Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch
Không chỉ gây khủng hoảng nghiêm trọng đến kinh tế, Covid-19 còn là tác nhân gây nên tác động xấu đối với sức khỏe tâm thần của con người.
Chia sẻ trên cổng thông tin của Bộ Y tế, GS-TS-BS. Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 nhận xét, Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng, gây tác động đến tâm lý con người và làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, đặc biệt là những người bị cách ly, người phục vụ bệnh nhân Covid-19 và người dân trong khu vực bị phong tỏa. Trong đó, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp dễ bị tác động tâm lý và dễ mắc phải các rối loạn về tâm thần nhất.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, nhiều người lớn và cả trẻ em đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn có thể gây căng thẳng, mệt mỏi quá mức. Đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” đè nặng khiến tâm lý của người trưởng thành bị ảnh hưởng. Tiếp đó là tâm lý lo lắng, sợ hãi mình có thể bị mắc bệnh và khi mắc bệnh có nguy cơ tử vong, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người có bệnh mạn tính.
GS. TS. BS Cao Tiến Đức - Nguyên chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103.
Các biện pháp dập dịch quyết liệt như cách ly hay giãn cách toàn xã hội có thể khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập, đơn độc khi không được giao tiếp với người xung quanh, làm gia tăng căng thẳng lẫn lo lắng. Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, khoảng 30% bệnh nhân mắc Covid-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh; mắc bệnh càng nặng thì các rối loạn tâm thần càng tăng. Đồng thời, một số trường hợp bị suy giảm trí nhớ, trí tuệ sa sút dù bệnh không nặng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, căng thẳng gây ra bởi Covid-19 có thể kéo theo cảm giác lo sợ, lo âu, giận dữ, buồn bã, tê liệt cảm xúc và nản lòng, thay đổi khẩu vị, sở thích, khó tập trung, khó ra quyết định, khó ngủ hoặc mơ thấy ác mộng; bệnh mạn tính trở nên xấu hơn, làm trầm trọng thêm bệnh tâm thần và tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
Dưới đây là 4 cách đơn giản có thể áp dụng ngay để chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch.
Tăng cường lan tỏa sự tích cực
Khi đối mặt với khủng hoảng, nếu càng khuếch tán sự tiêu cực sẽ càng cảm thấy căng thẳng. Do đó, cách tốt nhất là tăng cường sự tích cực và lan tỏa niềm vui. Hãy quan tâm, trò chuyện với các thành viên gia đình, thường xuyên kết nối với bạn bè và đồng nghiệp qua gọi điện, nhắn tin hay gặp mặt trực tuyến bằng FaceTime, Zoom hoặc các ứng dụng khác.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc cảm thấy buồn chán, căng thẳng, bối rối, sợ hãi hay tức giận khi gặp khủng hoảng là điều bình thường. Thế nên, hãy nhận thức về điều này và dành thời gian trò chuyện với người mình tin tưởng về những sự lo lắng cũng như cảm xúc của bản thân. Hãy xem thời gian giãn cách xã hội là “khoảng nghỉ” để dành nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc người thân. Nghe nhạc cũng là một phương pháp tốt để cơ thể thư giãn và tăng cường năng lượng tích cực. Bản nhạc với nhịp độ chậm có thể tạo ra phản ứng thư giãn khi giúp giảm huyết áp và nhịp tim. Và hãy cười nhiều hơn!
Hạn chế tiếp nhận những thông tin chưa thật cần thiết
Hãy hạn chế sự bực bội và lo lắng bằng cách giảm bớt thời gian tiếp xúc với các thông tin tiêu cực. Theo CDC Mỹ, bạn có thể tạm dừng xem, đọc hoặc nghe tin tức, gồm tin tức trên mạng xã hội. Nắm bắt thông tin cũng tốt, nhưng thường xuyên phải lắng nghe tin tức về đại dịch hoặc các thuyết âm mưu đằng sau nó có thể gây thêm lo lắng, phiền muộn. Do đó, theo dõi tin tức chỉ vài lần mỗi ngày và tránh xa màn hình điện thoại, TV và máy tính trong một thời gian.
Thêm vào đó, hãy tránh xa tin giả, tin sai sự thật. Đến nay, sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 ai ai cũng rõ, nhưng còn một loại virus khác mang độc tố và có tốc độ lây lan còn khủng khiếp hơn, đó là “virus tin giả”. Nhiễm phải virus tin giả, không những sự hoang mang và lo lắng tăng lên, mà niềm tin của bạn cũng bị ảnh hưởng. Thế nên, hãy tiếp nhận thông tin từ các nguồn và phương tiện đáng tin cậy, trong khi ý thức rằng, nhiều lúc mạng xã hội có thể đưa ra thông tin sai.
Chế độ ăn uống, rèn luyện thể chất phù hợp
Hãy tạo nên chế độ ăn uống và rèn luyện thể chất cùng nghỉ ngơi phù hợp trong điều kiện cho phép. Trong thời gian phòng tập thể dục, phòng gym đóng cửa, hãy duy trì thói quen rèn luyện thể chất thông qua các bài tập tại nhà. Theo Cẩm nang Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch Covid-19 của Đại học Keio, Nhật Bản, căng thẳng và lo lắng có thể được giảm bớt thông qua các hoạt động cần sự tập trung hoặc làm lắng dịu tinh thần. Do đó, các bài tập cường độ cao cách quãng, hoặc thiền, yoga, khí công... là những lựa chọn tốt. Đồng thời, hãy tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích quá độ. Đặc biệt, nên tránh uống rượu trước khi đi ngủ hoặc uống cà phê trước vài tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ, vì các hoạt chất trong cà phê sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Và khi ngủ không đủ giấc, căng thẳng sẽ tăng lên.
Tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia
Sau khi đã áp dụng những phương pháp trên mà kết quả không như mong muốn, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và tâm lý. Một số kênh chăm sóc sức khỏe có thể kể đến là Fanpage Tư vấn và Chăm sóc tinh thần Psycare. Đây là kênh được Khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm TP.HCM triển khai nhằm tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho người dân ở khu cách ly hoặc điều trị Covid-19. Fanpage của kênh này là nơi chia sẻ các bài viết về khoa học, tư vấn, giải đáp của các chuyên gia về vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần.
Tư vấn và Chăm sóc tinh thần Psycare còn tư vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần cho người dân qua Zalo, fanpage 24/7. Mô hình qua Zalo hướng đến việc tư vấn nhóm thông qua ban quản lý khu cách ly. Khai thác tính năng đặc biệt từ Zalo ẩn của người dùng để đảm bảo tính bảo mật và tính riêng tư. Trong khi đó, hình thức cẩm nang dạng bỏ túi được phát cho cá nhân, dán tại khu cách ly, phong tỏa hoặc người có nhu cầu để tham khảo, nâng cao sức khỏe, tinh thần trong đại dịch.
TS. Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Một kênh nữa là "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch" do TS. Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cùng các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần lập nên. Việc khám và tư vấn sức khỏe được thực hiện miễn phí thông qua hình thức trực tuyến cho người dân có nhu cầu, bằng cách đăng ký online thông qua mạng hoặc qua điện thoại.
(Theo doanhnhansaigon.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN