Rèn luyện bản thân theo cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ giúp bạn một năm mới giàu có, thành công
Năm mới, đã đến lúc bạn nên bắt tay rèn luyện những thói quen hàng ngày mà các tỷ phú, doanh nhân lớn của Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo áp dụng.
Những gì bạn làm vào ngày hôm nay rất quan trọng. Trên thực tế, những thói quen hàng ngày của bạn có thể là yếu tố chính quyết định đến sự giàu có của bạn.
"Phép ẩn dụ mà tôi thích là tuyết lở", Thomas Corley, tác giả cuốn sách "Những thói quen giàu có: Thói quen thành công hàng ngày của những người giàu" cho biết. "Những thói quen này giống như những bông tuyết. Nếu bạn duy trì chúng hàng ngày, chúng sẽ tích tụ lại, và một ngày nào đó thành công sẽ đến với bạn như một trận tuyết lở".
Năm mới, đã đến lúc bạn nên bắt tay rèn luyện những thói quen hàng ngày mà các tỷ phú, doanh nhân lớn của Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo áp dụng.
Đọc sách
Trong lần trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ cách đây vài năm, khi được hỏi về thói quen đọc sách, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết ông thích đọc sách và đọc rất nhiều. Chủ tịch Vingroup cũng bật mí rằng cách đọc của ông khác người khác là thường xem mục lục, xem mục nào hay thì đọc, cái nào mà không hiểu hoặc thấy quan trọng thì có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.
“Ngày còn nhỏ tôi thích sử, đọc sách sử. Bố tôi rất tự hào về con trai vì Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê mình thuộc làu làu. Nhưng khi lớn lên thì chuyển dần. Hồi đại học thích đọc tiểu thuyết, còn bây giờ là sách quản trị và sách công nghệ. Sách công nghệ thì không phải là chi tiết về công nghệ, mà là xu hướng, những tổng kết về công nghệ”, chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Một điều khá thú vị là ông Vượng cũng không ép mình phải đọc sách hàng ngày mà thường “tùy duyên”. Ông cho biết hôm nào không quá mệt thì đọc, còn nếu không thì ngồi xem tivi cùng với con gái một lúc, rồi đi ngủ.
Tương tự chủ tịch Phạm Nhật Vượng, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết mình cũng thường có thói quen đọc sách trước khi đi đi ngủ. Sách là đam mê từ bé của nhà sáng lập hãng hàng không ViejetAir.
Đọc được sách đã là thói quen tốt nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn có tư duy phản biện khi đọc sách. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên VnExpress, ông Vượng cho biết mình đọc sách, thích sách nhưng nhiều khi không làm theo sách. Ví dụ với cuốn sách ông cực yêu thích là “Từ tốt đến vĩ đại”, ông cho rằng khái niệm "con nhím" cũng chưa thật sự hoàn hảo. Bởi vì nếu đạt được cả 3 vòng tròn của khái niệm này: làm việc bạn đam mê nhất, làm việc bạn có thể làm giỏi nhất thế giới và làm việc có hiệu quả kinh tế rõ nét thì không còn gì phải bàn nữa.
Kiên trì quyết tâm
“Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng. Thời đó, 8h sáng đi học, chiều về, tôi bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhớ lại quãng thời gian lần đầu mình khởi nghiệp.
Nhờ may mắn và nỗ lực hết mình, ở tuổi 21 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã có 1 triệu USD trong tay. Đây là số tiền rất lớn khi thời điểm này 1 chỉ vàng có 200.000 đồng.
Kiên trì, quyết tâm cũng là điều được tỷ phú Trương Gia Bình nhấn mạnh. Ông từng chia sẻ nhờ việc quyết định để FPT tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và kiên trì theo đuổi nó dù liên tục 10 năm không có lãi mà tập đoàn này thành công được như ngày hôm nay. Cho đến bây giờ, xuất khẩu phần mềm nhiều năm đạt mức độ tăng trưởng cao, chiếm gần một nửa doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn FPT.
Tự học
Nếu chọn một kỹ năng quan trọng nhất trong thời đại phát triển công nghệ, theo doanh nhân Hoàng Nam Tiến thì đó là kỹ năng tự học và học liên tục.
Ông Tiến lấy dẫn chứng ngày xưa một bác sĩ học 6 năm thì sau khi ra trường, những kiến thức ấy đủ cho họ dùng trong 10 năm. Bây giờ thì không có cách nào để một bác sĩ đó có kiến thức để làm việc 10 -15 năm tiếp theo. Vì các kiến thức y khoa, các phác đồ điều trị mới, các loại thuốc mới thay đổi theo từng ngày.
“Thế hệ One-time learning đã qua rồi. Giờ là thời đại của Lifelong learning. Peter Schwartz – người từng là cố vấn cho hai đời Thủ tướng Singapore đã nói rằng, với ông ta, kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại trong thời đại bây giờ là khả năng tự học. Dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn tham gia các khóa học online và tự mình cập nhật các kiến thức theo nhiều cách khác nhau để tránh bị tụt hậu.
Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới", chủ tịch FPT Software nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng cảnh báo thêm với người trẻ việc tự học không chỉ đơn thuần là lâu lâu đọc một cuốn sách hay dự một hội thảo nào đó, tiếp xúc với một guru mà bạn phải bỏ thời gian đi học, để đảm bảo được 3 việc: Cung cấp cho bạn cơ sở lý luận: Why? What to do? How to do?
“Một năm tôi có khoảng 1000 giờ bay, 2000 giờ đi làm việc với đối tác. Chưa kể việc ăn cơm, tiếp khách. Nhưng mỗi ngày, tôi dành 1-2 tiếng tự học. Tôi tham gia các khóa học online có yêu cầu kiểm tra khắt khe về đầu ra. Mỗi ngày, nếu tôi không vượt qua được phần bài tập của khóa học thì tôi không thể tiến lên được level tiếp theo, không thể kết thúc khóa học của mình và bị phạt tiền về việc đó”, ông chia sẻ kinh nghiệm tự học của mình dù đã hơn 50 tuổi.
Suy nghĩ tích cực
Nổi tiếng từ chương trình Shark Tank, Shark Thái Vân Linh gây ấn tượng bởi nụ cười luôn thường trực trên môi và tinh thần lạc quan tích cực.
“Linh nghĩ rằng: khóa học bổ sung mà tất cả chúng ta, cả nam và nữ đều cần là cách trở thành CEO trong tâm trí của mình.
Linh đã đọc rằng: chúng ta có 50.000 suy nghĩ trong một ngày. Và trong số 50.000 đó, 70% là tiêu cực. Bạn có thể tưởng tượng mình đang nghĩ 35.000 suy nghĩ tiêu cực trong một ngày không? Mọi người thường hỏi Linh, làm thế nào để có thêm năng lượng, làm thế nào để duy trì động lực? Bước đầu tiên là ngừng chú ý đến 35.000 suy nghĩ tiêu cực”, shark LInh chia sẻ với Trí thức trẻ cách đây không lâu.
Shark Linh thích nghĩ rằng mình chính là Giám đốc điều hành của bộ não của bản thân. Điều này có nghĩa là mình có quyền quyết định đầu tư vào những dự án nào và những dự án nào nên bỏ qua.
“Vì vậy, bạn nên tập trung vào những ý tưởng tích cực. Mọi hành động của chúng ta đều bắt đầu từ một suy nghĩ. Vì vậy, tất cả chúng ta cần thực hành bỏ những điều tiêu cực và lặp lại những điều tích cực. Thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng tích cực”, shark Linh bật mí.
Một mẹo được nữ nhà đầu tư này thường làm là đưa ra quyết định 3 điều mình muốn làm hôm nay. Và 3 điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, dựa trên những gì bạn có trong lịch trình cho ngày hôm đó. Ví dụ 3 suy nghĩ của Linh lựa chọn là: Gia đình tôi khỏe mạnh, tôi thích chia sẻ ý tưởng của mình, tôi thích thời gian với bạn bè. Điều quan trọng là phải chuẩn bị những suy nghĩ này vào đêm hôm trước để sẵn sàng chúng cho ngày hôm sau.
Shark Linh phân tích tâm lý phổ biến của bản thân và nhiều người sau khi thức dậy - thậm chí trước khi mở mắt, bộ não thường tự hỏi rằng mình đang ở đâu? Và sau đó nó nghĩ về và nhớ tất cả các vấn đề của ngày hôm qua. Và tiếp theo bộ não sẽ kéo tất cả các vấn đề từ hôm qua sang ngày hôm nay thậm chí cả các vấn đề câu hỏi từ tuần trước, tháng trước, hoặc từ nhiều năm trước vào ngày hôm nay. Và khi như vậy chúng ta đang giữ mọi vấn đề và lo lắng bên mình.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn vòng lặp này? Bạn phải có những suy nghĩ tích cực để thay thế những suy nghĩ tiêu cực.
“Vì vậy, đó là lý do tại sao Linh chuẩn bị 3 suy nghĩ tích cực vào đêm hôm trước. Cho nên, khi thức dậy và bắt đầu nghĩ xem mình đang ở đâu, Linh nhớ đến 3 suy nghĩ tích cực đó.Và đó là 3 suy nghĩ đầu tiên Linh nghĩ đến trong ngày. Và điều này đặt nền tảng vững chắc cho ngày hôm nay.
Trong suốt cả ngày, khi Linh nghĩ về những điều tiêu cực, Linh chỉ lặp đi lặp lại 3 suy nghĩ tích cực đó. Và vào cuối ngày, Linh nghĩ về ngày mai và 3 điều tích cực mà Linh muốn cho ngày mai. Và vòng lặp tích cực lại bắt đầu”, shark Linh chia sẻ bí kíp giữ tinh thần tích cực lạc quan của mình.
(Theo Cafebiz)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN