Hành trình "8 năm vàng": Kinh tế Ấn Độ soán ngôi Vương quốc Anh
Từng là thuộc địa của Anh, nhưng giờ đây, Ấn Độ đã vượt qua quốc gia này để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thậm chí đặt tham vọng trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu vào cuối thập kỷ.
Soán ngôi Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Trong quý I/2022, quy mô tính theo giá trị danh nghĩa của nền kinh tế Ấn Độ đã tăng lên 854,7 tỷ USD, cao hơn so với mức 816 tỷ USD của Anh. Đây là lần thứ hai Ấn Độ vượt qua Anh trong lĩnh vực kinh tế, lần đầu tiên là vào năm 2019.
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy tăng trưởng quý II/2022 của Ấn Độ là 13,5%, đứng trước Anh, nước có nền kinh tế suy giảm 0,1% trong cùng giai đoạn. Thậm chí, mức tăng trưởng của Ấn Độ cũng cao hơn nhiều so với một cường quốc khác là Trung Quốc, chỉ tăng trưởng 0,4% trong cùng kỳ.
Theo các nhà kinh tế, mặc dù tốc độ tăng trưởng hai con số khó có thể lặp lại trong các quý tiếp theo, nhưng Ấn Độ vẫn đang trên đà tăng trưởng 7% trong năm nay vì nước này được hưởng lợi từ tự do hóa kinh tế trong khu vực tư nhân, dân số lao động tăng nhanh và xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ phá vỡ những khuôn mẫu cũ để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường chứng khoán lớn thứ 5 toàn cầu. Sự gia tăng gần đây của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã giúp quốc gia này đạt thị phần vốn hóa thị trường toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại là 3,5% so với mức 2,05% vào tháng 5/2020, là bước nhảy vọt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thảm họa lạm phát và có khả năng suy thoái.
Vào cuối tháng 8/2022, Ấn Độ đã vươn lên vị trí thứ 2 trong chỉ số thị trường mới nổi MSCI, thước đo kết quả hoạt động của thị trường cổ phiếu, với tỷ trọng hơn 14%, chỉ sau Trung Quốc. Chỉ số MSCI Ấn Độ đã tăng trưởng tốt hơn 27% so với các thị trường mới nổi MSCI trong 12 tháng qua.
8 năm “vàng”
Trong một bài viết nhìn lại hành trình kinh tế Ấn Độ trong 75 năm sau khi độc lập (15/8/1947 – 15/8/2022) được đăng tải trên trang NDTV, có thể thấy kinh tế Ấn Độ đã trải qua nhiều thăng trầm khi từng được coi là “quốc gia thuộc thế giới thứ ba”, một thuật ngữ để chỉ các quốc gia kém phát triển, cho tới khi trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào thời điểm độc lập, GDP của Ấn Độ ở mức khoảng 33,9 tỷ USD. Tới tháng 8 năm nay, con số này đã tiến đến khoảng 3.300 tỷ USD. Chính sách kinh tế của Ấn Độ đã chuyển mình từ thiên hướng theo chủ nghĩa bảo hộ thời kỳ mới độc lập sang tự do hoá kinh tế vào đầu những năm 90, sau 2 lần cải cách đáng chú ý vào năm 1980 và chính sách tự do hóa kinh tế năm 1991.
Kể từ năm 1990, Ấn Độ đã nổi lên là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất giữa các quốc gia đang phát triển nhờ mức tăng trưởng ổn định và chỉ có một vài đợt sụt giảm kinh tế. Tuy nhiên, cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Manmohan Singh vào năm 2014, quốc gia này rơi vào tình trạng tỷ lệ tăng trưởng thấp và bùng nổ nạn tham nhũng, xóa bỏ đi nhiều thành tựu kinh tế đã được dày công gây dựng. Tình hình đã chuyển biến tốt đẹp hơn khi Thủ tướng Narendra Modi tiếp quản đất nước, người được cho là đã mở ra “thời kỳ vàng” cho kinh tế Ấn Độ.
Bất chấp mọi khó khăn và những dự báo xấu về nền kinh tế, Thủ tướng Modi không ngừng nỗ lực trong việc xoá bỏ nạn tham nhũng đang “hút máu” đất nước bằng những cơ chế minh bạch trong lĩnh vực bất động sản và tập trung vào trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính. Ông Modi cũng đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát và đã thành công trong việc đưa lạm phát xuống dưới mức 6%.
Đồng thời, tầm nhìn của Thủ tướng Modi về startup (công ty khởi nghiệp) cũng góp phần đưa Ấn Độ thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba trên thế giới. Từ vài trăm công ty khởi nghiệp vào năm 2014, cho tới nay, Ấn Độ đã có hơn 74.000 công ty khởi nghiệp và hơn 100 “kỳ lân”, những startup được định giá trên 1 tỷ USD.
Mục tiêu trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới
Phát biểu về cột mốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới của Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho biết quốc gia này đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào cuối năm 2029. Các nhà kinh tế cũng kỳ vọng quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ tiến lên vị trí thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030.
Shilan Shah, chuyên gia kinh tế cấp cao về Ấn Độ tại Capital Economics, cho biết: “Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới trong vòng một thập kỷ tới”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao, tiêu dùng trong nước yếu và nền kinh tế toàn cầu chậm lại có thể hạn chế tăng trưởng của Ấn Độ trong những quý tới, khiến mục tiêu trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới trở nên bớt khả thi.
Ông Uday Kotak, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Kotak Mahindra, cũng lên tiếng kêu gọi người dân nước này “thực tế”, khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Ấn Độ đang ở mức 2.500 USD, thấp hơn nhiều so với mức 47.000 USD của Anh.
Còn ông Bibek Debroy, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế của chính phủ Ấn Độ, thì cho rằng Ấn Độ, hiện được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập thấp, chỉ có thể trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đạt thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD vào năm 2047 nếu nước này cố gắng đạt được mức tăng trưởng bền vững từ 7 – 7,5%,
Mức tăng trưởng 13,5% đáng ngưỡng mộ trong quý II được ghi nhận trong thời kỳ nền kinh tế Ấn Độ đang phục hồi sau 2 năm đại dịch. Nhưng xét trên thực tế, đây là mức tăng trưởng kém so với dự đoán 16,2% của Ngân hàng trung ương Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty kinh tế cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm tài chính 2022 – 2023 xuống mức 6,8% - 7,2%, giảm từ mức dự báo trước đó là hơn 10%, khi kinh tế Ấn Độ trở về nhịp điệu bình thường sau giai đoạn phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các vấn đề tồn tại như chăm sóc sức khỏe kém (55 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh đói nghèo mỗi năm do chi phí y tế), giáo dục kém (thiếu hàng chục nghìn giáo viên tiểu học) và cơ sở hạ tầng yếu kém cũng đang tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Ấn Độ.
Sự phục hồi của Ấn Độ sau đại dịch Covid cũng đang diễn ra theo kiểu “hình chữ K”, tức người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo đi, so với sự thay đổi tổng thể và nhanh chóng “hình chữ V” của đất nước.
Dựa trên tốc độ phát triển kinh tế và tình hình xã hội hiện tại, các chuyên gia nhận định Ấn Độ cần tăng cường phân bổ lại hạ tầng xã hội và xóa bỏ bất bình đẳng thay vì chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, tránh để tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” làm ảnh hưởng tới mục tiêu trở thành nước phát triển và tiến tới vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu.
QUỲNH ANH
Theo Vietnamfinance.vn
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN