Các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của ACG đạt 170,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, mức tăng trên chủ yếu do doanh nghiệp đã điều chỉnh chiến lược bán hàng đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước và xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp ngành gỗ thu về 4.475 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng tăng 35% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 615 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Với kết quả này, ACG đã vượt 5% về doanh thu thuần và 11% về lợi nhuận sau thuế.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của ACG đạt 5.467 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 3.839 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương tiền của ACG tăng 290%, lên mức 387 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 21%, đạt 1.205 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt 1.491 tỷ đồng, tăng 5% (bao gồm nguyên vật liệu đạt 698 tỷ đồng, thành phẩm 264 tỷ đồng); dự phòng giảm giá của hàng tồn kho lại giảm 16%, ở mức 24,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn có thêm 401 tỷ đồng từ việc đầu tư vào công ty liên kết là Công ty CP Thắng Lợi Homes, qua đó, nâng tài sản đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp lên mức 615 tỷ đồng, tương ứng tăng 123%.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của ACG đến ngày 31/12/2022 là 1.554 tỷ đồng, tăng 28% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn của doanh nghiệp đã tăng thêm 43%, lên 813 tỷ đồng. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước cũng tăng 238%, ở mức 122 tỷ đồng. Khoản phải trả cho người lao động lại giảm 60%, đạt 23 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 3.912 tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với đầu năm.
Cổ phiếu suy giảm do cơ cấu cổ đông
Cổ phiếu ACG chính thức được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 10/10/2022, với giá tham chiếu ở mức 67.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường tại thời điểm này là hơn 9.142 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACG đang lấy lại đà tăng từ đầu năm, với 13 phiên tăng điểm, trong đó có 1 phiên tăng trần, đưa thị giá cổ phiếu lên mức giá 44.500 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, thị giá cổ phiếu ACG giảm còn 35.400 đồng/cổ phiếu (ngày 30/12/2022), tương ứng với mức giảm gần 47,4%, đồng nghĩa với vốn hóa thị trường của ACG cũng bị “bốc hơi” hơn 4.334 tỷ đồng, bằng gần 50% sau gần 3 tháng niêm yết trên HoSE, cùng với tình trạng mất thanh khoản, đã khiến nhà đầu tư lo lắng.
Để trấn an nhà đầu tư, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 23/12/2022, Chủ tịch ACG Lê Đức Nghĩa cho biết, năm 2023, doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cấu trúc về mặt chiến lược với mục tiêu trở thành doanh nghiệp vốn hóa 1 tỷ USD. Đồng thời giải thích nguyên nhân chính khiến cổ phiếu sụt giảm mạnh là do cơ cấu cổ đông của ACG quá cô đặc.
Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam - công ty của ông Lê Đức Nghĩa đang nắm 50,04% vốn điều lệ, 2 tổ chức nước ngoài là Sumimoto Forestry, Vina Capital nắm giữ 37,67% vốn điều lệ của ACG.
Bên cạnh đó, Chủ tịch ACG cũng cho rằng, trong thời gian qua, triển vọng ngành gỗ nói chung cũng bị đánh giá tiêu cực. Trong 6 tháng cuối năm và những tháng sắp tới dự báo sẽ còn khó khăn hơn. Các thông tin như: nhà máy ở Bình Dương cắt giảm công nhân, các đơn hàng xuất khẩu bị hạn chế, ngành bất động sản khó khăn đã làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán, theo đó, cổ phiếu ACG cũng bị ảnh hưởng theo diễn biến chung.
Chủ tịch ACG Lê Đức Nghĩa cũng cho rằng, thị giá cổ phiếu của An Cường trên sàn chứng khoán không phản ánh đúng giá trị của công ty. Bởi, hiện các quỹ đầu tư đang đánh giá tích cực về ACG.
Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp hồi cuối năm 2022, Chứng khoán VNDirect nhận định đà tăng trưởng của ACG sẽ chậm lại trong năm 2023, đồng thời, kỳ vọng lợi nhuận ròng của ACG sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2024 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS).
Theo VNDirect, nhu cầu BĐS, đặc biệt là các BĐS cao cấp, tích trữ và đầu cơ, vẫn gặp khó khăn trong nửa cuối 2022 do tín dụng vào các loại hình này hạn chế. Bên cạnh đó, phân khúc trung cấp và bình dân có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy và lãi suất gia tăng.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, nhu cầu ở những phân khúc này có thể vượt qua các áp lực trên trong nửa cuối 2022, do nguồn cung mới phân khúc này hạn chế và nhu cầu ở thực vẫn cao. Từ đó, VNDirect, dự báo doanh số ký bán của top 5 doanh nghiệp BĐS trong danh mục của CTCK này có thể thụt lùi còn 88.600 tỷ đồng trong nửa cuối 2022, so với 159.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2022.
“Tuy nhiên, ACG đang có kế hoạch phát triển thị phần ra các tỉnh nhỏ với mục tiêu mở rộng 63 tỉnh thành trong quý III/2023. Tính đến đầu quý IV/2022, ACG có khoảng 60 showroom tại 51 tỉnh thành. Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu nội địa sẽ tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ trong năm 2023 nhờ mở rộng thị phần”, chuyên gia của VNDirect nhận định.
Dù vậy, với nguyên do chính khiến cổ phiếu suy giảm từ cơ cấu cổ đông cô đặc, trong trường hợp ACG tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng tích cực, vượt khó khăn chung của ngành gỗ như hiện tại, nếu các cổ đông lớn không bán ra, lượng cổ phiếu lưu hành tự do có thể giao dịch được thấp, thiếu thanh khoản, ACG hẳn chỉ trông vào phát hành mới để nâng thêm giá trị vốn hóa đạt tỷ đô. Điều này có tạo được hấp dẫn với các cổ đông nhỏ, lẻ?
ĐÌNH ĐẠI
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp