Doanh nhân Hamdi Ulukaya – Ông hoàng của “đế chế” Yogurt


Doanh nhân Hamdi Ulukaya được biết đến là người sáng lập thương hiệu sữa chua Hy Lạp được yêu thích nhất tại Mỹ - Chobani.


Hamdi sinh trưởng trong một gia đình chăn nuôi bò sữa và chăn cừu người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi gia đình ông sinh sống được bao quanh bởi những ngọn núi, có tuyết nhưng lại tuyệt đẹp vào mùa xuân. Ông lớn lên cùng với những người chăn cừu và tuổi thơ của ông tràn ngập những chuyến hành trình lên núi để đến với những đàn bò, dê, sử dụng sữa của chúng để làm yogurt, phô mai và sẽ quay trở về làng vào mùa đông.

 

Ông lớn lên mà không lo lắng về những nhu cầu cơ bản, đặc biệt là về các chi phí. Tiền tại nơi đây không có ý nghĩa gì nhiều vì ở trên núi không có quá nhiều thứ cần đề chi tiêu. Nếu đàn cừu của bạn bị sói ăn mất thì những người hàng xóm tốt bụng sẽ tặng lại gia đình bạn 1 con cừu và qua hôm sau bạn lại có 1 đàn cừu.

Không kế nghiệp gia đình, ông quyết định đến trường nội trú học để trở thành giáo viên nhưng ông không thể thực hiện được điều ấy, Hamdi gặp rắc rối với Chính phủ khi tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì thế ông đã có suy nghĩ: “Mình phải rời khỏi nơi đây, có thể sẽ đến một nơi nào đó ở Châu Âu”, nhưng lại có một người đề xuất với ông rằng hãy đến Mỹ. Năm 1994, ông đến Mỹ để học kinh doanh và tiếng Anh, sau đó ông tiếp tục sống tại Upstate, New York.

Nhưng rồi cha của ông nói với ông rằng: “Con có thể làm phô mai tại nhà, chẳng phải chúng ta có phô mai Feta với chất lượng tuyệt hảo hay sao”. Nhưng Hamdi lại không đồng ý với điều ấy, ông nghĩ rằng mình không đến học ở một nơi cách xa tận 2000 dặm chỉ để làm những điều mà ông có thể học tại nhà.

Và như một định mệnh, vào năm 2005, ông đã vô tình thấy mẫu quảng cáo rao vặt cho một nhà máy sữa chua bị bỏ hoang với giá bán là 70,000$, đây là một trong những nhà máy đóng cửa cuối cùng. Sau khoảng 30 phút đắn đo suy nghĩ, Hamdi đã quyết định gọi cho luật sư.

Nhưng luật sư lại phản bác lại mong muốn của Hamdi: “Tôi nghĩ chúng ta đang tìm kiếm một điều gì đó vô vọng tại đây. Họ thật sự có quá nhiều vấn đề. Nếu họ xem mảnh đất này là một cái gì đó có giá trị, thì họ đã không phải đóng cửa nhà máy và nếu họ nghĩ Yogurt là một ngành kinh doanh tốt, họ đã không phá sản”.

Nhưng Hamdi lại không thể ngừng nghĩ về nhà máy, ông quyết định gọi luật sư trở lại và nói rằng: “Tôi không chắc điều gì cho việc này, nhưng tôi cảm thấy tôi có thể làm được một điều gì đó hay ho với nơi này”. Và điều gì đến cũng phải đến, ngày 17 tháng 8 năm 2005, ông đã có được chìa khóa của nhà máy. Đó là sự khởi đầu của thương hiệu Yogurt nổi tiếng toàn nước Mỹ “Chobani”, nghĩa là “Shepherd - Người chăn cừu” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ như một cách khẳng định phương pháp hoạt động của công ty dựa trên tinh thần làm việc chăm chỉ và nhân đạo như những người nông dân miền núi.

Trong hai năm đầu tiên, Hamdi đã cống hiến hết mình cho hoạt động kinh doanh, xây dựng đội ngũ của mình một cách cẩn thận để đảm bảo chất lượng ngay từ ban đầu. Vào năm 2007, giấc mơ làm ra được những hũ sữa chua thơm ngon, bổ dưỡng của ông đã thành hiện thực khi những hũ sữa chua Hy Lạp Chobani đã được xuất hiện trên kệ tại các cửa hàng trên nước Mỹ.

Đến năm 2010, Chobani trở thành thương hiệu sữa chua Hy Lạp được yêu thích nhất nước Mỹ. Hiện công ty đã có thêm những bước đột phá mới với việc thành lập nhà máy sữa chua hiện đại tại Twin Falls, Idahi và có một quỹ từ thiện riêng của công ty. Vào năm 2016, Chobani đã nhận được giải thưởng “Sáng tạo đột phá” của Nielsen. Năm 2017, Chobani đã mở quán cà phê thứ ba và cũng là quán đầu tiên tại New York, khu vực Houston.

Vào năm 2005, sữa chua Hy Lạp chỉ chiếm chưa đến 1% của thị trường nhưng với hoạt động mạnh mẽ của Chobani thì từ năm 2007 – 2012, thương hiệu này đã tiếp cận được với hàng ngàn người, giúp tăng thị trường của sữa chua Hy Lạp lên hơn 50% vào thời điểm hiện tại.

Trở thành một công ty đáng mơ ước

Trong 2 năm đầu làm sữa chua, Hamdi không phải là một người tự tin khi nói chuyện với nhân viên khoảng 40 nhân viên. Chính vì thế, vào năm thứ 3, 2010, ông quyết định tuyển một CEO bởi vì ông nghĩ rằng ông không giỏi với chức vụ này. Hamdi đã tìm thấy một người có kinh nghiệm điều hành một số công ty lớn và anh ấy thực sự muốn hợp tác trong công việc này. Nhưng khi họ gặp nhau trong một quán ăn, cách người này tương tác với cô gái phục vụ thật sự thô lỗ, đó là điều Hamdi ghét nhất: những người luôn nghĩ rằng họ cao cấp hơn người khác. Trong khoảnh khắc ấy, Hamdi nhận ra rằng ông không cần tìm kiếm một CEO.

Xuất thân là tầng lớp lao động, từng có thời gian làm việc trong nhà máy nên Hamdi hiểu được những khó khăn của những người dân lao động. Chính vì thế, khi đã có một cơ ngơi cho riêng mình thì ước mơ của ông đó chính là biến nơi đây trở thành nơi mà mọi người được hưởng những gì xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Thế là ông làm một phép tính, nếu 1 giờ họ kiếm được 7$, 8$ hoặc 9$ thì họ không thể mua nổi một căn nhà, không thể mua thức ăn tốt cho con cái của họ, không có được những chuyến nghỉ mát,…

Ông nhận thấy rằng không có cách nào khác để có được giải pháp lâu dài cho họ hơn là việc các doanh nghiệp đẩy mạnh lợi ích cho nhân viên và cộng đồng của họ. Những người chủ doanh nghiệp nên bắt đầu lo lắng cho nhân viên, gia đình và con cái của họ, tạo điều kiện để những đứa trẻ có được một môi trường sống lành mạnh và đầy đủ vật chất.

Khi bắt đầu việc kinh doanh, Hamdi thường ưu tiên thuê những người gần khu vực mà công ty đặt trụ sở (Chenango và Otsego). Nhưng khi công ty phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng cao, Hamdi bắt đầu mở rộng ra khu vực Utica để tuyển dụng. Vào một buổi sáng năm 2014, ông nhìn thấy một bức ảnh trên trang nhất của tờ New York Times, đó là hình ảnh về dòng người cộng đồng Yazidi đi về phía dãy núi Sinjar ở Iraq, trong đó có một phụ nữ mang theo 2 người con của mình, một đứa cô cõng trên lưng còn một đứa đi bên cạnh, đôi mắt của cô ấy trống rỗng một nỗi tuyệt vọng, điều này đã ám ảnh ông.

Các sản phẩm của Chobani

Hamdi sống ở Utica và ông nghe nói rằng có những người nhập cư tại đây đến từ nhiều nơi trên thế giới và một trong những vấn đề lớn nhất mà họ đang gặp phải đó là tìm việc làm. Một số đến từ Châu Phi, một số đến từ Châu Á, một số từ Đông Âu. Họ muốn làm việc, và họ có quyền làm việc. Có những trở ngại: ngôn ngữ, đào tạo,.... Vì vậy ông đã quyết định tuyển dụng họ và họ là những người chăm chỉ và trung thành.

Photograph by St. Louis Photographer Jonathan Gayman.

Hiện nay, tại Chobani có những nhân viên đến từ hơn 19 quốc gia khác nhau – khoảng 500 đến 600 người, chiếm 20% tổng số nhân viên. Có rất nhiều ngôn ngữ được sử dụng tại nhà máy của Chobani, nơi đây giống như Liên Hợp Quốc.

Không dừng lại ở đó, Hamdi quyết định thành lập một công ty với tên gọi là Tent Foundation, liên kết với khoảng 80 công ty như Mastercard, Airbnb, Johnson & Johnson,…. Để cùng nhau chung tay giải quyết vấn đề người tị nạn.

Với những nỗ lực để mang lại một môi trường làm việc đúng nghĩa, từ lúc thành lập đến nay, Hamdi Ulukaya đã xây dựng Chobani trở thành nơi tuyệt vời để làm việc. Vào năm 2017, Chobani đã thực hiện chính sách nghỉ phép có lương trong thời gian thai sản, cha mẹ sẽ được nghỉ phép trong 6 tuần nhưng vẫn được hưởng 100% lương.

Mục tiệu của Hamdi khi xây dựng nên Chobani không đơn thuần là chỉ tạo nên sản phẩm mà còn là xây dựng văn hóa. “Nếu bạn muốn xây dựng một công ty luôn chào đón tất cả mọi người – kể cả người tị nạn, thì đừng suy nghĩ đến khái niệm “lao động giá rẻ”, đó là một định nghĩa vô cùng khủng khiếp. Họ không phải là một nhóm người “khác”, họ không phải là người Châu Phi, Châu Á hay Nepal, họ chỉ là một nhân tố trong đội ngũ của bạn. Hãy để mọi người là chính mình, nếu bạn xây dựng được một văn hóa làm việc chào đón tất cả mọi người dù họ xuất thân từ đâu, đó chính là cách để văn hóa này thực sự được phát huy đúng với ý nghĩa của nó”, Hamdi chia sẻ.

Theo Ấn phẩm Phong Cách Doanh Nhân

 

 

 

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN