Giá cả leo thang, Ngân hàng Nhà nước có thay đổi chính sách tiền tệ?


Giá cả và lạm phát thế giới đang tăng phi mã. Biến số của nền kinh tế thế giới có khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi chính sách tiền tệ?

Áp lực từ nhiều biến số của thị trường tài chính thế giới

Theo ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA, hai rủi ro nhất trên thị trường thế giới hiện nay là căng thẳng Nga - Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt leo thang và việc nhiều quốc gia lớn có thể tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách, khả năng tăng lãi suất của ECB vẫn để ngỏ. Trong khi đó, trong phiên họp chính sách sách giữa tháng này, khả năng tăng lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gần như chắc chắn. Tuy vậy, khả năng Fed thu hẹp thêm bảng cân đối tài sản - đồng nghĩa với thắt chặt thêm chính sách tiền tệ - cũng không loại trừ.

Theo nhận định của ông Cao Minh Hoàng, giá cả hàng hóa và lạm phát tăng nhanh trên thế giới đang khiến các quốc gia châu Âu và Mỹ khó khăn hơn trong việc đưa ra chính sách tiền tệ, vì vừa phải đối phó với lạm phát, vừa phải đối phó với hệ quả của các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây ra cho nền kinh tế.

Các chuyên gia có chung nhận định rằng, chính sách tiền tệ của các nước thời gian tới sẽ khó dự đoán hơn với các quốc gia trên thế giới, song các nước đều có sự thận trọng, “nuông chiều” nhất định với thị trường tài chính toàn cầu, không có các quyết sách quá sốc và chủ đạo vẫn là theo hướng thắt chặt hơn.

Lạm phát và giá cả hàng hóa trên thế giới tăng phi mã cũng như xu hướng tăng lãi suất của các nước lớn dự báo sẽ tác động không nhỏ tới lạm phát của Việt Nam, từ đó gây nhiều áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ.

Dựa trên nhiều kịch bản dự báo giá dầu, Dragon Capital dự báo, lạm phát cơ bản của Việt Nam có thể tăng tương ứng 3,58 - 3,8% và tệ nhất là lên 4,18%. Tuy vậy, Dragon Capital cũng đánh giá, tác động của giá dầu tăng có thể không ảnh hưởng đến lạm phát như dự kiến.

Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nới lỏng tín dụng

Tín dụng 2 tháng đầu năm nay đã tăng 2,52%, tăng rất mạnh so với mức tăng 0,06% của 2 tháng đầu năm 2020 và mức 0,67% của 2 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường cũng đang dần có dấu hiệu nhích lên.

Năm nay, NHNN dự kiến tín dụng tăng 14%, có thể điều chỉnh linh hoạt, tùy theo diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang khẩn trương soạn thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 triệu tỷ đồng sẽ bơm ra cho nền kinh tế năm nay và năm sau.

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh và lạm phát gia tăng, liệu NHNN có thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt thêm giống như các quốc gia khác?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá dầu và giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Nếu Chính phủ không có các biện pháp để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, thì lạm phát sẽ gia tăng, khiến việc phục hồi kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, ông Lực cho rằng, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị nguồn cung, tránh hiện tượng khan hiếm giả, kiểm soát lạm phát và thực hiện ngay các gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù áp lực lạm phát là rất lớn, song Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Khối Phân tích (CTCP Chứng khoán VnDirect) cho rằng, lạm phát trên thế giới đang phân hóa mạnh mẽ. Trong khi Mỹ, Anh và một số nước EU đang phải đối mặt với lạm phát cao, thì một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc đang kiểm soát lạm phát khá tốt.

Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI cả nước chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hinh, lạm phát ở Việt Nam năm nay chỉ khoảng 3,5% và Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các giải pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo giới chuyên gia, sự “lệch pha” của Việt Nam với nhịp tăng trưởng của thế giới chính là lý do khiến lạm phát ở Việt Nam chưa đáng ngại. Cụ thể, năm 2021 là đỉnh phục hồi của nhiều nước trên thế giới, trong khi Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ tư. Năm 2022, nhờ phủ sóng vắc-xin, Việt Nam mới bước vào nhịp tăng trưởng, chậm so với thế giới khoảng 6 tháng, Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất liên tục đạt trên 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp…

Về giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng, thuế và phí chiếm tới 4% cơ cấu giá thành xăng dầu trong nước, Chính phủ hoàn toàn có thể can thiệp để giữ giá nếu giảm thuế, phí xăng dầu. Tương tự, với giá y tế, giáo dục, điện nước…, Chính phủ cũng có thể tham gia điều chỉnh linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Với chính sách tiền tệ, ảnh hưởng rõ nhất của lạm phát toàn cầu là lạm phát đang tăng lên. Dù vậy, theo nhận định của giới phân tích, năm nay, NHNN sẽ không tăng lãi suất cơ bản và sẽ có nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Vì vậy, lãi suất cho vay nếu tăng cũng chỉ tăng xung quanh 1%.

Biến số kinh tế - chính trị thế giới đang gây sức ép lớn cho điều hành chính sách tiền tệ năm nay. Dù vậy, với nền tảng tốt trong nước, dự trữ ngoại hối kỷ lục, vốn FDI liên tục tăng mạnh, niềm tin của người dân và nhà đầu tư vững chắc…, NHNN cũng đang có nhiều điểm tựa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt.

(Theo Thế Giới & Việt Nam - baoquocte.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN