Bí kíp lãnh đạo của CEO các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới: người thích làm "hành động ngược", người tìm cơ hội trong khó khăn
Để chèo lái công ty trong một thế giới nhiều biến động hậu đại dịch, các CEO luôn phải có những chiến lược thật rõ ràng.
Giám đốc điều hành (CEO) là vị trí trọng yếu trong bất kỳ tập đoàn nào, họ chịu trách nhiệm cho việc hoạch định chiến lược, quản lý, giúp công ty hoạt động hiệu quả nhất.
Dưới đây là 5 lời khuyên từ CEO của các công ty hàng đầu nước Mỹ giúp bạn vận hành công ty riêng, dù trong thời kỳ khủng hoảng hay phục hồi kinh tế.
Tìm thấy cơ hội trong khó khăn
CEO Rent The Runway - Jennifer Hyman
Khi Covid-19 buộc thế giới phải bắt đầu những đợt giãn cách vào đầu năm 2020, Jennifer Hyman, nhà đồng sáng lập kiêm CEO hãng thời trang khổng lồ Rent The Runway chứng kiến công việc kinh doanh bị đóng băng. Đến tháng 5/2020, chỉ còn 30% phòng ban trong công ty hoạt động.
Mọi thứ rất khó khăn, nhưng Hyman đã mạnh dạn áp dụng những cải tiến mới cho Rent The Runway - vốn được cho là điều không tưởng trước đại dịch.
“Chúng tôi không để năm 2020 trôi qua một cách lãng phí. Đại dịch thật khủng khiếp, nhưng cũng là thời điểm cho sự sáng tạo lên ngôi. Nhìn theo hướng tích cực, chúng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội thực hiện một loạt thay đổi trong quy trình hoạt động nếu công ty vẫn giữ cường độ sản xuất như trước kia", nữ CEO 41 tuổi nói.
Những đơn hàng ít hơn giúp Hyman có thời gian cải tiến mô hình định giá của Rent The Runway, đồng thời cập nhật và tự động hóa tại các kho chứa ở Texas và New Jersey (Mỹ). Ngoài ra, bà còn đầu tư vào AI, thẻ ID vô tuyến và robot để phân loại, làm sạch và vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả hơn. Nhờ những nâng cấp này, Rent the Runway tránh được việc phải mở trung tâm phân phối thứ ba đắt đỏ và giúp công ty hoạt động ổn định hơn trong đường dài.
Những nỗ lực đã được đền đáp khi Rent The Runway phục hồi nhanh chóng vào mùa xuân năm 2021. Vào tháng 10 năm ngoái, công ty đã được niêm yết trên sàn Nasdaq và được định giá hơn 1 tỷ USD.
Tập trung vào tính năng cốt lõi
CEO Spotify Daniel Ek tại trụ sở chính ở New York
Để thuyết phục người dùng sử dụng Spotify, CEO Daniel Ek nhận định ứng dụng phải sở hữu những tính năng đặc biệt mà các trang âm nhạc vi phạm bản quyền không có được.
Ek xác định Spotify chỉ tập trung vào âm nhạc và âm thanh, điều giúp ông tuyển được những tài năng hàng đầu trong ngành.
"Chúng tôi rất giỏi từ chối (những thứ không quan trọng). Mỗi khi làm gì, chúng tôi đều nhìn lại kế hoạch của công ty và xem nó có giúp nâng cấp ứng dụng hay không. Nếu câu trả lời là có, chúng tôi sẽ làm... Những người giỏi nhất trong ngành âm thanh đến với chúng tôi vì Spotify là tốt nhất. Ở Apple, âm nhạc chắc chỉ là ưu tiên thứ 27."
Triết lý trên đã giúp Daniel Ek và công ty thành công vực dậy ngành công nghiệp phát trực tuyến toàn cầu. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, Spotify vẫn giữ vị trí dẫn đầu ngành dù phải đối đầu trực diện với ba ông lớn trị giá hàng nghìn tỷ USD: Apple, Alphabet và Amazon.
Nắm bắt xu hướng
CEO Vimeo - Anjali Sud
Khi Anjali Sud gia nhập công ty video kỹ thuật số Vimeo với tư cách là giám đốc tiếp thị, cô được giao nhiệm vụ giúp Vimeo cạnh tranh với Netflix, Amazon Prime và HBO.
Tuy nhiên Sud sớm nhận ra các đối thủ đã sớm thống trị thị trường trong khi Vimeo còn quá nhỏ bé. Cô xác định tương lai của công ty không nằm ở những bộ phim Hollywood hào nhoáng mà ở các doanh nghiệp, những đơn vị có nhiều nhu cầu quảng cáo.
"(Quảng cáo) cho doanh nghiệp là một thị trường lớn hơn nhiều. Mọi công ty từ những cửa hàng nhỏ lẻ, start-up công nghệ đến tập đoàn công nghệ đa quốc gia đều có nhu cầu quảng cáo. Đây chắc chắn sẽ là xu hướng", nữ CEO 38 tuổi nói
IAC, khi đó là chủ sở hữu Vimeo, đã giao cho Sud một nhóm nhỏ để xây dựng dịch vụ. Kế hoạch thành công và Sud được thăng chức làm CEO Vimeo vào năm 2017. Cô góp công lớn đưa Vimeo từ một công ty kém nổi thành danh mục đầu tư công nghệ có giá trị nhất tại IAC.
Vào tháng 5/2021, Vimeo tách khỏi IAC và Anjali Sud trở thành một trong số ít nữ CEO của một công ty công nghệ được giao dịch công khai.
Đi sâu vào phân tích dữ liệu
CEO Nate Blecharczyk đề cao tầm quan trọng của phân tích dữ liệu trong kinh doanh
Nate Blecharczyk - đồng sáng lập Airbnb là một chuyên gia về khoa học máy tính. Khi công ty mới ra mắt, các nhà sáng lập khác tỏ ra bối rối trước việc liệu có nên mở thật nhiều cơ sở kinh doanh để gia tăng khách hàng.
Blecharczyk quyết định lập một nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Ông thu thập dữ liệu từ các thị trường lớn của Airbnb tại New York, San Francisco và L.A. và nhận ra ở mỗi thành phố, Airbnb chỉ cần 300 cơ sở để thu hút tối đa khách hàng.
“Bằng cách xem xét dữ liệu rất cẩn thận, chúng tôi đã xác định được vấn đề. Từ mục tiêu phức tạp phải phát triển công ty trên toàn nước Mỹ, mọi thứ được đơn giản hóa và Airbnb chỉ cần có 300 cơ sở kinh doanh ở những thành phố du lịch quan trọng nhất".
Làm điều ngược lại
Josh Silverman giúp công ty Etsy bé nhỏ đạt hàng tỷ USD doanh thu dù phải đối đầu với nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ
Thị trường bán lẻ hiện tại là cuộc đua giữa những người khổng lồ như Amazon, Walmart, Target,... nhưng Josh Silverman, CEO công ty sản xuất hàng thủ công cổ điển Etsy đã tìm thấy thị trường ngách cho riêng mình.
Trong khi các ông lớn "chiến đấu" để cung cấp những mặt hàng sản xuất đại trà, giá rẻ và nhanh gọn, Etsy lại tập trung vào những mặt hàng chế tác thủ công và độc đáo.
Nhờ sở hữu đội nghệ nhân lành nghề, kết hợp với biện pháp tiếp thị hiệu quả, Etsy ghi nhận doanh thu năm 2020 tăng 111% lên 1,7 tỷ USD chỉ từ những món đồ nội thất, tác phẩm nghệ thuật hay đồ chơi có một không hai trên thị trường. Hiện tại, so với thời điểm năm 2020, cổ phiếu Etsy đã tăng giá 275%.
(Theo Doanh nhân & Pháp luật)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN