Thế giới có 9 kiểu lãnh đạo điển hình, bạn là ai trong số họ?


Bối cảnh đại dịch và những khó khăn do tình trạng suy thoái là phép thử đối với bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mặc dù có những điểm tương đồng lớn trong phẩm chất của họ, ví dụ như sự tự tin, năng lực, và nghị lực, họ lại đạt đến đỉnh cao bằng nhiều con đường v&a

Isabelle Kocher, cựu Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Pháp Engie.

Trong cuốn sách mới nhất của mình, tác giả James Ashton đã phỏng vấn hàng trăm CEO của các tập đoàn lớn trên toàn cầu và chia họ thành chín nhóm khác nhau, dựa trên kinh nghiệm ban đầu, quá trình đào tạo, và tổ chức mà họ quản trị.

Lãnh đạo Alpha

Nhà lãnh đạo mang phong cách thống trị và sức mạnh này có lẽ là hình mẫu mà nhiều người nghĩ sẽ thuộc về các công ty lớn. Họ hầu hết là nam giới, Jack Welch của tập đoàn General Electric (GE), nhà sáng lập Lord Weinstock của công ty GEC tại Anh là những ví dụ rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ashton, một số người như Dame Marjorie Scardino của Pearson, tập đoàn ngày càng tập trung nhiều vào xuất bản giáo dục, cũng phù hợp với định nghĩa này. Đáng chú ý là nhiều tổ chức do các lãnh đạo Alpha đứng đầu lại không hoạt động tốt sau khi họ rời đi, trong khi sự phá sản của tập đoàn bán lẻ Arcadia (chủ sở hữu của nhiều thương hiệu thời trang, bao gồm cả Topshop) do Sir Philip Green đứng đầu cho thấy rằng thời gian tồn tại của các lãnh đạo kiểu này không còn dài .

Người sửa chữa

Đây là những lãnh đạo thích thử thách. Theo định nghĩa, những người thuộc nhóm lãnh đạo này đặc biệt tự tin và không sợ phải xù lông lên để chiến đấu nếu cần thiết. Những cái tên được Ashton liệt kê bao gồm Moya Greene tại tập đoàn thư tín Royal Mail và John McFarlane tại tập đoàn tài chính Barclays và Westpac. Họ đến để giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn hoặc ít nhất là trở nên có khả năng cạnh tranh hơn. Nhưng sự bình ổn thường không kéo dài sau khi họ ra đi, và lại dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác.

Người bán hàng

Nhóm lãnh đạo này thống trị danh sách của Ashton, chủ yếu là những người làm tại tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble với các đặc điểm là tập trung vào khách hàng, thuyết phục và chỉn chu. Ví dụ đáng chú ý là Tim Davie, tổng giám đốc mới được bổ nhiệm gần đây của BBC; Dave Lewis, người đã rời Unilever để đầu quân cho Tesco; và Philip Jansen, người đã kế nhiệm Gavin Patterson - một lãnh đạo tại P&G - để trở thành CEO của công ty viễn thông BT của Anh.

Người sáng lập

Đây là những doanh nhân cổ điển, những người tự lập kinh doanh, thường phát triển theo những cách tương tự như các lãnh đạo Alpha. Nhiều người trong số này giàu có và thích thể hiện bản thân. Người sáng lập của tập đoàn Virgin, Sir Richard Branson, là một ví dụ kinh điển. Những người khác, chẳng hạn như Ren Zhengfei của tập đoàn điện tử Trung Quốc Huawei, ít thể hiện bản thân trước công chúng, nhưng cũng được xếp trong nhóm này.

Người thừa kế

Đây là một nhóm khá đặc biệt. Một số người chẳng hạn như Jean-Francois Decaux, con trai của người sáng lập công ty quảng cáo ngoài trời JCDecaux, xây dựng sự nghiệp dựa trên hào quang ban đầu của gia đình. Trong khi đó thì những người khác, chẳng hạn như những người thừa kế tập đoàn sản xuất rượu Seagram, thì lại hứng chịu thất bại khi cố gắng chuyển sang các lĩnh vực khác.

Người đam mê

Đây là những người có niềm đam mê với vai trò của họ và tổ chức mà họ đứng đầu, đồng thời có các kỹ năng đảm bảo mang lại thành công. Gareth Davis, khi là Giám đốc điều hành của Imperial Tobacco, luôn được nhìn thấy với một điếu thuốc ngay cả khi việc hút thuốc tại nơi làm việc là điều lạ lùng. Ông làm vậy không phải vì tác dụng của thuốc lá mà vì ông thực sự thích nó. Ông từng nói với một người phỏng vấn sau khi nghỉ hưu: “Trở thành CEO là công việc tốt nhất trên thế giới và đừng để bất kỳ ai nói với bạn bất kỳ điều gì khác”. Trong khi đó, James Daunt, CEO hiện tại của hệ thống nhà sách lớn nhất thế giới Barnes & Noble, lại gắn bó đời mình với những cuốn sách và các cửa hàng sách. Ông là người sáng lập chuỗi hiệu sách Daunt Book và là giám đốc điều hành của nhà bán lẻ sách lớn nhất tại Anh Waterstones.

Người thúc đẩy

Những năm gần đây đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy của nhiều doanh nghiệp hoạt động vì mối quan tâm chung của toàn xã hội - công ty quần áo và thiết bị ngoài trời Patagonia và công ty mỹ phẩm Body Shop là những ví dụ rõ ràng. Nhưng Paul Polman, cựu Giám đốc điều hành của công ty hàng tiêu dùng Unilever, có lẽ là người nổi bật nhất trong việc chuyển đổi một công ty thông thường hơn thành một tập đoàn với động lực thay đổi mạnh mẽ vì xã hội.

Nhà ngoại giao

Trong các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và các tổ chức có tỷ lệ “công nhân tri thức” cao, người ta thường cho rằng mô hình lãnh đạo kiểu Alpha truyền thống không hiệu quả. Thay vào đó, những người được chọn để lãnh đạo cần phải có khả năng thuyết phục, nhưng họ cũng cần phải đủ cứng rắn để đưa ra những quyết định khó khăn. Với việc ngày càng có nhiều tổ chức dựa vào lao động tri thức, các kỹ năng được thể hiện bởi những người thuộc nhóm lãnh đạo này có thể sẽ được yêu cầu nhiều hơn.

Lãnh đạo nhân văn

Nhóm này bao gồm Isabelle Kocher, cựu Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Pháp Engie. Nhóm lãnh đạo này mang phong cách quản trị khác xa so với sự thống trị và lấn lướt của nhóm Alpha. Thay vào đó, họ “toàn diện hơn, đa dạng hơn, kỹ thuật số hơn, và dựa vào kinh nghiệm hơn”. Họ muốn hành động nhanh chóng, rất quan tâm, gần gũi với nhân viên và thường đặt các mục tiêu lên trước lợi nhuận.

(Theo cafeland.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN