Thị trường ngày 8/4: Giá khí đốt cao nhất 14 năm, than đá tăng vọt trong khi dầu giảm


Thị trường hàng hóa diễn biến rất thất thường trong phiên 7/4. Giá dầu tiếp tục lao dốc, sắt thép và cao su cũng giảm. Trái lại, giá than và khí đốt tăng mạnh do EU cấm nhập khẩu than Nga.

Dầu giảm do nghi ngờ về các lệnh trừng phạt dầu Nga

Giá dầu tiếp tục giảm do không biết chắc liệu khu vực đồng euro có thể trừng phạt một cách hiệu quả hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga hay không, và sau khi các quốc gia tiêu thụ thông báo giải phóng một lượng lớn dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp.

Giá dầu cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng việc phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi nhu cầu dầu.

Giá dầu Brent kết thúc phiên 7/4 giảm 49 cent, tương đương 0,5%, xuống 100,58 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 20 cent, tương đương 0,6%, xuống 96,03 USD/thùng. Phiên trước đó, cả hai loại đã giảm hơn 5% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, nói tại cuộc họp NATO rằng các biện pháp mới của EU, bao gồm lệnh cấm đối với than của Nga, có thể được thông qua vào thứ Năm hoặc thứ Sáu và khối sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ tiếp theo. Tuy nhiên, lệnh cấm than sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.

Vàng tăng do lạm phát cao và Ukraine đề nghị trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn

Giá vàng tăng do lo ngại về lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng Ukraine củng cố sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, lập trường chính sách tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạn chế đà tăng của giá vàng.

Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,5% lên 1.934,69 USD/ounce; vàng giao tháng 6 tăng 0,8% lên 1.937,80 USD.

Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: "Một khi lạm phát bắt đầu nóng trở lại, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có lợi cho vàng, ngay cả khi đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed".

Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách quan ngại sâu sắc hơn về việc lạm phát đã mở rộng khắp nền kinh tế, khiến nhiều thành viên của Fed ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản mỗi lần trong vài cuộc họp tới.

Lãi suất Mỹ tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi trong khi thúc đẩy đồng đô la.

Chỉ số Dollar index đầu phiên 7/4 tăng lên mức cao nhất gần 2 năm, nhưng cuối phiên giảm nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng duy trì ở gần mức cao nhất trong nhiều năm.

Ukraine đã tăng cường kêu gọi tăng cường trừng phạt tài chính đủ để buộc Moscow chấm dứt chiến tranh, trong khi các thành viên NATO đồng ý tăng cường hỗ trợ Kyiv.

Trong một động thái khác, Ngân hàng trung ương Nga hôm thứ Năm (7/4) cho biết do "điều kiện thị trường thay đổi đáng kể", họ sẽ mua vàng từ các ngân hàng thương mại với giá thương lượng từ ngày 8/4. Trước đó, ngày 25/3, ngân hàng này cho biết họ sẽ mua vàng với giá cố định là 5.000 rúp/gram cho đến ngày 30/6.

Nhôm thấp nhất 3 tuần do lo ngại về nhu cầu

Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần do lo ngại rằng việc phong tỏa rộng và kéo dài ở Trung Quốc và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu kim loại.

Nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London đã giảm 1,4% xuống còn 3.393 USD lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/3.

Chuyên gia tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: "Có rất nhiều khó khăn đối với thị trường kim loại. Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đang gây rắc rối và biên bản của Fed cho thấy họ khá quyết liệt trong việc siết chặt tiền tệ, và đồng USD đã phản ứng với điều đó".

Đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương Mỹ tăng trong phiên vừa qua do sản lượng đậu tương ở khu vực Nam Mỹ bị ảnh hưởng, trong khi doanh số xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ không ổn định.

Giá lúa mì và ngô dao động trong phiên này trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra báo cáo về cung - cầu toàn cầu hàng tháng, vào thứ Sáu (8/4), dự kiến sẽ phản ánh tác động tiềm tàng của cuộc chiến ở Ukraine và xu hướng trồng trọt ở Mỹ.

Hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất đã tăng giá thêm 26 US cent lên 16,45-1/2 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 5 tăng thêm 1-1/4 US cent lên 7,57-3/4 USD/bushel, trong khi ngô vụ mới (giao tháng 12) tăng 4-1/4 US cent lên 7,09 USD. Giá lúa mì phiên này giảm 15-1/2 cent xuống 10,25-1/4 USD/bushel.

Đường cao nhất 4,5 tháng

Giá đường thô kỳ hạn tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi do ảnh hưởng từ xu hướng chung của thị trường năng lượng và vụ thu hoạch ở Brazil diễn ra chậm chạp.

Giá đường thô trên sàn New York tăng 0,25%, tương đương 1,3%, lên 19,84 cent/lb vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trong phiên có lúc leo lên mức cao 20,04 cent.

Các đại lý cho biết giá năng lượng tăng là yếu tố chính hỗ trợ giá đường, bởi việc giá ethanol ở Brazil cao như hiện nay có thể dẫn đến việc các nhà máy sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất nhiên liệu sinh học, và hạn chế sản lượng đường.

Giá đường trắng giao tháng 5 phiên này cũng tăng 3,10 USD, hay 0,6%, lên 548,70 USD/tấn.

Cà phê giảm

Giá cà phê robusta giao tháng 7 giảm 24 USD, tương đương 1,1%, xuống 2.066 USD/tấn, mức thấp nhất trong ba tuần.

Việt Nam đã xuất khẩu 581.693 tấn cà phê trong quý I, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê arabica giao tháng 5 giảm 1,45%, tương đương 0,6%, ở mức 2,2615 USD/lb.

Khí đốt cao nhất hơn 14 năm

Giá khí đốt Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu trên toàn cầu cao kỷ lục đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Các nhà giao dịch cũng lưu ý rằng lượng hàng xuất ra từ các kho dự trữ lớn hơn dự kiến, trong khi số liệu sơ bộ cho thấy sản lượng sụt giảm, và dự báo về nhu cầu nhiều ở Mỹ trong hai tuần tới sẽ cao hơn so với những dự đoán trước đây.

Hợp đồng khí đốt Mỹ giao tháng 5 phiên vừa qua tăng 33,0 cent, tương đương 5,5%, lên mức 6,359 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12 năm 2008.

Cao su giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá ở Thượng Hải, giữa bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm nay sẽ tăng trưởng chậm lại.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 6,3 yên, tương đương 2,4%, xuống 260,6 yên (2,11 USD)/kg, mức giảm hàng ngày nhiều nhất kể từ ngày 8 tháng 3.

Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 9 giảm 340 nhân dân tệ xuống 13.555 nhân dân tệ (2.131,46 USD)/tấn lúc đóng cửa. Đầu phiên, hợp đồng này thậm chí giảm 2,7%, đánh dấu mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ ngày 22 tháng 10.

Sắt thép giảm

Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên vừa qua có lúc giảm tới 3,9% xuống 892 nhân dân tệ/tấn, đảo ngược xu hướng tăng hơn 4% ở phiên liền trước phiên trước. Kết thúc phiên, giá quặng sắt vẫn giảm 3% xuống 900 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt giảm kéo giá thép giảm theo, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép ở Trung Quốc vẫn chậm chạp vì làn sóng Covid-19 mới diễn biến phức tạp.

Giá thép thanh vằn giao tháng 10 giảm 1,2% xuống 5.070 nhân dân tệ (797,16 USD)/tấn vào lúc đóng cửa.

Thép cuộn cán nóng, giảm 1% xuống 5.228 nhân dân tệ/tấn, thép không gỉ cũng giảm 0,8% xuống 20.365 nhân dân tệ/tấn.

Than tăng mạnh

Giá than giao sau ở Newcastle – tham chiếu cho khu vực tiêu thụ than hàng đầu châu Á, tăng trở lại mức 285 USD/tấn trong phiên vừa qua, sau khi giảm xuống dưới 260 USD/tấn vào cuối tháng Ba, sau khi Ủy ban châu Âu thông báo lệnh cấm nhập khẩu than của Nga.

Giá than kỳ hạn tương lai tại châu Âu phiên này đã tăng vượt 300 USD/tấn. Theo đó, giá than API2 tại Rotterdam – tham chiếu cho thị trường than châu Âu – tăng 4,5% trong ngày thứ Tư (6/4) so với phiên liền trước, lên 303 USD/tấn, sau khi đã tăng vọt 12,5% trong ngày 5/4. Giá than kỳ hạn tháng 5 và 6/2022 lần lượt đạt 325 USD/tấn và 323 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 8/4:

Thị trường ngày 8/4: Giá khí đốt cao nhất 14 năm, than đá tăng vọt trong khi dầu giảm - Ảnh 1.
 
(Theo Trí Thức Trẻ)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN