đã 25 năm trôi qua kể từ ngày Công nương mất, những công thức thời trang của bà vẫn là xu hướng ở thời điểm hiện tại. 

Công nương Diana trong bộ suit trắng

(Ảnh: Getty Images)

Công nương Diana trong bộ suit tweed xanh lá

(Ảnh: Getty Images)

 

CHIẾC MŨ HỘP THUỐC SÀNH ĐIỆU CỦA GRACE KELLY 

Không chỉ là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất thế kỉ XX, Grace Kelly còn để lại cho làng mốt một kho tài liệu bất tận về sự sang trọng và “classic”. Ngắm nghía những lần xuất hiện của bà, mũ Pillbox dường như đóng vai trò quan trọng giúp định hình tính độc bản trong phong cách của nữ minh tinh. 

Grace Kelly mũ pillbox (3)

Chiếc mũ Pillbox kinh điển trong phim Rear Widow (1954)
(Ảnh: Pinterest)

Pillbox (mũ hộp) là dáng mũ hình trụ đứng được lấy cảm hứng từ hộp đựng thuốc. Kiểu thiết kế “rất Mỹ” này được Công nương Monaco ưa chuộng và chưng diện khá nhiều trước công chúng, kể cả khi bà đã rời xa màn bạc. Là một tượng đài thời trang, Grace Kelly nghiễm nhiên sẽ không để chiếc mũ của mình đơn điệu và lặp lại. Hoa, mạng che mặt, chất liệu nhung mềm,… Công nương Monaco cứ thế đưa đến làng mốt những “chiếc mũ đựng thuốc” sành điệu nhất thập niên 50.  

Grace Kelly mũ pillbox

(Ảnh: Getty Images)

Grace Kelly mũ pillbox (1)

(Ảnh: Getty Images)

 

LUÔN PHONG CÁCH VỚI KÍNH RÂM NHƯ JACKIE O 

Khi còn là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, hình ảnh của Jackie Kennedy thường gắn liền với những chiếc đầm maxi hay suit vải tweed của CHANEL. Đến sau này, khi tái hôn và trở thành Jacqueline Onassis, phong cách của bà đón chào tinh thần phóng khoáng qua item đặc trưng nhất của mình: kính râm oversized.

Jackie O oversized sunglasses

(Ảnh: Getty Images)

Phụ kiện tưởng chừng như quá đỗi cơ bản này lại thổi thêm vẻ trẻ trung vào thần thái tao nhã của bà. Jackie O có thể phối kính râm bất cứ thứ gì, thường thấy nhất là cùng áo măng tô hay khăn lụa. Nó là tuyên ngôn của bà về một người phụ nữ luôn luôn “chic”, không để mình xuề xòa và tàn phai trước những thăng trầm của cuộc đời. 

Jackie Kennedy cổ điển

(Ảnh: Getty Images)

Jackie Kennedy cổ điển (1)

(Ảnh: Getty Images)

 

ĐỊNH NGHĨA LẠI VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN VỚI JANE BIRKIN TRONG CHIẾC ĐẦM MINI 

Trong số những tên tuổi ở đây, Jane Birkin là người có tinh thần “classic” khác biệt nhất, bởi vẻ cổ điển trong bà là sự pha trộn giữa thần thái tinh nghịch, năng động và nét điềm tĩnh truyền thống. Người ta hay nhớ về Birkin trong chiếc đầm mini dáng chữ A đầy sức sống, đúng với vẻ tươi mới của những cô gái thời Swinging Sixties. Jane Birkin không ăn vận cầu kì và những thiết kế váy mini của cô cũng vậy. Chúng chính là lời phủ định cho mệnh đề “cổ điển phải gắn liền với phong thái tao nhã, nhẹ nhàng”.  

Biểu tượng phong cách cổ điển Jane Birkin

(Ảnh: Daily Mail/Shutterstock)

Jane Birkin cổ điển với đầm mini

Jane Birkin trong chiếc đầm mini cùng giỏ Basket bag làm nên thương hiệu. (Ảnh: Wallace/ANL/Shutterstock)

Jane Birkin mini dress cổ điển

(Ảnh: Getty Images)

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN