Chuyển đổi số - cứu cánh giúp doanh nghiệp BĐS “sống sót” cùng đại dịch


Theo Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường, cuộc cách mạng chuyển đổi số là là tất yếu. Saler và doanh nghiệp BĐS muốn "sống sót" tiếp tục phát triển xa hơn trong bối cảnh hiện nay thì chuyển đổi số trong ngành bất động sản chính&nb

Xin ông cho biết đôi nét về quy mô và số lượng các thành viên của CLB Bất động sản Hà Nội hiện nay?

CLB Bất động sản Hà Nội (HNREA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động chủ yếu hoặc liên minh trong các lĩnh vực liên quan đến Bất động sản. Với sứ mệnh “Tôn vinh nghề nghiệp – Kết nối cộng đồng”, trong suốt 12 năm thành lập tới nay (2009- 2021), HNREA đã kết nối mạng lưới rộng khắp với hơn 10.000 thành viên là các doanh nhân, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề kinh tế liên quan khác trên cả nước.

Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường

Tình hình chung của doanh nghiệp BĐS trên địa bàn Thủ đô sau 4 lần dịch bùng phát đến nay ra sao, thưa ông?

Sau 4 lần dịch bùng phát toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng đều bị thiệt hại nặng nề… Đặc biệt trong đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 này, dự báo số đơn vị phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Nguyên nhân là bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…

Trong vai trò Chủ tịch của CLB Bất động sản Hà Nội, trong thời gian qua, ông và CLB đã có những hoạt động nào để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh?

Từ khi thành lập tới nay, nhằm khai thác sức mạnh cộng đồng HNREA với số lượng thành viên tham gia đang ngày một gia tăng theo cấp số nhân, ngoài việc ra mắt Trung tâm Thông tin Bất động sản, Trung tâm Tư vấn Đầu tư, kinh doanh và Liên Minh Toàn Cầu; HNREA còn liên tục kết nối các doanh nghiệp, các sàn Bất động sản tiêu biểu để tạo thành các liên minh hùng mạnh trên thị trường và đang nhân rộng tại các tỉnh thành trên cả nước.

Cho tới thời điểm hiện tại HNREA đã tổ chức hơn 1.000 sự kiện, hoạt động lớn nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp “Kết nối vươn xa- Tinh hoa hội tụ và sẵn sàng cất cánh” cũng như cùng nhau phát triển.

Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường (ảnh tròn chính giữa) cùng Ban chấp hành Hành CLB Bất động sản Hà Nội.

Đặc biệt trong thời kỳ khó khăn của thị trường hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, HNREA đã không ngừng phát triển, nâng cấp chất lượng hoạt động góp phần vào sự phục hồi của thị trường…

Chúng tôi cũng là tổ chức BĐS duy nhất trên cả nước duy trì hoạt động đào tạo BĐS online hàng tuần vào các buổi tối Thứ Hai và Thứ Sáu. Thông qua các hình thức đào tạo và trao đổi trực tuyến này chúng tôi cung cấp kiến thức đa chiều từ các chuyên gia (thẩm định giá, pháp luật trong đầu tư kinh doanh BĐS, phong thủy, mối giới…) nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp để dễ dàng thích nghi và ứng phó với những chuyển biến khắc nghiệt của thị trường.

Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu và được đánh giá là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp “sống sót” qua đại dịch, vậy việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp BĐS tại HNREA đang diễn ra như thế nào?

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nghệ cũng là yếu tố gần như không thể thiếu để hội nhập và cạnh tranh. Đây là yếu tố có thể tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh…

Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong HNREA cũng đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa, chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

Tuy nhiên, do những đặc thù riêng mà Bất động sản là lĩnh vực hiện có những bước chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác. Hiện tại ở Hà Nội các doanh nghiệp BĐS mới đang dừng ở mức độ làm quen dần với cuộc cách mạng số hoá các hoạt động kinh doanh của mình… Đa số các doanh nghiệp hiện nay chỉ có một phần nhỏ doanh nghiệp đang áp dụng chuyển đổi số cho mình và chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được toàn diện.

Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường trong vai trò khách mời và diễn giả tại Hội thảo “Cơ hội cho ngành Bất động sản - Vật liệu xây dựng - Nội ngoại thất cùng Internet Expo".

Những vấn đề mà các doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội gặp phải trong việc chuyển đổi số này cụ thể là gì thưa ông?

Thời đại 4.0 nhưng công nghệ trong bất động sản cũng đang ở bước đầu, chỉ mới ở giai đoạn 2.0. Lý do là bởi, thứ nhất, về mặt hạ tầng cơ sở công nghệ được đầu tư công của nhà nước để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hầu như còn rất khiêm tốn ..

Thứ đến, nhiều doanh nghiệp cũng chưa có được sự chuẩn bị về đội ngũ nhân sự có trình độ về công nghệ thông tin. Đa số doanh nghiệp đều chưa tự trang bị hoặc sẵn sàng để trang bị hệ thống thiết bị công nghê cao để để ứng dụng, tiếp quản các phần mềm về CNTT vào doanh nghiệp, tổ chức của mình. Số còn lại thì phải mất một thời gian và thật sự rất kiên nhẫn thì các nhân viên mới có thể làm quen với hệ thống.

Ngoài ra hiện nay, các nhà cung cấp phần mềm hay đơn vi bán giải pháp chuyển đổi số chủ yếu là từ giới tư nhân. Vai trò của Nhà nước dẫn dắt hay định hướng chưa thật sự mạnh mẽ, đi kèm với đó là truyền thông hạn chế nên doanh nghiệp còn e dè nghe ngóng mà chưa thật sự mặn mà …

Từ vai trò thực tế của chuyển đổi số, ông có lời khuyên như thế nào  với các doanh nghiệp BĐS về việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay?

Cuộc cách mạng chuyển đổi số là là tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp nói chung nói chung và tất cả các doanh nghiệp BĐS nói riêng khi thế giới không còn khoảng cách địa lý.

Thế giới đã “thủ tiêu” giao dịch bằng giấy tờ hành chính lạc hậu từ lâu rồi (banking, ATM, Tiền kỹ thuật số, hệ thống mua bán tự động không dùng tiền mặt, không có ng đứng bán, tính bảo mật cao, giao dịch nhanh chóng thuận tiện, k bị mất cắp, thất lạc hay bị hỏa hoạn lũ lụt…).

Thực tế là chuyển đổi số trong ngành bất động sản đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng nhanh chóng hơn, chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều. Đơn cử, nếu như trước đây để tìm kiếm được khách hàng thì các salers phải gửi thư, gửi email, phát tờ rơi… nhưng ngày nay, với một chiếc điện thoại smartphone, mạng internet, mạng xã hội chúng ta có thể khiến cho việc tiếp cận của khách hàng trở nên vô cùng đơn giản, với chi phí rẻ… Chính vì thế nếu Saler và doanh nghiệp BĐS muốn tiếp tục phát triển xa hơn trong bối cảnh hiện nay thì chuyển đổi số trong ngành bất động sản chính là một giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Invest TV) 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN