Do vậy, không ít người chuyển đổi trạng thái từ khấp khởi mừng thầm sang bấm bụng thở dài khi có tin: “Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026)”.
Như vậy đồng nghĩa với việc người dân phải chờ đợi sự điều chỉnh tỉ lệ nộp thuế TNCN, tỉ lệ giảm trừ gia cảnh thêm gần 4 năm nữa. Trong khi hiện tại cách tính thuế TNCN đã bộc lộ rất nhiều bất cập khi so sánh với mặt bằng giá cả, tạo ra sự thiếu công bằng, làm giảm động lực phấn đấu của lớp lao động làm công ăn lương thuộc đối tượng phải nộp thuế.
Quan điểm của Chính phủ là “người dân là trên hết, trước hết”, nhưng đó nên là các chính sách làm cho dân giàu, nước mạnh chứ không phải việc người dân có thu nhập cao là phải nộp thuế “trên hết, trước hết”. Người dân phải nộp thuế chưa thấy mình “to”, được phục vụ như khách hàng lúc có việc ở các cơ quan nhà nước công quyền; mà chỉ có cảm giác bị “đè ra để nộp” khi biết các số liệu về thuế TNCN: “Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 11/2022 số thu thuế TNCN đã ước đạt 152.123 tỷ đồng, bằng 128,8% dự toán, bằng 130,1% so với cùng kỳ. Có thể thấy nguồn thu thuế TNCN luôn cao và vượt dự toán”.
Chuyên gia cho rằng, các khoản giảm trừ cần được điều chỉnh sát với thực tế - Ảnh minh họa: TN
Nhà nước vui, cơ quan thuế vui vì vượt dự toán, nguồn ngân sách dồi dào thì làm việc nào cũng dễ, nhưng người lao động thì không vui. Tiền gửi con, tiền học, quần áo, sách vở, ăn uống ngày một tăng, chất lượng cuộc sống lên cao, đồng nghĩa với chi phí gia tăng, trong khi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là hoàn toàn không phù hợp. Lương tối thiểu được điều chỉnh 09 lần trong 10 năm, trong khi cũng thời gian ấy, mức khấu trừ gia cảnh mới điều chỉnh có 01 lần.
Chưa kể muốn thu hút nhân tài nước ngoài thì phải có chính sách thuế phù hợp, người nước ngoài vốn thực dụng điều kiện sinh hoạt, hưởng thụ ở Việt Nam không cao mà phải nộp thuế TNCN cao thì họ sẽ chọn quốc gia khác. Đơn giản như một chuyên gia công nghệ người Nhật nếu phải nộp 35% thuế TNCN họ sẽ chọn làm việc ở Thái Lan hay Singapore để nộp thuế ít hơn sẽ chỉ tầm hơn 20%.
Ai nuôi con nhỏ ở các thành phố lớn đều hiểu rõ chi phí cho một em bé hàng tháng may mắn không có ốm đau cũng khó có thể dưới 5 triệu, nên chia mức giảm trừ gia cảnh theo vùng sinh sống cho phù hợp. Phải thu thuế làm sao để người dân không bất mãn, hăng say lao động làm giàu chính đáng, đóng góp cho xã hội hợp lý, tiền nộp thuế sẽ thành phúc lợi, đầu tư hạ tầng… quay lại phục vụ chính người dân chứ không có cảm giác người nai lưng làm việc nộp thuế cho người “ngồi mát ăn bát vàng”.
Cần nhanh chóng nghe theo nguyện vọng chính đáng hợp lý của người dân đẩy sớm quá trình điều chỉnh chính sách thuế TNCN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo… sung công quỹ phần tài sản ấy để ngân sách có nhiều nguồn hoạt động.
Qua mấy năm đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề như du lịch, bất động sản, chứng khoán… đang sa sút và khó khăn, giờ người dân lại vươn cao cổ ngỗng chờ đợi sự thay đổi điều chỉnh thuế TNCN thì sẽ mất đi động lực làm việc. Cái người dân mong và cần đó là sự điều chỉnh thay đổi ngay trong năm 2023 này. Việc “đốt lò” khó như vậy mà còn làm được, các phiên họp Quốc hội bất thường lại hay ra những quyết định phi thường hợp với “ý Đảng, lòng dân”, nhanh chóng ổn định đời sống, tâm lý của người dân, thay vì chùng chình rề rà để tận thu.
Những người nộp thuế TNCN phần lớn người thành đạt, hiểu biết, có trình độ cao. Sự bất mãn được khống chế tốt nhưng nếu “tức nước, vỡ bờ” thì những hành động của họ có sức lan toả và mức độ nguy hiểm hơn hẳn các thành phần khác trong xã hội. Nào các nhà chính sách “mùa xuân đến rồi đó”, “nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ”, ai lại hát bài “anh đứng bên cầu đợi… lương, lương vừa về đã lo trích nộp thuế” mãi thế.