Fed nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm phần trăm
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có lần nâng lãi suất lần thứ bảy trong năm 2022, với mức + nửa điểm phần trăm.
Quyết định của Fed được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) vào đêm qua theo giờ Việt Nam, chấm dứt chuỗi tăng lãi suất cơ bản (Fed Fund Rate) đã được ra ở mức cao nhất lịch sử trong vòng 40 năm qua tại Mỹ ở mức 0,75 điểm phần trăm trong suốt 4 lần liên tiếp vừa qua.
Fed nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm phần trăm. (Ảnh: Reuters)
Quyết định với mức tăng lãi suất mới của Fed cho thấy có sự cân nhắc trước tín hiệu trái chiều về lạm phát tại Mỹ. Tuy nhiên sau chuỗi tăng lãi suất liên tiếp, Fed vẫn đã khép lại động thái chính sách trong tháng cuối cùng của năm 2022 bằng cú chốt đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%, trong bối cảnh các quyết sách của ngân hàng này đang ngày càng tác động lớn đến nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù mức tăng lãi suất lần này thấp hơn so với mức tăng 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp trước đó, nhưng động thái mới nhất sẽ làm tăng thêm chi phí của nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh cũng như gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Dù vậy, các quan chức của Fed vẫn báo hiệu rằng cuộc chiến của họ nhằm kiềm chế lạm phát và giảm tốc nền kinh tế vẫn chưa kết thúc. Các nhà thiết lập chính sách của Fed vẫn cho biết, việc tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để duy trì lập trường kiềm chế lạm phát. FOMC dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt của họ sẽ đạt mức từ 5-5,25% vào cuối năm 2023. Như vậy Fed vẫn có thể tái lập việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm 2023, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận mức hạ nhiệt.
Cụ thể số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/12 cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm được đo lường bằng đã giảm xuống 7,1% trong tháng 11/2022, từ mức 7,7% trong tháng 10. Có thể thấy Fed có lý do để cân nhắc khi tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6, nhưng vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Vì vậy, đợt giảm bớt tốc độ tăng lãi suất này được xem là miễn cưỡng và các nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài và những tác động chưa thể hiện của việc tăng lãi suất sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái. Fed liệu có hòa hoãn giảm bớt áp lực lên nền kinh tế và thực sự tiến đến một chính sách nới lỏng hơn lúc này, dường như chưa có tín hiệu nào cho thấy Fed sẵn sàng.
Trước kỳ họp tháng 12 của Fed, thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực với các bảng xanh rực. Tuy nhiên sau cuộc họp, dù mức lãi suất nâng thêm không nằm ngoài dự đoán, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đã giảm điểm nhẹ.
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN