Không chỉ địa ốc hay ngân hàng, vì đâu nhóm “tỷ phú Đông Âu” đều từng có tham vọng hàng không: Từ Vietjet, Air Mekong, Vasco, Vinpearl Air đến Sun Air
Thực tế tất cả các đơn vị tham vọng làm hàng không tư nhân tại Việt Nam đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực du lịch.
Không chỉ cùng nhau tham gia vào những lĩnh vực hot như bất động sản hay ngân hàng, các tỷ phú hàng đầu Việt Nam khởi nghiệp từ Đông Âu từ lâu nay còn cùng thể hiện sự quan tâm lớn đến một lĩnh vực lớn khác là hàng không.
Vietjet Air khởi sắc làm nên cơ đồ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.Vingroup cũng từng rất gần với việc đưa Vinpearl Air cất cánh nhưng rồi đã quyết định dừng cuộc chơi để tập trung vào xe điện.
Hay trước đó, Mekong Air cất cánh chứng minh ông Đoàn Quốc Việt không đứng ngoài cuộc chơi lớn của các đại gia hàng không và mới đây, hãng bay siêu sang Sun Air lộ diện trực thuộc Sun Group - tập đoàn gắn liền cùng tên tuổi doanh nhân Lê Viết Lam đang thu hút đông đảo sự chú ý.
Vào năm 2016, Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh cũng từng có ý định kết hợp với Vietnam Airlines thành lập hãng bay trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) nhưng sau đó kế hoạch này đã không được triển khai.
Thực tế tất cả các đơn vị tham vọng làm hàng không tư nhân tại Việt Nam đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực du lịch. Hai đơn vị lữ hành lớn là Thiên Minh và Vietravel cùng muốn thành lập hãng hàng không nhưng hiện chỉ có Vietravel Airlines là đã hoạt động.
Người đặt nền móng cho hàng không tư nhân Việt
Theo công bố mới nhất của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ hãng hàng không Vietjet là người giàu thứ 3 Việt Nam với khối tài sản 3 tỷ USD. Bà du học tại Matxcova (Nga) vào năm 1987. 21 tuổi, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên từ việc buôn bán hàng điện tử và cao su tự nhiên ở thị trường Đông Âu.
Năm 2007, bà tham gia sáng lập Vietjet Air, không chỉ trực tiếp nắm cổ phần, bà Thảo còn có ảnh hưởng tại Vietjet thông qua Hướng Dương Sunny, Sovico Holdings và HDBank.
Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội, đánh dấu một sự kiện chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam. Phát triển thần tốc, hiện nay vốn hóa của Vietjet lên đến 76.000 tỷ đồng.
Song song với phát triển hàng không, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang phát triển hệ thống nghỉ dưỡng với các thương hiệu như Furama Đà Nẵng, Ariyana, L'Alya Ninh Van Bay...
Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam
Ngày 2/3/2022, Vietjet Air một lần nữa khẳng định vị thế trong lĩnh vực hàng không khi là đơn vị tiên phong đề xuất thực hiện chuyến bay miễn phí đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước trước bối cảnh phức tạp, dự kiến khởi hành vào ngày 6/3/2022.
"Tỷ phú đầm tôm" nâng cánh cho "sếu đầu đỏ"
BIM Group của "tỷ phú đầm tôm" Đoàn Quốc Việt là cái tên được nhắc đến với vai trò chống lưng cho cánh "sếu đầu đỏ" Air Mekong.
Xuất phát từ nhu cầu đi lại thường xuyên của ông Việt và cũng bởi đó là chuyên ngành học của ông tại Đông Âu, nhận thấy nhu cầu và những mảng thị trường còn trống, ông chủ BIM quyết định về nước đầu tư mở hãng hàng không. Tháng 10/2010, Air Mekong bắt đầu thực hiện khai thác với tư cách một hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam.
Từ đầu, Air Mekong nhắm đến những thị trường ngách, bay đến vùng hải đảo, Tây Nguyên, để lại hình ảnh "sếu đầu đỏ" đầy ấn tượng trong tâm trí khách hàng. Sau gần 2 năm hoạt động, Air Mekong có 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900, với 13 đường bay đến 9 điểm nội địa, mở ra nhiều cơ hội cộng hưởng cho lĩnh vực bất động sản, nông – thủy sản mà ông Việt đang hoạt động.
Đến tháng 6/2012, Air Mekong bàn với Eximbank góp 11% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến tháng 3/2013, Air Mekong xin phép tạm dừng bay với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay. Sau 1 năm, hãng vẫn không có động thái bay. Đến tháng 1/2015, Bộ GTVT đã rút giấy phép kinh doanh vận chuyển của Air Mekong.
Air Mekong tồn tại trong thời gian khá ngắn song vẫn để lại dấu ấn
"Tỷ phú mì gói" tham vọng lấn sân sang hàng không
Người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng trước khi về nước phát triển cơ nghiệp từng sáng lập nên Technocom - nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu tại Ukraine. Sau đó, ông bán lại cho Nestle với giá 150 triệu USD và về nước dựng lên Vingroup.
Với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái du lịch - hàng không, Vingroup đã khởi động dự án Vinpearl Air. Dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020, Vinpearl Air gây xôn xao từ những dự án hành lang như việc tuyển sinh trường đào tạo phi công, mua máy bay, tổ chức chuyến bay,...để chuẩn bị cho màn ra mắt hoành tráng. Tuy nhiên, ngày 14/1/2020, Vingroup đột ngột công bố đóng cửa dự án Vinpearl Air, rút khỏi kinh doanh vận tải hàng không. Lý do là muốn tập trung vào việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp.
Sun Group: Từ những dự án nghỉ dưỡng siêu sang và hãng bay dành riêng cho giới tài phiệt
Từng là cộng sự của ông Phạm Nhật Vượng tại Ukraine, doanh nhân Lê Viết Lam đã về nước xây dựng Sun Group tập trung phát triển những dự án du lịch, khách sạn định vị ở phân khúc cao cấp. Sun Group mới đây đã "khuấy đảo" ngành hàng không khi ra mắt Sun Air chuyên phục vụ phân khúc khách hàng hạng sang.
Những hình ảnh đầu tiên về chuyên cơ Gulfstream G650ER của Sun Air
Theo lộ trình, từ quý 3/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thủy phi cơ. Hãng dự kiến sẽ khai thác thêm máy bay thuộc đẳng cấp cao nhất trong dòng máy bay phản lực thương gia, vốn được ví như những “cung điện bay” là Boeing BBJ và Airbus ACJ.
Trước đó, Sun Group đánh dấu bước lấn sân sang thị trường hàng không với dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Với tổng giá trị đầu tư 7.463 tỷ đồng, đây là cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.
(Theo cafef.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN