Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – “Người vác tù và” của Làng Doanh nhân Việt
Được ví như vị thủ lĩnh tinh thần của doanh nhân Việt, là một chính khách - Đại biểu quốc hội các khoá 11,12,13,14..., tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bằng trọn vẹn tâm lực của mình với những góc nhìn mang tầm vĩ mô, tổng thể và cách tiếp cận thực tiễn, sáng tạo, ông đã góp phần to lớn thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, hội nhập và cải thiện môi trường kinh doanh, mở mang sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt.
Với nỗ lực của VCCI và sự chèo lái của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, vị thế và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là khu vực tư nhân chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ, diện mạo của đội ngũ doanh nhân thay đổi hàng ngày và các chương trình hành động phát triển doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai sâu rộng.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã tích cực thúc đẩy ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn ở tầm quốc gia, góp phần đưa nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, ông đã có nhiều sáng kiến táo bạo và thiết thực được ghi nhận ở tầm “quốc kế dân sinh”. Ông là người đề xuất với Quốc hội hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp. Ông đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam. Ông là người tiên phong trong nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân. Ông đã kiến nghị với Đảng và được phân công làm Trưởng Ban biên tập Đề án “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa”, làm cơ sở để Đảng ta ban hành Nghị quyết đầu tiên trong lịch sử về giai tầng xã hội quan trọng này.Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc là chủ nhiệm đề tài quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông cũng là người đầu tiên đề xuất với Đảng khẳng định vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Ông lập Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Doanh nghiệp để tri ân những tổ chức và cá nhân đóng góp vào sự nghiệp này và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc sinh thời) là người đầu tiên được ông thay mặt cộng đồng doanh nghiệp cả nước tri ân. Ông đưa ra thông điệp "Doanh nhân - người lính thời bình" và lập Cúp Thánh Gióng để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, khơi dậy và thôi thúc tinh thần chiến binh trên mặt trận kinh tế của đội ngũ doanh nhân, nhằm xoá đói giảm nghèo mang lại sự mạnh giàu cho đất nước. Trong một phát biểu mới đây, ông đã chia sẻ: “Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài đất nước”.
Sinh ra và lớn lên tại miền quê lúa Thái Bình. Chính vùng đất đầy khí thiêng sông biển với tiền nhân là những bậc anh hùng hào kiệt, lại là con trai trưởng của một gia đình thương binh chống Pháp, đã hun đúc trong tâm trí cậu bé Vũ Tiến Lộc một tinh thần quả cảm, hiếu học và giàu chí tiến thủ. Thuở nhỏ, Vũ Tiến Lộc nổi tiếng học giỏi, luôn đứng đầu trường, đầu khoá. Trường phổ thông cấp II xã Thuỵ Phong, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, nơi ông theo học thời đó, còn phát động cả phong trào “Học tập và rèn luyện như Vũ Tiến Lộc” và khẩu hiệu này được treo trang trọng ở tất cả các lớp học của trường...
Thời sinh viên, ông nổi bật với thành tích Thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra ở trường Đại học Ngoại Thương. Và cũng chính sự vượt trội trong học tập và nghiên cứu, Vũ Tiến Lộc đã lọt “tầm ngắm” của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương – Cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách kinh tế cho Đảng và Nhà nước ta thời đó - lúc ông vừa mới vào năm thứ tư đại học. Năm 1981, kết thúc năm thứ 5, sau tốt nghiệp, ông được tuyển thẳng vào Viện này làm công tác nghiên cứu. Tại đây, ông có cơ hội được học hỏi và đóng góp vào các đề án đầu tiên về cải cách kinh tế chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) – Đại hội mở đường cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông tham gia quân ngũ tại một đơn vị chiến đấu của binh chủng Pháo binh. Những năm tháng trong quân ngũ đã góp phần trui rèn tinh thần chiến binh, tinh thần đồng đội - một phẩm chất rất quý báu góp phần định hình phong cách vị thủ lĩnh doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông chính là lúc ông chuyển từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương sang Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, cầu nối xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước. Cũng từ đấy, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với doanh nghiệp, doanh nhân mà như ông chia sẻ, đó là duyên phận.
Dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, VCCI đã đi tiên phong trong đổi mới, đưa ra những kiến nghị sắc sảo thúc đẩy mạnh mẽ hành trình tháo gỡ những rào cản, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở đường cho sự bừng nở và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều chương trình đầu tiên về phát triển hiệp hội, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp quốc gia... đã được khởi động ở VCCI từ gần 20 năm trước và lan toả ra các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có thể tham gia vào quá trình hiến kế thúc đẩy cải cách, ông đã chỉ đạo nghiên cứu và công bố xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (chỉ số PCI) tạo động lực cho quá trình cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế tại các địa phương và Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI), để định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã trực tiếp chủ trì và dẫn dắt các cuộc đối thoại chính sách ở tầm quốc gia và quốc tế giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Ông đóng vai trò một mắt xích quan trọng, một cầu nối có hiệu quả giữa nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu. Bạn bè, các chính trị gia và doanh nhân quốc tế đã trìu mến gọi ông là “Đại sứ kinh tế” của Việt Nam, coi ông là một trong những vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp trẻ trung, năng động và có ảnh hưởng nhất trong khu vực và thế giới .
Có thể nói, những bước ngoặt lớn về hội nhập của Việt Nam đều có dấu ấn đáng ghi nhớ của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc. Ông là người đầu tiên phát biểu trước Quốc hội hối thúc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và luôn có những ý kiến sắc sảo, mạnh mẽ trong suốt hành trình đàm phán ký kết và thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ qua.
Chủ tịch VCCI là người sáng lập và điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh hàng năm của Việt Nam (VBS), ông cũng chủ trì nhiều diễn đàn, hội nghị lớn trong và ngoài nước có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các CEO hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Ông được tín nhiệm cử làm đồng Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) – Một cơ chế đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với VCCI và 15 Phòng Thương mại và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Là chuyên gia kinh tế và là diễn giả có uy tín hàng đầu, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc được mời chủ trì và phát biểu chính tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn. Ông là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) các năm 2006 và 2017. Riêng APEC CEO summit 2017 là hội nghị lớn nhất trong lịch sử APEC, với trên 2000 người tham gia và có sự góp mặt của các nguyên thủ quốc gia của những cường quốc trên thế giới cùng nhiều tỷ phú hàng đầu.
Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017 thành công rực rỡ thì ai cũng biết, nhưng có một câu chuyện thú vị mà ít người biết đến đó là chính Chủ tịch VCCI là người đã thuyết phục thành công Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự và phát biểu tại Hội nghị này (Thông thường Tổng thống Mỹ không đến dự và phát biểu tại các hội nghị CEO Summit). Qua Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Daniel Kritenbrink, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc biết rằng, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong chuyến đi thăm Châu Á, nhưng chưa quyết định sẽ phát biểu tại đâu trong 4 nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines hay Việt Nam. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã trao đổi riêng với Đại sứ Mỹ những lý do mà theo ông, Tổng thống Trump nên tới dự và phát biểu tại CEO Summit 2017 tại Việt Nam. Lời mời cùng những lập luận sắc bén và hết sức thuyết phục của Chủ tịch VCCI được Đại sứ Mỹ ngay lập tức báo cáo về Nhà Trắng và chỉ sau 24 tiếng đồng hồ, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã đón nhận tin vui – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận lời mời của ông tham dự và phát biểu tại CEO Summit Đà Nẵng cùng với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo quốc có tế uy tín khác.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc chia sẻ, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tư tưởng và quan điểm vượt thời đại về kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp doanh nhân. Ông đã phát hiện rằng Bác Hồ đã sớm định hướng kinh tế thị trường ở Việt Nam khi viết trong điều lệ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội vào năm 1925 rằng sau khi giành được độc lập Việt Nam sẽ thành lập chính phủ nhân dân và thực hiện nguyên tắc Tân kinh tế, mà chính sách Tân kinh tế của Lê Nin là kinh tế nhiều thành phần. Hơn 60 năm sau, Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam 1986 đã chính thức chấp nhận cơ cấu kinh tế có nhiều thành phần – mở đầu cho quá trình chuyển sang kinh tế thị trường ở Việt Nam – Bác Hồ vĩ đại là thế. Ông kể rằng, cuộc gặp đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời với một giai tầng xã hội là cuộc gặp gỡ với doanh nhân. Tiến sĩ cũng nhắc tới bức thư gửi giới Công thương năm 1945, trong bức thư này Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Ông cũng nhắc tới quan điểm của Bác Hồ: “Chính phủ sẽ không bỏ tiền vào kinh doanh mà chỉ khuyến khích và cổ động!”.
Là người tiên phong trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc luôn là cánh chim không mỏi để truyền tải tư tưởng của Bác tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Ông cho biết, thực tiễn của quá trình đổi mới và hội nhập đã làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân về nền kinh tế thị trường, dù ở thời Bác, mới chỉ là những phác hoạ sơ khai. Trong Điều lệ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Bác đã gợi ý: Nền kinh tế của nước Việt Nam trong tương lai sẽ theo chính sách kinh tế mới của Lê Nin, mà chính sách kinh tế mới của Lê Nin là kinh tế nhiều thành phần. Bác bảo: “Công tư đều lợi - Chủ thợ đều lợi - Công nông giúp nhau - Lưu thông trong ngoài” – Đó chính là tinh thần hợp tác các bên cùng có lợi, là tinh thần phát triển bền vững và hội nhập của thế kỷ 21 này.
Cảm nhận sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh và phát hiện ra rằng trong từ điển Việt không có chỗ cho hai chữ “Doanh nhân”, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã cùng với các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cố Thủ tướng Phan Văn Khải lấy ngày 13/10 (ngày Bác Hồ đã gửi thư cho giới công thương) là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ông cũng là người đề xuất để đội ngũ doanh nhân tham gia đoàn diễu hành của các giai tầng xã hội trên quảng trường Ba Đình trong dịp Lễ kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 và tiến sĩ chính là người cầm lái biểu tượng con tàu doanh nhân ra biển lớn tại Lễ diễu hành này. Việc lực lượng doanh nhân Việt Nam chính thức được gọi tên và tham gia đoàn diễu hành của dân tộc trên quảng trường Ba Đình lịch sử đã làm vỡ oà bao cảm xúc. “Nhiều doanh nhân đã thực sự không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi từ đây họ có quyền tự hào về nghề, nghiệp và đội ngũ của mình!” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhớ lại.
Trong hành trình truyền lửa tới cộng đồng doanh nghiệp, cùng với những câu chuyện kể về Bác Hồ, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc luôn nhắc đến bức thư cuối cùng để lại cho đời trước lúc ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là bức thư gửi giới doanh nhân. Trong bức thư lịch sử đó, Đại tướng khẳng định doanh nhân là “nhạc trưởng tiên phong” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. “Thế giới biết đến Võ Nguyên Giáp, một vị tướng huyền thoại trong chiến tranh là vị tướng của những người lính thời chiến lại cũng là người định vị chính xác vị trí của đội ngũ doanh nhân – người lính thời bình” – Có sự tương đồng giữa Bác Hồ và tướng Giáp: Bác Hồ gặp doanh nhân đầu tiên khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, còn Đại tướng để lại bức thư cuối cùng cho cuộc đời là thư gửi cho giới doanh nhân. Bác Hồ bảo: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Đại tướng bảo: “Doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong sự nghiệp phát triển đất nước” - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc kể.
Người đứng đầu VCCI cho biết, việc xây dựng kinh tế đất nước phải bắt đầu từ nền tảng văn hoá và cội nguồn dân tộc. Bên cạnh vị trí địa kinh tế, địa chính trị thuận lợi, thiên nhiên tươi đẹp, cảnh vật hùng vĩ, nền ẩm thực đặc sắc…, Việt Nam còn có các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh vĩnh hằng với hàng ngàn năm văn hiến. Trong đó, Đạo thờ Mẫu – người Mẹ yêu thương và bao dung đã được dân tộc ta tín ngưỡng tự ngàn đời. Mẹ Âu Cơ, được xem là tổ Mẫu của người Việt với hình ảnh bọc trăm trứng nở ra trăm con. 50 người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người theo Mẹ Âu Cơ ở lại núi rừng, cùng nhau khai khẩn và mở mang bờ cõi để hình thành nên một Việt Nam con rồng cháu tiên mà chúng ta gọi nhau với hai tiếng “đồng bào”. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là câu chuyện cần phải kể với thế giới, và hơn cả chúng ta cần làm sống dậy huyền thoại này để giáo dục cho thế hệ mai sau, về một giá trị nhân văn đặc sắc mang thông điệp về sự gắn kết gia đình, về tình yêu, sự bao dung luôn chảy trong huyết quản của dân tộc Việt.
Mong muốn thông điệp từ huyền thoại phải được kết tinh bằng sản phẩm vật chất cụ thể, từ khi hình thành ý tưởng, thai nghén và tìm cộng sự thực hiện cho đến khi hoàn thành bức tượng Mẹ, ông đã phải mất đúng 5 năm (không sai một ngày – thật là kỳ lạ). Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc lý giải, nếu nước Mỹ có Nữ thần Tự do, Đan Mạch có Nàng tiên cá,… thì Việt Nam có Mẹ Âu Cơ với câu chuyện “Đồng bào” sẽ lan tỏa những thông điệp về câu chuyện tình yêu, rằng chúng ta mang tình yêu của mình đi hội nhập, dùng sự bao dung để đương đầu với bạo lực, chiến tranh.
Chọn thời điểm dựng tượng đài Mẹ vào năm APEC Việt Nam 2017 là một ý tưởng đặc biệt của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc khi Việt Nam trở thành điểm đến của những “người khổng lồ” từ 21 nền kinh tế APEC và các đối tác khắp năm châu. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam, là cơ hội đặc biệt để quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam và không có gì thích hợp hơn là kể cho thế giới câu chuyện về Mẹ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới khai trương và cố Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã đến thăm và chụp ảnh bên tượng đài Mẹ vào dịp đó.
Tượng đài Mẹ đứng trước biển cùng ba người con tượng trưng ba miền Bắc, Trung, Nam với chiều cao 4,5m được các nghệ nhân thực hiện tỉ mỉ từ khối đá có trọng lượng 68 tấn qua ý tưởng và thiết kế của tác giả Vũ Tiến Lộc, được đặt tại Trung tâm Hội nghị Aryana đúng vào dịp Hội nghị APEC 2017 được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Đồng thời phiên bản của tượng đài (cỡ nhỏ) được lựa chọn làm quà tặng cho các Nguyên thủ, các vị lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, các CEO hàng đầu của thế giới và khách mời. “Sức mạnh mềm” của dân tộc – Sức mạnh tinh thần và vĩnh viễn của dân tộc Việt được lan toả và trân quí.
Mẹ đã quảng bá cho đất nước mình
Bộ trưởng Văn hoá Anh, phái viên đặc biệt của Thủ tướng Anh đã ca ngợi đây là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
Mẹ nhìn ra biển, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa - khúc ruột miền Trung, không thể nào chia cắt. Mẹ nhìn ra biển tầm nhìn hội nhập với toàn cầu. Trong tuần lễ cấp cao APEC, không ít người đã cảm nhận về một cuộc đối thoại xuyên Thái Bình Dương giữa hai người mẹ - Nữ thần tự do của nước Mỹ và Mẹ Âu Cơ bao dung của dân tộc Việt. Tự do sáng tạo, làm cho thế giới này phát triển, vươn xa nhưng bao dung nhân ái sẽ là cái neo giữ trái đất này bền vững, an lành - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc lý giải.
PGS. TS Vũ Minh Khương ở Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ: “Hình tượng Mẹ chính là tinh thần dân tộc, là khát vọng hoà bình. Vũ khí có thể đánh sập giàn khoan nhưng không thể hủy diệt được tình yêu thương và tinh thần dân tộc Việt”.
Sức mạnh tấm lòng người Mẹ
Mới đây, quây quần quanh tượng Mẹ trên bờ biển Đông đầy nắng và gió trong khuôn khổ diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2019, hơn 1000 doanh nhân khắp mọi miền đất nước đã hướng về biển đảo, chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Thời khắc linh thiêng đã gây xúc động mạnh cho tất cả những con tim. Các doanh nhân đã hát bài “Tự nguyện” và cùng ca sĩ Tạ Minh Tâm cất cao bài ca “Tổ quốc gọi tên mình”. Cũng tại đây, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã hứa Doanh nhân sẽ chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu. Mới đây, ngày 10/11/2019 tại Đất Mũi Cà Mau, tượng đài Mẹ cũng đã được khánh thành cùng với đền thờ Lạc Long Quân xuất phát từ ý tưởng và đề xuất của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, là một hành trình nữa đưa huyền thoại Mẫu Âu Cơ và câu chuyện đồng bào đến với các địa phương trong cả nước. Ông Lộc cũng cho biết sắp tới, tượng đài Mẹ và đền thờ Cha Lạc Long Quân cũng sẽ được dựng lên tại địa đầu Móng Cái, Quảng Ninh, tại Lũng Cú, Hà Giang và nhiều nơi khác nữa, ông Lộc cũng mong ước Mẹ sẽ đến với Trường Sa...,
Là người thường xuyên cổ vũ tinh thần kinh doanh và xây dựng hình ảnh người doanh nhân có trách nhiệm, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã đi tới các địa phương như “anh giao liên” mang tải tinh thần cải cách và chuyển lửa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Những buổi thuyết trình của ông luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với cả đội ngũ công chức và các doanh nhân. Anh em lãnh đạo địa phương chia sẻ: “Anh Lộc đã giúp đổi mới tư duy kinh tế cho chúng tôi!”
Nhiều doanh nhân nói, được gặp, nghe ông động viên cổ vũ và gợi mở, họ như được tiếp thêm nguồn năng lượng để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh và tiếp lửa cho người khác. Luôn quan sát với tầm nhìn sâu rộng, ông đã góp phần xây dựng những mô hình cải cách từ các địa phương và lan tỏa chúng. Theo quan niệm của ông, chúng ta không thể đổi mới chỉ bằng khát vọng và thông điệp, mà phải bằng công nghệ, mô hình, bằng các chương trình kỹ trị.
Không chỉ được chào đón trong nước, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc còn là một trong những người rất có duyên trong việc chủ trì các diễn đàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới. Ông là sứ giả cho tinh thần cải cách và khởi nghiệp của Việt Nam. Ông là Chủ tịch của ban chỉ đạo quốc gia khởi nghiệp, là Chủ tịch của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu tại Việt Nam.
Chủ tịch VCCI làm việc gần như không có ngày nghỉ. Ông chia sẻ chính duyên phận đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt đã tạo cho ông một sức mạnh và trường năng lượng để có thể làm việc không ngừng nghỉ. Thời gian thư giãn đối với ông là điều xa xỉ. Thi thoảng lắm người ta mới bắt gặp ông trên sân golf với người bạn thân thiết là HLV Park Hang Seo. Ông nói, cái “tội” của ông là không có thời gian dành cho gia đình và đành lỡ hẹn với sở thích chụp ảnh nghệ thuật của mình. “Mấy chục năm nay tôi có xem bộ phim ngoài rạp nào đâu!” – Ông thú nhận.
Người ta nói Chủ tịch VCCI Việt Nam là người khó tính nhưng đấy chỉ là trong công việc. Trong mắt mọi người ông nổi tiếng giản dị, không xì gà, rượu bia, trang phục thường dùng là “made in Vietnam”, buổi trưa vẫn cùng anh em gọi cơm hộp văn phòng. Là người hoà đồng và cởi mở, ông được cộng đồng doanh nghiệp cả nước trân quý và xem như anh em trong nhà.
Bà Lee Ju Song - Giám đốc khu vực châu Á, Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới ICC đã không tiếc lời khi nhắc đến tiến sĩ Vũ Tiến Lộc. Theo bà, Chủ tịch VCCI Việt Nam là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn toàn cầu và là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Và VCCI, dưới sự lãnh đạo của ông, là điển hình của những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ trong hoạt động tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, đại diện để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và chính vì thế, với vai trò nổi bật của ông, Phòng Thương mại quốc tế và Liên đoàn các Phòng thương mại thế giới - tổ chức tham vấn chính thức của giới kinh doanh tại Liên hợp quốc, đã thống nhất lựa chọn ông là một trong 12 vị chủ tịch tiêu biểu của trên 100 Phòng Thương mại quốc gia trên thế giới tham gia ban lãnh đạo của tổ chức này, và ông là đại diện duy nhất của các nước ASEAN. Đây là điều vinh hạnh không chỉ cho ông mà cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nói về khu vực kinh tế tư nhân, ông đùa: “người yêu tôi đấy!”. Với tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, doanh nhân là ân nhân của đất nước bởi họ mang lại công ăn việc làm cho người dân và mang lại sự giàu mạnh cho Tổ quốc – điều mà bất cứ một quốc gia hay thể chế nào cũng xem là sứ mệnh hàng đầu.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc trên sân golf với người bạn thân thiết là HLV Park Hang Seo
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc luôn quan tâm và nhắn nhủ giới doanh nhân hãy chăm sóc bản thân mình cùng với việc lo toan cho xã hội. Với các doanh nhân nữ, ông lưu ý họ cần cân bằng giữa cuộc sống gia đình và sự nghiệp kinh doanh và ... đừng quên “thắt cà vạt cho chồng!”. Ông kêu gọi sự cảm thông và chia sẻ của xã hội đối với doanh nhân cả khi họ sai lầm hay thất bại. Ông thoáng buồn khi kể, “thế kỷ 21 rồi mà vẫn có người bảo doanh nhân là bóc lột và khi doanh nhân thất bại không ít kẻ vỗ tay”. Ông nói, kỳ thị với doanh nhân là thất bại của dân tộc! Kỳ thị với doanh nhân sẽ làm nghèo đất nước! Doanh nhân cần được bảo vệ như giới tinh hoa của đất nước này.
Thế đấy, từ lúc “bén duyên” cùng doanh nghiệp, doanh nhân, hầu như tất cả những hoạt động của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đều hướng đến khu vực kinh tế tư nhân - “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế nước nhà như cách ví von của ông. Làm thế nào để bừng nở khu vực này là điều khiến ông ngày đêm trăn trở. Suốt mấy mươi năm trong sự nghiệp với biết bao “danh hiệu” mà giới doanh nhân trìu mến dành tặng ông như “Vị thủ lĩnh tinh thần của doanh nhân Việt”, “Thuyền trưởng con tàu kinh tế Việt Nam”, “Đại sứ hội nhập” hay “Đại sứ kinh tế Việt Nam”, “ Ông Hiến pháp của Doanh nhân” v.v…, tất cả ưu ái đó ông đều trân quý, nhưng với bản thân mình, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc mỉm cười tự nhận, ông chỉ là người vác tù và của làng doanh nhân Việt!
Theo Phong Cách Doanh Nhân
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN