Giám đốc quỹ Nextrans: Tăng trưởng giống như đi giày cao gót, đến lúc startup phải tháo bỏ mà đi giày bệt, chân đất kiếm tiền


"Tôi đã gặp những CEOs còn tự mình đi sales trong mùa dịch (dù công ty quy mô cả trăm người), “chai mặt” gặp từng khách hàng để hỏi tại sao họ từ bỏ sản phẩm... Startup cần kiếm tiền, cần cố sống chứ không phải cố "đẹp", bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Đại diện Quỹ Nextrans Việt Nam - chia sẻ.

 

Làn sóng COVID-19 thứ hai lại khiến các startups đứng ngồi không yên trước bài toán sinh tồn, làm sao để sống sót qua đại dịch. Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Đại diện Quỹ Nextrans Việt Nam, đây không phải lúc tập trung vào những chỉ số bóng bẩy, startup cần kiếm tiền, cần cố sống chứ không phải cố "đẹp".

Từ chuyện đôi giày cao gót….

Mới đây tôi có tham dự một buổi workshop mà nội dung chủ yếu xoay quanh các chiến lược doanh nghiệp cần chuẩn bị để đối phó với COVID-19 khi đợt dịch mới bùng phát. Thành thật tôi để ý cô MC nhiều hơn các diễn giả đang nói trên sân khấu vì cô ấy… đi một đôi giày cao gót không vừa chân!

Tôi biết là không vừa vì nhìn cô ấy đi lại rất khó khăn trên đôi giày cao lênh khênh, thậm chí còn chẳng thể đứng thẳng người. Chắc cũng chỉ mình tôi để tâm điều đó… vì đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Ngày trước, tôi cũng từng làm MC cho rất nhiều sự kiện lớn của công ty. Có một dịp vì sự kiện chỉ diễn ra 2 năm/lần và khách mời toàn đến từ những tập đoàn đa quốc gia nên tôi quyết định đầu tư một đôi giày cao gót thật đẹp. Nó rất hợp với chiếc váy tôi dự định sẽ mặc, vì vậy tôi không ngần ngại mua luôn, dù cảm thấy có phần hơi “kích” chân.

 


Cơn ác mộng kéo đến vào ngày tôi đi đôi giày ấy dẫn chương trình. Chỉ sau 1 tiếng đi lại, các ngón chân phồng rộp, đau đến chảy nước mắt, mà sự kiện vẫn còn kéo dài gần 3 tiếng nữa. Với bản tính lì lợm, tôi biết có thể chịu được nhưng cũng biết rằng mình không thể tập trung để dẫn một cách xuất sắc và tỏa sáng khi đang bị đau. Trong 10 phút nghỉ giải lao tôi đã đưa ra quyết định: phải bỏ đôi giày cao gót .Vậy là tôi đổi đôi giày cao cho chị bạn ngồi ở bàn lễ tân để lấy đôi giày bệt, thay quần jean và áo phông (bộ đồ tôi mặc trước khi thay váy dạ hội), bỏ hết ghim tóc trên đầu và cột gọn lại phía sau, xóa bớt lớp trang điểm cầu kỳ. Sau đó quay lại sân khấu với thái độ “như chưa có gì xảy ra”. Mọi người cũng có chút ngạc nhiên nhưng sự ngạc nhiên ấy kéo dài không quá 10 giây và rồi ai nấy đều quay lại với nhịp của chương trình. Kết thúc sự kiện tôi được khen làm chủ sân khấu tốt, cũng chẳng mấy ai nhớ đến đôi giày cao gót hay chiếc váy dạ hội.

Đó là một quyết định khó khăn, (phụ nữ sẽ hiểu) khi mình đang là trung tâm trên sân khấu và mọi máy ảnh hướng về mà phải trút bỏ hình ảnh lộng lẫy cũng không khác gì việc cô dâu trong ngày cưới mà mặc đồ thường. Nhưng tôi chấp nhận đánh đổi giữa hình ảnh đẹp và nội dung “đẹp”.

… đến chuyện tăng trưởng

Quay lại với hiện tại, COVID đang làm đau tất cả chúng ta, đặc biệt là các startup, các SMEs. Khi được hỏi trong thời điểm hiện tại, các startup nên tập trung tăng trưởng hay “kiếm tiền”, tôi nghĩ: Đến lúc chúng ta phải tháo giày cao gót rồi! Tôi biết đó cũng là một lựa chọn khó khăn vì tăng trưởng quyết định trực tiếp đến khả năng gọi vốn và định giá công ty, nhưng tại thời điểm này, chúng ta cần sống sót. Và cũng không có nhiều thời gian để chần chừ, đắn đo. Đừng nghĩ đến chuyện gọi vốn để giải quyết vấn đề tài chính hiện tại, việc đó không khác gì đi mượn một đôi giày cao gót khác. Chúng ta cần kiếm tiền, cần phải đi vững trên đôi chân mình trước, vậy nên hãy tìm mọi cách để thuyết phục khách hàng.

Ngay cả những tập đoàn lớn cũng phải cắt giảm nhân sự, hạn chế chi tiêu, trước kia họ thuê ngoài nhiều mảng thì giờ đem về tự làm để tiết kiệm được chi phí phần nào hay phần đó. Họ chuyển từ giày cao gót sang giày bệt, còn chúng ta, những startups, SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) không có điều kiện thì đi chân đất luôn. Tất cả cùng nhảy vào mà làm.

 

 

Tôi đã gặp những CEOs còn tự mình đi sales trong mùa dịch (dù công ty quy mô cả trăm người), “chai mặt” gặp từng khách hàng để hỏi tại sao họ từ bỏ sản phẩm. Chúng ta đều biết: không có tiền mới chết chứ mặt dày không vấn đề gì cả. Nên hãy lao ra ngoài kia và kiếm khách hàng ngay thôi. Nếu họ không mua, ít nhất hãy xin những lời góp ý chân thành để hoàn thiện sản phẩm. Khi ai cũng đau, những viên “aspirin” trở nên quý giá hơn bao giờ hết và phải đặt mục tiêu làm bằng được sản phẩm của mình như aspirin.

Hơn lúc nào hết, startup cần tập trung cao độ, lo lắng về dịch không giải quyết được vấn đề, hãy bắt tay ngay vào xem lại báo cáo tài chính, quản trị dòng tiền. Tối thiểu phải nắm được việc thu chi hay biết với số tiền còn lại thì sống được bao lâu nữa. Nếu buộc phải cắt giảm nhân sự thì làm ngay bảng tổng hợp hiệu suất cá nhân, tổng hợp dữ liệu để xem cắt bộ phận nào. Đừng đốt tiền chạy quảng nữa, phải lên ngay kế hoạch tác chiến “growth hacking” (hack tăng trưởng). Tham khảo cách thức các công ty lớn (Google, Facebook, Airbnb,…) cho nhân viên “work from home” thế nào cho hiệu quả. Thời điểm này, linh động thay đổi mô hình kinh doanh, làm một thứ mới chẳng liên quan cũng không sao, miễn là kiếm được tiền để sống sót. Tuyệt đối đừng nản, đừng than vãn (dù có khó khăn thế nào), vì cả công ty đều đang nhìn vào mình, mình còn nản thì họ biết trông vào ai?

Với các cá nhân, tự mình nên cảnh giác, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên (như vậy đã giảm khả năng lây nhiễm đến 95% rồi), cập nhật tin tức là một chuyện, nhưng dành thời gian tìm hiểu một cách khoa học về virus này và tiến trình điều chế vaccine đang ở giai đoạn nào sẽ có ích hơn là bàn tán, “hóng biến”. Chúng ta phải biết rằng nỗi sợ không đánh bại được con virus này, mà chỉ có kiến thức. Với người thường, đó là kiến thức tối thiểu về việc tự bảo vệ mình thế nào, với người nghiên cứu sâu hơn là tốc độ, cách thức lây nhiễm, các chủng loại biến đổi ra sao. Còn với các nhà khoa học, đó là công thức điều chế vaccine. Nguyên tắc phải nhớ: đọc gì thì đọc, miễn là giúp mình nâng cao hiểu biết và nhận thức, đừng khiến mình lo lắng, bi quan.

Lại nói đến cô MC lúc đầu đi đôi giày cao gót không vừa chân mà vẫn cố, chắc tự cô ấy sau chương trình cũng cảm thấy mình “fail”. Làm sao có thể toát ra thần thái khi mình đang phải “cố”?

Các startup cũng vậy, không cần phải tập trung vào những chỉ số tăng trưởng bóng bẩy nữa, chúng ta cần cố sống chứ không phải cố “đẹp”. Bỏ giày cao gót ra và chạy ngay đi!

Chúng ta không biết dịch sẽ còn kéo dài đến bao giờ, nhưng phải chắc một điều: ta cần sống đến lúc ấy. Phải giữ được cơ thể khỏe mạnh, rồi mới nghĩ đến mang lại đôi giày cao gót lấp lánh… lần nữa.

Theo CafeF

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN