Mảng nào ‘ăn nên làm ra’ nhất trong khối công nghệ của FPT?
Khối công nghệ đóng góp 57-58% doanh thu và 44-45% lợi nhuận FPT. Hoạt động xuất khẩu phần mềm vẫn là trụ cột chính đem về doanh thu và lợi nhuận cho khối công nghệ của FPT. Thị trường công nghệ thông tin trong nước ghi nhận bứt phá trong năm 2021 nhờ chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh do dịch bệnh.
Được thành lập từ 1988, Công ty cổ phần FPT (HoSE: FPT) hiện nay là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tập đoàn có 3 mảng kinh doanh chính gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong đó, khối công nghệ là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp doanh thu, lợi nhuận lớn nhất cho FPT với tỷ trọng lần lượt 57-58% và 44-45%.
Đơn vị: tỷ đồng |
Khối công nghệ của FPT được phát triển bởi 4 công ty con gồm FPT Software, FPT IS, FPT Digital, FPT Smart Cloud.
FPT Software được thành lập đầu tiên vào tháng 1/1999, có vốn điều lệ lớn nhất 3.300 tỷ đồng và cũng là đơn vị hạt nhân trong khối. FPT định hướng FPT Software là đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới với mục tiêu đứng trong Top 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu vào 2030. Công ty chuyên tư vấn và triển khai giải pháp công nghệ, dịch vụ chuyển đổi số trọn gói cho các doanh nghiệp quy mô lớn trên toàn cầu dựa trên các công nghệ tiên tiến cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), siêu tự động hóa (Hyper-automation), công nghệ chuỗi (Blockchain) …
Sau đó, tập đoàn thành lập tiếp FPT IS (1994), đơn vị tích hợp hệ thống. Trước làn sóng của Cuộc cách mạng 4.0, đơn vị đã đầu tư để phát triển hệ sinh thái các sản phẩm "Made by FPT", hướng đến mục tiêu trở thành công ty cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm hàng đầu Việt Nam và khu vực. Các sản phẩm của FPT IS có thể kể đến như hệ thống thông tin chính quyền điện tử FPT.eGOV, hệ thống quản lý trái phiếu doanh nghiệp, phần mềm quản lý bệnh viện FPT.eHospital 2.0+, trung tâm điều hành và giám sát thông minh cho giao thông – FPT.iTransp …
Với 2 đơn vị còn lại, FPT Digital được thành lập vào tháng 2/2021 chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn lộ trình chuyển đổi số gắn liền với định hướng phát triển doanh nghiệp; FPT Smart Cloud thành lập tháng 8/2020 chuyên chung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng AI và Cloud Computing.
Ngoài ra, vào tháng 5/2021, FPT công bố đã mua chi phối Base.vn – nền tảng quản trị doanh nghiệp với mục tiêu hướng tới nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm đến 97% tổng doanh nghiệp và đóng góp 45% GDP.
Trong khối công nghệ, FPT Software phát triển thị trường nước ngoài và FPT IS phát triển thị trường trong nước, 2 đơn vị này cũng đang mang lại doanh thu, lợi nhuận chủ yếu cho tập đoàn. Còn các đơn vị còn lại được xem là mảng tiềm năng đang được tập đoàn đẩy mạnh.
FPT Software liên tục tăng trưởng
FPT bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm khi thành lập FPT Software từ năm 1999. Ban lãnh đạo xác định bài toán khó đặt ra không chỉ là tiếp cận thị trường mà còn là vấn đề nhân lực. Theo đó, FPT đã quyết định liên kết với Aptech, Tập đoàn giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, thành lập 2 trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech. Tuy nhiên, do không đáp ứng đủ nhu cầu nên FPT đã xây dựng Đại học FPT (2006) để giải quyết vấn đề nhân lực cho lĩnh vực này.
Tính đến nay, tập đoàn đã có chi nhánh, văn phòng tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thực hiện M&A công ty công nghệ nước ngoài để mở rộng mạng lưới, lĩnh vực. Như vào 2014, FPT thực hiện mua Công ty RWE IT Slovakia để mở rộng ra lĩnh vực hạ tầng công ích. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Sau đó, tập đoàn tiếp tục mua 90% cổ phần của Intellinet – Công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ, đánh trọng tâm vào các dự án chuyển đổi số. Xét theo cơ cấu doanh thu, thị trường Nhật Bản ghi nhận lớn nhất, sau đó là Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.
Về kết quả kinh doanh, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT ghi nhận tăng trưởng liên tục. Cụ thể, doanh thu tăng thị trường nước ngoài tăng từ 8.443 tỷ đồng năm 2018 lên 14.451 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận trước thuế tăng từ 1.360 tỷ đồng lên 2.424 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Theo tập đoàn, trong hai năm kể từ khi đại dịch xuất hiện, mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều nhận ra và trải nghiệm sức mạnh của công nghệ. Đây là lý do các khoản đầu tư cho công nghệ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định không chỉ trong năm 2022 mà còn kéo dài trong thập kỷ tới. Gartner dự báo dịch vụ CNTT tăng 7,9% trong năm 2022, lên 1.280 tỷ USD và dự kiến tăng 8,8% vào năm 2023. Tiếp theo là doanh số bán phần mềm doanh nghiệp sẽ tăng 11%, lên 672 tỷ USD và vào năm 2023 con số tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 11,9%. Doanh thu của các hệ thống cho trung tâm dữ liệu trong năm nay sẽ tăng 4,7%, lên 226 tỷ USD.
Dự báo của IDC - Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới cũng cho thấy, đầu tư vào chuyển đổi số toàn cầu vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023. Sau cú tăng tốc vào năm 2020, IDC cho rằng ngành công nghệ đang trở lại mô hình tăng trưởng trước đây với mức trung bình hàng năm 5% - 6%, đang trên đà vượt mức 5.300 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ là thị trường công nghệ lớn nhất trên thế giới, chiếm 33% tổng chi tiêu, tương đương khoảng 1.800 tỷ USD cho năm 2022.
Trong bối cảnh đó, ông Phạm Minh Tuấn – CEO FPT Software cho biết tập đoàn liên tục đẩy mạnh tuyển dụng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và bổ sung nguồn lực sản xuất. Số lượng nhân sự cho thị trường nước ngoài đạt trên 18.000 người trong năm 2021. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng được mở rộng hoạt động thông qua việc mở mới chi nhánh tại Ấn Độ, Philippines hay đầu tư vào các đối tác như Intertec International - công ty có trên 20 năm kinh nghiệm tại thị trường Trung Mỹ. Tập đoàn cũng triển khai đào tạo đội ngũ và tuyển thêm các chuyên gia công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực AI, Blockchain, Cloud... để gia tăng năng lực phục vụ khách hàng.
FPT IS bứt phá từ 2021
Đối với thị trường trong nước, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 chứng kiến làn sóng chuyển đổi số thổi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, với nhiều mục tiêu của 10 – 20 năm đã được đẩy nhanh thực hiện trong một năm, thậm chí nhanh hơn. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành năm 2021 đạt 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước; công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã lan tỏa sâu rộng tạo nên một làn sóng chuyển đổi số khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Do vậy, năm 2021 cũng là năm bứt phá của FPI IS. Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, doanh thu quanh 6.000 tỷ đồng giai đoạn 2018-2020 nhưng riêng năm 2021 tăng lên 7.500 tỷ đồng. Lợi nhuận ghi nhận tăng đều đặn từ 142 tỷ đồng lên 242 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng giám đốc FPT IS chia sẻ dịch bệnh Covid-19 khiến tốc độ chuyển đổi số, số hóa trong các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực. Doanh thu ký mới của doanh nghiệp tăng mạnh. Trong năm 2021, FPT IS đã ký hợp đồng với nhiều đơn vị trong ngành xây dựng – bất động sản, là tiền đề để phát triển giải pháp chuyên sâu các chuyên ngành khác trong năm nay. Trong lĩnh vực công, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận với chơ quan chính phủ cấp bộ và địa phương. Năm 2021, FPT IS mở rộng quan hệ với 5 bộ mới, tiếp cận 40 tỉnh thành và triển khai dự án chuyển đổi số cho 14 tỉnh thành.
FPT Smart Cloud và Base Enterprise còn lỗ
Với mảng điện toán đám mây và AI, CEO FPT IS cho biết năm 2021 là năm đầu tiên tách ra thành khối kinh doanh riêng và là mảng đầy triển vọng. Số liệu Người Đồng Hành có được cho thấy, doanh thu FPT Smart Cloud tăng mạnh từ 2,5 tỷ năm 2020 lên 127 tỷ năm 2021, song lỗ ròng cũng tăng từ 14 tỷ lên 31 tỷ đồng.
Trong năm đầu tiên về với FPT, Base Enterprise - nền tảng quản trị doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ 51 tỷ đồng lên 94 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn lỗ 23 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 4 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu âm 60,3 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
NGỌC ĐIỂM
Theo Người Đồng Hành
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN