Chân dung tân Tổng giám đốc Pharmacity Trần Tuệ Tri, từng làm sếp lớn P&G, Masan, Samsung
Bà Trần Tuệ Tri có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao, thành viên HĐQT tại Unilever, Samsung, P&G…
Mới đây, Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity đã bổ nhiệm bà Trần Tuệ Tri làm tổng giám đốc thay cho ông Chris Blank rời khỏi vị trí điều hành vì lý do sức khỏe.
Trước đó, từ ngày 1/9/2022, nhà sáng lập Chris Blank đã chính thức rời khỏi vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Pharmacity. Trong giai đoạn chưa có người thay thế, ông Nguyễn Như Nam, giám đốc quản lý đầu tư của SK Group tại Việt Nam trở thành người đại diện pháp luật của Pharmacity. Được biết, SK Group là một trong những doanh nghiệp hậu thuẫn cho chuỗi bán lẻ dược phẩm này.
Tân tổng giám đốc Pharmacity Trần Tuệ Tri tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế TP. HCM và thạc sĩ quản trị kinh doanh, chuyên ngành Marketing tại Đại học Chicago – trường kinh doanh Booth.
Bà Tuệ Tri đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng. Trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2009, bà Tuệ Tri làm việc tại P&G chi nhánh Việt Nam, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Từ tháng 3/2009 đến tháng 9/2009, bà Tuệ Tri đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành Masan Consumer. Tiếp đó, bà làm giám đốc Công ty Tri Long 1 năm trước khi đảm nhiệm chức danh giám đốc marketing Samsung Việt Nam.
Từ năm 2012, bà Tuệ Tri làm phó tổng giám đốc ngành hàng chăm sóc cá nhân Unilerver Việt Nam. Đến tháng 9/2014, bà làm cố vấn cao cấp của Mekong Capital.
Đáng chú ý, năm 2015, bà Tuệ Tri từng được Mekong Capital giới thiệu trở thành thành viên HĐQT độc lập của Công ty Cổ phần Traphaco, một doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Mekong Capital khi đó. Năm 2019, Quỹ Mekong Enterprise Fund III thuộc Mekong Capital chính là đơn vị đã rót vốn cho Pharmacity.
Được thành lập từ năm 2011, Pharmacity hiện đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm có mạng lưới cửa hàng lớn nhất Việt Nam với gần 1.100 nhà thuốc (tính đến giữa tháng 8/2022). Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 mở được 5.000 cửa hàng, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể cả khi dẫn đầu về quy mô nhà thuốc trên toàn quốc, Pharmacity vẫn phải đối diện với khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 đã vượt mức 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Pharmacity đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đến từ các chuỗi bán lẻ dược phẩm khác như: chuỗi Long Châu của FPT Retail với hơn 700 nhà thuốc hay chuỗi An Khang của Thế Giới Di Động với hơn 500 nhà thuốc...
HOÀI ANH
Theo Vietnamfinance.vn
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN