Nhu cầu vay vốn tăng mạnh, lãi suất huy động nhích lên
Bức tranh về hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế khả quan giúp nhu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng khởi sắc. Dù lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng Quý I/2022 do Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm cải thiện và nhu cầu vay vốn tăng cao.
Cụ thể, nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu vay vốn, thanh toán, gửi tiền) trong Quý I/2022 được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục xu hướng phục hồi và duy trì đà tăng kể từ quý cuối năm ngoái.
Trong đó, nhu cầu vay vốn cải thiện mạnh nhất, đây là tín hiệu tích cực, khác với xu thế chung của các năm 2018- 2021 khi khách hàng thường vay vốn tăng mạnh trong quý cuối năm và giảm tốc trở lại trong 3 quý đầu năm sau.
Du lịch khởi sắc, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ngành du lịch cũng gia tăng.
Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ trong Quý II và cả năm, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động. Theo ghi nhận, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 ở nhiều kỳ hạn.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong Quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Trong quý đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tính đến thời điểm 21-3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng kỳ chỉ tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng kỳ chỉ tăng 1,47%). Đây được đánh giá là con số khả quan.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý đầu năm cũng tăng trưởng trong xu hướng tích cực. Tín dụng tăng trưởng trở lại đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP HCM tăng 3,65% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế. Riêng một số ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Cụ thể: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021.
Các ngân hàng thương mại hiện tiếp tục triển khai hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các quy định về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp.
(Theo Báo Người Lao Động - www.nld.com.vn )
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN