Hành trình từ nhân viên bị sa thải đến tỷ phú giàu thứ 20 thế giới của ‘ông trùm’ truyền thông


Sau 15 năm làm việc tại Salomon Brothers, Michael Bloomberg bị sa thải ở tuổi 39 cùng khoản trợ cấp 10 triệu USD. Bloomberg sau đó thành lập một công ty và đưa nó thành đế chế truyền thông nổi tiếng thế giới. Cựu thị trưởng thành phố New York được biết đến với lối sống tiết kiệm nhưng lại rất hào ph&oac

Từ nhân viên bị sa thải đến ‘ông trùm’ truyền thông

Michael Bloomberg sinh ngày Valentine năm 1942 tại Medford, Massachusetts - một thị trấn nhỏ gần Boston. Cha của ông – một người Ba Lan nhập cư – làm công việc kế toán 7 ngày/tuần còn mẹ của ông là một thư ký. Năm 1964, Bloomberg tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins với bằng kỹ sư điện và nhận bằng MBA từ Harvard 2 năm sau đó.

Năm 1966, Bloomberg gia nhập ngân hàng đầu tư Salomon Brothers với lương khởi điểm 9.000 USD mỗi năm. Ông trở thành một nhà giao dịch trái phiếu và đối tác góp vốn ở ngân hàng này vào năm 1972. Một thời gian sau, Bloomberg đảm nhiệm vị trí người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu. Năm 1979, CEO Salomon Brothers - John Gutfreund đề nghị Bloomberg rời vị trí này để chuyển sang lãnh đạo mảng hệ thống máy tính mới thành lập. Đây thực chất là động thái giáng chức, nhưng nhờ đó Bloomberg có cơ hội học thêm nhiều điều về máy tính. 

Đến năm 1981, khi Salomon sáp nhập với Phibro Corporation, Bloomberg bất ngờ bị sa thải ở tuổi 39. Sau 15 năm làm việc 12 giờ một ngày và 6 ngày/tuần, ông rời công ty này với khoản trợ cấp thôi việc 10 triệu USD.

“Tôi không ngồi lại và xem điều gì đã xảy ra với công ty cũ”, Bloomberg chia sẻ về việc bị sa thải trong một hồi ký xuất bản năm 1997. “Chuyện gì đã qua hãy để nó qua, cuộc sống vẫn tiếp tục”.

Bloomberg từng bị sa thải.

Sau khi rời Salomon Brothers, Bloomberg quyết định thành lập một công ty công nghệ. Ông muốn cải thiện hiệu suất và sự minh bạch trên thị trường tài chính cho cả người mua lẫn người bán. Bloomberg dùng 4 triệu USD để cùng một số người khác phát triển một hệ thống máy tính có thể cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu. Công ty của ông ban đầu có tên Innovative Market Solutions.

Năm 1982, Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của Bloomberg khi đặt hàng 22 thiết bị MarketMaster. Họ còn chi 30 triệu USD để mua 30% cổ phần trong Innovative Market Solutions.

Công ty của Bloomberg thành công rực rỡ vào thập niên 80, được định giá 2 tỷ USD chỉ sau 8 năm thành lập. Đến năm 1986, ông đổi tên công ty sang tên mình. Năm 1989, ông mua lại một phần ba cổ phần của Merrill Lynch với giá 200 triệu USD. Bloomberg cũng phát triển thêm nhiều dịch vụ như Bloomberg Business News, Bloomberg Radio, Bloomberg TV và Bloomberg Markets Magazine.

Bloomberg Terminal - dịch vụ theo dõi thông tin tài chính phổ biến tại Phố Wall cũng trở thành công cụ cần thiết với các nhân viên giao dịch. Năm 1998, thiết bị thứ 100.000 đã được cài đặt. Mức phí từ Bloomberg Terminal đem lại khoản lợi nhuận lớn cho tập đoàn này. Theo Forbes, Michael Bloomberg hiện sở hữu 88% cổ phần của đế chế truyền thông và tài chính Bloomberg với khối tài sản 59 tỷ USD và là người giàu thứ 20 trên thế giới.

Bước chân vào chính trường

Năm 2001, Bloomberg bước vào thế giới chính trị, ứng cử thị trưởng thành phố New York. Ông được bầu chỉ vài tuần sau vụ tấn công ngày 11/9. Khi còn đương chức, Bloomberg – lúc đó đã là một tỷ phú - chấp nhận mức lương 1 USD trong suốt 12 năm làm việc tại văn phòng thị trưởng. Ông từ chối mức lương có thể lên tới 2,7 triệu USD trong suốt nhiệm kỳ của mình, theo tờ New York Times. Ông cũng không dùng ngôi biệt thự được cấp mà ở nhà riêng ở Manhattan và thường xuyên dùng tàu điện ngầm để đi làm.

Khi muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là thị trưởng, Bloomberg đã vận động thay đổi luật giới hạn 2 nhiệm kỳ - và ông đã giành chiến thắng. Sau khi kết thúc 12 năm làm thị trưởng, Bloomberg dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động từ thiện. Năm 2015, ông quay lại nắm vị trí CEO Bloomberg LP.

Michael Bloomberg là cựu Thị trưởng New York

Tháng 11/2019, “ông trùm” truyền thông này tuyên bố tham gia cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ 2020, với tư cách là ứng viên đảng Dân chủ. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho biết Bloomberg dự định bán lại công ty nếu đắc cử tổng thống.

Tuy nhiên, theo Reuters, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg dù chi hơn nửa tỷ USD cho chiến dịch tranh cử, song không giành chiến thắng ở bất cứ bang nào, ngoại trừ vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ. Đến ngày 4/3, truyền thông Mỹ đưa tin Bloomberg rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

10 năm đi 2 đôi giày và chi hàng tỷ USD làm từ thiện

Nhiều năm trước, Stu Loeser, người phát ngôn của Michael Bloomberg từng tiết lộ rằng trong hơn 10 năm, vị tỷ phú chỉ sử dụng 2 đôi giày công sở màu đen ngay cả khi chúng rất mòn và không nhìn rõ nhãn hiệu. Một đôi giày ông đã dùng trước khi nhậm chức thị trưởng.

"Hôm nay ông đi đôi này, mai ông sẽ đi đôi khác. Khi giày bị cũ, ông mang đi đánh bóng lại, hoặc thay đế mới. Ông nói chỉ cần đi thoải mái và tiện dụng là được, không có nhu cầu mua giày mới", người đại diện nói. Khi mua cà phê ông luôn chọn size nhỏ nhất đủ dùng và chỉ mua khi khát. Quần áo cũng vậy, ông cũng sẽ chỉ sắm khi thật sự có nhu cầu. "Tôi muốn dành dụm tiền cho những thứ khác xứng đáng hơn thay vì tiêu xài hoang phí cho những thứ chưa cần thiết", Bloomberg tiết lộ.

Michael Bloomberg là một trong những người làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ.

Dù keo kiệt với bản thân nhưng Bloomberg lại rất hào phóng trong việc từ thiện. Theo danh sách những tỷ phú làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ do Forbes công bố đầu năm nay, Michael Bloomberg đứng thứ 4 – chỉ sau Warren Buffett, Bill & Melinda Gates và George Soros. Cựu thị trưởng New York đã rót hơn 11 tỷ USD vào các hoạt động từ thiện, tập trung vào biến đổi khí hậu, kiểm soát súng và sức khỏe cộng đồng. Ông cũng tham gia Pledge Giving – cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình.

Noi gương cha, 2 con gái của Bloomberg cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện. "Cha tôi đã cho đi rất nhiều tiền để làm từ thiện, đó là điều khiến tôi vô cùng kính trọng. Cha mẹ luôn dạy chúng tôi rằng đừng lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền. Và nếu có cần đến nó, hãy làm những thứ thực sự có ích", Georgina – con gái của Bloomberg – từng chia sẻ.

(Theo ndn.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN