Doanh nghiệp nỗ lực khai thác sức mạnh khoa học


Các doanh nghiệp đã chứng kiến sức mạnh của khoa học và đã tận dụng chúng để phát triển các sản phẩm và giải pháp, đồng thời xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.

Các tập đoàn nên đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự đa dạng trong các ngành STEM

Trong khoảng thời gian đầy thử thách giữa đại dịch, khoa học đã trở thành điểm sáng hy vọng của toàn thế giới. Nhờ vào khoa học, chúng ta đã có thể tìm ra cách thức hoạt động của vi rút và phát triển vắc xin trong thời gian ngắn kỷ lục, đúc kết dựa trên kinh nghiệm từ nhiều năm nghiên cứu và phát triển trước đó.

Kết quả của cuộc khảo sát về chỉ số hiểu biết khoa học (SOSI) - một nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi bên thứ ba do 3M ủy quyền với sự tham gia của 17.000 người, chỉ ra rằng khoa học đã mang lại niềm hy vọng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). 

Khi vắc-xin đang trở thành tâm điểm chú ý, người dân ở đây dần đặt niềm tin vào khoa học nhiều hơn với mong muốn mang cuộc sống của họ trở lại trạng thái bình thường và tạo điều kiện cho quá trình phục hồi kinh tế. 91% người tham gia khảo sát ở khu vực APAC cho biết khoa học thắp lên hy vọng về tương lai và 90% tin tưởng rằng năm 2021 sẽ tốt đẹp hơn so với năm 2020 nhờ vào khoa học.

Nơi nào có hy vọng, nơi đó có niềm tin

Bên cạnh hy vọng, niềm tin vào khoa học cũng trở thành một xu hướng trong thời điểm hiện tại. Phần lớn người dân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (91%) đặt niềm tin vào khoa học ngày nay và 86% tin tưởng các nhà khoa học. Đây là mức độ tin tưởng cao nhất vào khoa học mà chúng tôi nhận thấy kể từ khi tiến hành nghiên cứu SOSI lần đầu tiên vào năm 2018.

Mỗi cá nhân trong khu vực khảo sát cũng đang dần cảm nhận sức mạnh của khoa học. 60% tin rằng khoa học rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ, cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu là 56%.

Chúng ta cũng đang hành động khác đi. 73% người khảo sát nói rằng họ sẽ đứng về phía khoa học khi ai đó nghi ngờ. Điều này rất thiết yếu khi phải đối mặt với những thông tin mâu thuẫn và thậm chí sai lệch xung quanh đại dịch và vắc xin.

Lan tỏa hiệu ứng tới sự phát triển bền vững

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đại dịch đã không làm lu mờ nhận thức về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, Covid-19 đã làm cho người dân khu vực APAC hiểu rõ hơn về vấn nạn này - nhiều hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. 82% người tham gia nghiên cứu nói rằng đại dịch Covid-19 đã giúp họ ý thức hơn về môi trường sống, nhiều hơn 5 điểm so với mức trung bình toàn cầu.

Song song, các vấn đề xung quanh biến đổi khí hậu cũng đang được nhìn nhận cấp bách hơn khi 90% đồng ý rằng các giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này cần phải được thực hiện ngay lập tức. Ngoài ra, 89% dân số trong khu vực cũng tin rằng mọi người nên tuân theo những phát kiến khoa học vì một hành tinh xanh và phát triển bền vững.

Thật tốt là các nhà lãnh đạo đang lắng nghe và hưởng ứng những lời kêu gọi này. Đồng hành với các quốc gia khác trong việc chuyển hướng sang tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư của Việt Nam đã có kế hoạch trình Chính phủ một chiến lược tương tự vào tháng 6 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp. Nền kinh tế tuần hoàn mới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.

Nhưng thành tựu này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Khoa học là một phần quan trọng trong xã hội, giúp giải quyết những thách thức khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt và điều đó đã được làm rõ trong nghiên cứu SOSI năm nay. Chúng ta đang dần hiểu về khoa học nhiều hơn, và chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều người dám đứng lên ủng hộ khoa học hơn.

Nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. 89% người trả lời khảo sát tin rằng chúng ta cần tăng cường sự đa dạng trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (STEM), và 91% tin rằng các tập đoàn nên đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự đa dạng trong các ngành STEM. Ngoài ra, khi các biến thể vi-rút mới đang tiếp tục được phát hiện và những làn sóng dịch mới xuất hiện, thật khó để nói khi nào đại dịch sẽ thực sự kết thúc. Sau một năm trải qua đại dịch, vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu mối quan tâm mới của chúng ta đối với khoa học có kéo dài hay không.

29% người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chắc chắn hoặc không tin rằng sự đánh giá cao đối với khoa học sẽ tiếp tục. Không những thấp hơn mức trung bình 41% trên toàn thế giới, con số này còn khá đáng lo ngại. Sự tin tưởng và đánh giá cao khoa học là chìa khóa để chống lại thông tin sai lệch xung quanh Covid-19 và vắc-xin, và niềm tin này có tác động lớn đến tốc độ chúng ta có thể tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Vì vậy, việc tiếp tục tin tưởng vào các nghiên cứu khoa học là điều nên làm.

Nỗ lực từ các tập đoàn sẽ là chìa khóa giúp khoa học tỏa sáng

Ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam, 3M đang tích cực ủng hộ khoa học và đổi mới thông qua thử thách truyền cảm hứng 3M, một cuộc thi giải quyết vấn đề nhức nhối trong khu vực nhằm khuyến khích sinh viên đại học từ tất cả các chuyên ngành đưa ra các giải pháp trong các chủ đề công nghệ, bền vững và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, ở Việt Nam, 3M cũng đã tổ chức dự án khoa học tại nhà nhằm khơi gợi niềm đam mê khoa học cho trẻ em từ những thí nghiệm đơn giản có thể làm ở nhà.

Các doanh nghiệp đã chứng kiến sức mạnh của khoa học và đã tận dụng chúng để phát triển các sản phẩm và giải pháp, đồng thời xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.

Trong khoảng thời gian đại dịch, các doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan chính phủ, các quốc gia đã kề vai sát cánh và sẵn sàng chia sẻ kiến thức, nguồn lực cho nhau. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển này để tạo ra một tương lai an toàn hơn, xanh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn trong khu vực và xa hơn nữa. 

(Theo theleader.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN