6 công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn tại Tp.HCM về đích năm 2022
Những tín hiệu liên quan đến hạ tầng giao thông trọng điểm tại Tp.HCM hoàn thiện mang đến góc nhìn tích cực trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn.
Tính đến cuối năm 2022, hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn với mức đầu tư khủng đi vào khai thác, phục vụ nhu cầu lưu thông.
Mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn vốn đầu tư 700 tỉ đồng
Dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) khởi công năm 2018 với vốn đầu tư gần 700 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án chính thức hoàn thành vào tháng 4/2022.
Dự án nâng cấp và sửa đường đường Đặng Thúc Vịnh đóng vai trò hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông khu vực, khắc phục tình trạng ùn tắc, góp phần chỉnh trang đô thị. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Hóc Môn và khu vực Tây Bắc TP. Đồng thời tác động đến thị trường BĐS khu vực.
Cầu Thủ Thiêm 2 vốn đầu tư 3.100 tỉ đồng khánh thánh sau 7 năm thi công
Dự án Cầu Thủ Thiem 2 có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Khởi công xây dựng năm 2015, dự án dự kiến cầu hoàn thành năm 2018 tuy nhiên gặp phải một số khó khăn và nhiều lần phải gia hạn thời gian thực hiện. Đến tháng 4/ 2022, dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cầu Thủ Thiêm 2 có chiều dài hơn 1,4km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm. Công trình bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) với trung tâm quận 1. Ở phía quận 1, cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng tại đường Tôn Đức Thắng, giáp Nhà máy đóng tàu Ba Son thuộc Tổng công ty Ba Son.
Đây là là một trong những công trình xây dựng trọng điểm, giao thông cấp bách trên địa bàn Tp.HCM. Công trình có vai trò kết nối giao thông giữa TP.Thủ Đức qua trung tâm Sài Gòn và khi hoàn thành được xem biểu tượng mới tại TP.HCM.
Trong kỳ họp mới đây, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về đặt tên Ba Son cho cầu Thủ Thiêm 2.
Cầu ông Bưng xây mới với vốn khoảng 515 tỉ đồng
Công trình xây dựng mới cầu Bưng có tổng mức đầu tư khoảng 515 tỉ đồng, là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Công trình được khởi công vào tháng 7/2017 và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công nhưng do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công nhiều lần.
Đến tháng 10/2022, dự án chính thức hoàn thành, đi vào phục vụ người dân. Cầu hoàn thành nối quận Bình Tân và Tân Phú trên trục đường Lê Trọng Tấn, có nhiệm vụ thay thế cây cầu hiện hữu có mặt cắt ngang hẹp, đã xuống cấp và thường xuyên gây ùn tắc giao thông.
Công trình có tổng chiều dài 555 m, bề rộng trung bình 22m (gồm 2 Nhánh cầu 1 và cầu 2) và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Đường song hành Võ Văn Kiệt vốn đầu tư 54 tỉ đồng
Đường song hành với đại lộ Võ Văn Kiệt khởi công tháng 5/2021 do Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng 54 tỉ đồng.
Tuyến đường dài 615 m nối từ nút giao Nguyễn Thái Học đến Pasteur, dọc kênh Tàu Hủ và vòng dưới gầm cầu Calmette. Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 4/2022 sau 11 tháng thi công.
Tuy dự án có vốn đầu tư không lớn nhưng dự án được người dân địa phương vô cùng mong chờ vì tính cấp thiết. Tuyến song hành được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con. Bởi đây là nút giao rất đông xe rẽ vào trung tâm thành phố, các hướng đi thường xung đột, dễ xảy ra tai nạn. Tuyến xây xong giúp dòng xe giảm giao cắt tại giao lộ nói trên, di chuyển thuận lợi hơn cũng như tạo thông thoáng cho khu vực.
Dự án cải tạo kênh Nước Đen kinh phí khoảng 629 tỉ đồng
Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) nhiều năm qua là "điểm đen" về ô nhiễm môi trường. Tháng 4/2020, dự án được nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) khởi công và đã hoàn thành năm 2022.
Dự án dài 1,4 km, rộng 40 m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh, yêu cầu mức kinh phí khoảng 629 tỉ đồng. Sai khi hoàn thành dự án giúp việc đi lại được thông thoáng hơn và cải thiện môi trường cho khu vực.
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) vốn 43.700 tỉ đồng
Cuối năm 2022 tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thử đoạn trên cao dài hơn 8km, từ ga Suối Tiên đến Bình Thái, TP.Thủ Đức.
Đến nay 3/14 ga gồm hai ga ngầm, một ga trên cao đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 100% khối lượng. Toàn dự án hiện đạt khoảng 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự án metro số 1 dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỉ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (Tp.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
BẢO ANH
Theo Nhịp Sống Thị Trường
Ảnh: Sưu tầm
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN