Startup Tubudd: Đưa ngôn ngữ và văn hóa gắn kết với du khách nước ngoài
Với mong muốn xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa khi du khách nước ngoài đến Việt Nam đồng thời giúp họ có những trải nghiệm thú vị, nền tảng Tubudd đã ra đời.
Tubudd là nền tảng kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn bản địa được thành lập năm 2017 tại Anh Quốc với mong muốn xây dựng một nền tảng du lịch kết nối khách hàng và hướng dẫn viên bản địa (local buddy). Dự án này giúp cá nhân hóa chuyến đi theo nhu cầu và đem đến những trải nghiệm đậm chất địa phương cho du khách. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Cofounder Vũ Thị Thái An (Annie Vũ) cho biết, đây không phải ý tưởng bộc phát mà là một quá trình để ý, nhìn nhận, tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ sau khi cả nhóm nâng lên đặt xuống rất nhiều ý tưởng khác.
“Mười năm trước khi phượt cùng hai người bạn Canada từ Bắc vào Nam, mình nhận ra người nước ngoài ở Việt Nam gặp khó khăn trong giao tiếp, làm quen với môi trường hay văn hoá của người Việt. Tương tự, tám năm trước đi du lịch Châu Âu một mình, mình cũng thử đặt các app liên quan đến du lịch thời điểm đó nhưng đều không có sự cam kết của người cung cấp dịch vụ và mất rất nhiều thời gian cho người dùng. Bản thân các thành viên sáng lập của nhóm đã đi rất nhiều nơi và nhận ra mỗi nơi đều có sự ngăn cản về ngôn ngữ và rào cản về văn hoá, đó là điều khiến chúng mình quyết định tạo ra Tubudd”, bà Annie Vũ chia sẻ.
Nói về dự án của mình, Founder Tubudd cho hay, Việt Nam không chỉ là nơi tuyệt vời để khởi nghiệp với tiềm năng du lịch lớn, mà còn là nơi chắp cánh cho giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ khao khát khám phá thế giới. Thế hệ trẻ Việt Nam năng động, nỗ lực trau dồi ngoại ngữ để trở nên hiểu biết hơn, đón đầu những cơ hội mới bằng tinh thần chủ động, hiếu khách. Đi cùng với sự phát triển thần tốc của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, mỗi người trong những bạn trẻ đó chính là tương lai của Tubudd.
Những con sóng cả...
Theo bà Annie Vũ nhận định, bất kỳ một startup nào cũng sẽ gặp những khó khăn, cụ thể khi bắt đầu về Việt Nam, Tubudd gặp khó trong quy định của pháp luật về hướng dẫn viên du lịch phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, các buddy hoạt động không hẳn một hướng dẫn viên, họ hoạt động như một người làm nghề tự do, nên khi giới thiệu khách hàng Tubudd phải nói rõ đây không phải hướng dẫn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các buddy có trách nhiệm tự kê khai thuế cá nhân thì ở Việt Nam quy định này vẫn chưa rõ ràng.
Khi phát triển dự án, Tubudd nhận ra, mặc dù du lịch Việt Nam có rất nhiều điểm mạnh, con người hiếu khách, thân thiện, có nhiều địa điểm và danh lam thắng cảnh đẹp mà ít quốc gia nào có được. Nhưng những điểm mạnh đó chưa được khai thác và quảng bá rộng rãi. Phần lớn các chương trình du lịch vẫn mang nhiều tính truyền thống, chưa truyền tải được sự đổi mới, phát triển và lan toả thế mạnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Đặc biệt các khó khăn trở nên đỉnh điểm khi Đại dịch COVID-19 ập đến, bao trùm bóng đêm lên mọi thứ trong đó có du lịch, Tubudd không thể nằm ngoài vòng xoáy đó, mọi thứ thay đổi hoàn toàn, không được đón khách nước ngoài, rồi một thời gian sau cũng không thể đón khách trong nước. Tất cả dừng lại hoặc loay hoay trong một chuỗi khó khăn chồng chất.
...Vẫn vững tay chèo
Để giải quyết khó khăn về vấn đề pháp lý, Cofounder của Tubudd đề xuất được quyền cấp chứng chỉ riêng qua huấn luyện cho hướng dẫn viên du lịch. “Trên thực tế một hướng dẫn viên kinh nghiệm cần 5-7 năm tiếp xúc thường xuyên với du khách để trở nên chuyên nghiệp, nên Tubudd muốn tạo khóa đào tạo cung cấp các kỹ năng mềm, đào tạo cho hướng dẫn viên từ đó cấp chứng chỉ riêng cho họ. Chúng tôi sẵn sàng mời các chuyên gia về huấn luyện để trở thành local buddy”, bà Annie Vũ nói.
Hạ quyết tâm phải vượt qua COVID-19, tuy có thời điểm Tubudd đã suy nghĩ nên đóng cửa hay tiếp tục thì thật may mắn vẫn có khách hàng tìm đến. Lãnh đạo dự án quyết định giữ lại các phận cần thiết như sales, chăm sóc khách hàng, phát triển dự án. Còn những bộ phận khác như truyền thông, sự kiện, admin… tạm nghỉ để co gọn đội ngũ. Lúc này, Tubudd tập trung vào những dịch vụ, sản phẩm có thể bán được và mang lại doanh thu. Dần dần, Tubudd hòa vốn dòng tiền và đạt lợi nhuận theo năm, duy trì được doanh thu, lợi nhuận, nhân sự nhận lương đều đặn hàng tháng.
Sau khi vượt qua Đại dịch, tất cả các thành viên trong nhóm đã xốc lại tinh thần, hoàn thiện dự án và tiếp tục mang sản phẩm của mình “chinh chiến” không chỉ tại các thị trường khác mà còn tại các cuộc thi. Thật bất ngờ, năm 2022, Tubudd chính thức trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được tham gia Cup khởi nghiệp toàn cầu (EWC). Vượt qua hơn 10,000 dự án khác trên thế giới, Tubudd đã có mặt ở TOP 250 dự án xuất sắc nhất toàn cầu. Ngay sau đó, dự án được kết nối và làm việc với 250 dự án khác đến từ các quốc gia học hỏi và nhận được hướng dẫn trục tiếp từ các cố vấn trên toàn cầu thông qua bootcamp kéo dài 3 ngày với nhiều chủ đề khác nhau.
Hiện tại Tubudd đã có mặt tại gần 10 quốc gia và hơn 20 thành phố trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và gần 500 local buddies tại Việt Nam. Mục tiêu trong thời gian tới, Tubudd sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh khác tại Việt Nam và cả nước đặc biệt là Châu Á. Năm 2024, Tubudd kỳ vọng sẽ đặt được chân sang những quốc gia khác như là Hàn Quốc Indonesia và Malaysia.
BÍCH PHƯƠNG
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN