Kinh tế Mỹ bùng nổ hậu đại dịch, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất ?
Theo ước tính của Allianz và Euler Hermes, chỉ riêng gói kích thích của Mỹ cũng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,4% trong 2 năm tới, mức cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mexico.
Được hậu thuẫn bởi những gói kích thích khổng lồ của Chính phủ và chiến dịch triển khai vaccine nhanh chóng, kinh tế Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ. Làn sóng hồi phục còn lan tỏa sang cả những nước khác, làm bừng sáng triển vọng kinh tế của những quốc gia có liên hệ chặt chẽ với kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đà hồi phục sẽ không diễn ra đồng đều mà chia thành 2 cấp độ - điều sẽ khiến những khoảng cách trong kinh tế toàn cầu ngày càng mở rộng.
Trong khi các lệnh phong tỏa trong năm ngoái dường như đã tác động đồng đều tới các nền kinh tế, có những dấu hiệu sớm cho thấy quá trình thoát khỏi đại dịch không giống như vậy.
Các nước giàu có và những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đang tận hưởng những thành quả sớm từ các chiến dịch tiêm vaccine thành công và tăng trưởng quay trở lại. Ngược lại, những nước nghèo hơn đang nhìn thấy dòng vốn bị rút ra. Nhiều nước chưa thể tiếp cận vaccine và một số phải chịu đựng những làn sóng lây nhiễm mới – thứ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, ngành vốn đóng vai trò quan trọng đối với họ trong những năm gần đây.
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay, mạnh nhất kể từ năm 1984. Theo OECD, nếu dự báo đó trở thành hiện thực, thậm chí GDP Mỹ sẽ cao hơn cả dự báo được đưa ra ở thời điểm trước dịch. Không có nền kinh tế lớn nào, kể cả Trung Quốc, có thể làm được như vậy. Giới phân tích nhận định Mỹ sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Chương trình tiêm chủng vaccine của Mỹ - mà được triển khai với tốc độ nhanh hơn phần lớn châu Âu và châu Á – đã cho phép các hoạt động kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường sớm hơn. Tuy nhiên, quyết định theo đuổi những gói kích thích khổng lồ mới là thứ làm nên khác biệt. Rất ít nước giàu có khác mạnh tay chi tiền như Mỹ, trong khi những nước nghèo hơn không có đủ năng lực để làm như vậy.
Clayton Fletcher điều hành 1 safari và chỗ trú chân dành cho người đi săn ở miền Tây Nam Phi. Suốt năm ngoái, vì vắng bóng khách du lịch, anh kiếm sống bằng cách săn động vật và bán thịt lấy tiền. Anh phải vay tiền ngân hàng để có thể trả lương cho nhân viên. Tháng 2 vừa qua, anh đón đoàn khách quốc tế đầu tiên kể từ tháng 11/2019 nhưng kể từ đầu năm đến nay công ty đã phải hủy tổng cộng 16 đoàn khách từ Mỹ, Canada và châu Âu.
Một nền kinh tế Mỹ bùng nổ đang giúp nhiều nền kinh tế khác hồi phục, đặc biệt là những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ sang Mỹ. Việt Nam là 1 ví dụ. Theo ước tính của Allianz và Euler Hermes, chỉ riêng gói kích thích của Mỹ cũng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,4% trong 2 năm tới, mức cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mexico. Điều này giúp Việt Nam bù đắp những thiệt hại từ ngành du lịch.
Du khách ở sân bay quốc tế Cape Town, Nam Phi.
Ở Thái Lan, xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng 3%-5% trong năm nay, trong đó xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng 10 đến 11%, giúp bù đắp sự suy giảm nhẹ của các thị trường châu Âu và Trung Quốc.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Thái Lan, ngành công nghiệp ô tô của nước này (vốn lớn nhất Đông Nam Á) sẽ hồi phục và đạt doanh thu 22 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài trong năm nay, tức quay trở lại mức của năm 2019 sau khi sụt giảm 14% trong năm ngoái. Nhu cầu lốp xe của thị trường Mỹ là động lực chính giúp ô tô Thái Lan hồi phục.
NHTW châu Âu ước tính gói kích thích của Mỹ chỉ giúp tăng trưởng của khu vực eurozone tăng từ 4% lên 4,1% trong năm nay. Triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp, kinh tế châu Âu sẽ chìm trong suy thoái thêm vài tháng nữa – cảnh trái ngược với những gì diễn ra ở Mỹ và sẽ để lại những vết sẹo lâu dài trên thị trường lao động cũng như hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, việc kinh tế Mỹ nóng lên cũng gây ra rất nhiều áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang căng cứng. Brompton Bicycle là 1 nhà sản xuất xe đạp gập ở London. Ngay trong lúc đại dịch hoành hành, hãng vẫn tuyển dụng thêm nhiều công nhân và mở thêm dây chuyền sản xuất thứ ba. Tuy nhiên, Brompton vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu bùng nổ ở những thành phố lớn của Mỹ như New York, Chicago và San Francisco. Ngày càng khó kiếm linh kiện từ châu Á, và vận chuyển hàng hóa cũng là vấn đề gây đau đầu.
Ngay trong lúc đại dịch hoành hành, Brompton Bicyclevẫn tuyển dụng thêm nhiều công nhân và mở thêm dây chuyền sản xuất thứ ba.
"Nhu cầu đang tăng trưởng nhanh hơn so với lượng cung", Stephen Loftus, 1 lãnh đạo của Brompton nói. "Chúng tôi gặp phải rất nhiều rắc rối với cả những chuyện thường ngày". Dựa vào tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, trong tương lai gần tình hình sẽ không thể khá hơn.
Sự chênh lệch giàu nghèo sẽ càng lớn hơn nếu như làn sóng chi tiêu mới của các chính phủ đẩy lạm phát tăng vọt và buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất sớm hơn nhiều so với dự tính. Bởi vì đồng USD đóng vai trò quá lớn trong hoạt động tài chính và thương mại toàn cầu, chi phí đi vay ở nhiều nước sẽ đồng loạt tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hồi phục kinh tế.
Tham khảo Wall Street Journal
Theo Tổ Quốc - Chuyên trang Nhịp Sống Kinh Tế
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN