"Ngân hàng, hàng không, du lịch sẽ hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%"
Agriseco Reseacrh cho rằng ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa ban hành khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, nhóm dịch vụ hàng không, du lịch, sản xuất - xuất khẩu, công nghệ thông tin cũng được hưởng lợi.
Ngày 20/5/2022, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo nghị định trên.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
Nghị định này sẽ được thực hiện trong năm 2022 và 2023 hoặc có thể kết thúc sớm hơn khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm thông qua hình thức giảm trực tiếp số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ.
Đánh giá ảnh hưởng của chính sách này tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán (TTCK), trong báo cáo vừa công bố, Agriseco Research kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6,5% của Chính phủ. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý, việc doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng nguồn vốn sai mục đích có thể dẫn tới những hiệu ứng không mong muốn cho nền kinh tế.
Với TTCK, Agriseco Research kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực nhưng không quá mạnh mẽ do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều so với 2009.
Cụ thể, vốn hóa của TTCK cuối năm 2009 là 620 nghìn tỷ đồng, đạt 45% GDP trong khi vốn hóa TTCK tại thời điểm cuối năm 2021 đạt gần 5.800 nghìn tỷ đồng, đạt gần 93% GDP.
Đội ngũ phân tích cũng cho rằng đà tăng trưởng của thị trường sẽ xuất phát từ việc cải thiện kết quả kinh doanh và năng lực nội tại doanh nghiệp thay vì sự thúc đẩy từ dòng tiền đầu cơ.
Agriseco Reseacrh cho rằng ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đã tích cực đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch vừa qua.
Thêm vào đó, nhóm phân tích kỳ vọng sẽ có đợt nới room tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới cho các NHTM khi nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức được cấp đầu năm.
Bên cạnh ngân hàng, Agriseco Reseacrh nhận định các doanh nghiệp đầu ngành trong các ngành được hỗ trợ, đáng chú ý là: (1) Nhóm dịch vụ hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; (2) Nhóm ngành sản xuất - xuất khẩu, bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo; (3) Nhóm Công nghệ thông tin cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách này.
Theo nghị định được ban hành, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Cùng với đó, các khoản vay gia hạn nợ cũng sẽ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Do vậy, các doanh nghiệp đầu ngành sẽ có khả năng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ cao hơn do có sức chống chịu tốt hơn phần còn lại của ngành khi chịu ảnh hưởng từ dịch. Hơn nữa, đây sẽ là các doanh nghiệp được hưởng lợi kép từ: (i) việc phục hồi sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế đang dần trở về bình thường và (ii) gói hỗ trợ lãi suất 2% mới ban hành.
Nguồn: cafef.vn
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN