Điểm tin sáng: Lo ngại lạm phát, vàng lại tăng mạnh


Sáng nay, giá vàng thế giới tăng mạnh bởi tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư về cuộc chiến Nga - Ukraine và lạm phát toàn cầu gia tăng.

Điểm tin sáng: Lo ngại lạm phát, vàng lại tăng mạnh

Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.946 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. giá vàng hôm nay tăng mạnh bởi tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư. Thị trường vẫn còn những lo ngại lớn về cuộc chiến Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát toàn cầu gia tăng.

giá vàng trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,07 triệu đồng/lượng (bán ra). Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,05 triệu đồng/lượng (bán ra).

Siết chặt quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cùng các thông tư hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết.

Bộ Tài chính nhận định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Do đó, cũng đã có các thông tin cảnh báo với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tiến hành đánh giá tình hình thị trường để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý 1 chậm. Đến hết tháng 3 năm nay, mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Trong đó một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Thái Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, tỉnh Lai Châu... Trong khi đó, 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, 29 bộ, cơ quan trung ương còn chưa thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.

Quý 1, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kênh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các Bộ chức năng sẽ xem xét các trường hợp không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 để trình cắt giảm kế hoạch vốn, bổ sung cho đơn vị có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

(Theo cafeland.vn)
 
 

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN