Với lợi thế, tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu, Sơn La và Ðiện Biên đã và đang tập trung triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với quyết tâm vươn lên trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Ðể thực hiện được mục tiêu, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, quỹ đất, cơ chế thì công tác thu hút các nhà đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản đang được các tỉnh thúc đẩy.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên lớn thứ 3 cả nước và đứng đầu khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, trong đó, gần 30% diện tích đất nông nghiệp có độ phì nhiêu cao, có hai cao nguyên là Mộc Châu và Nà Sản và có 40.000 ha vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều thích hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là cây ăn quả, cây công nghiệp. Từ những năm 1958 nhiều nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành và phát triển mạnh, trong đó có nông trường Mộc Châu phát triển và thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa, sản xuất các sản phẩm từ sữa; nông trường Tô Hiệu (huyện Mai Sơn) trồng chè, mía đường, ngô... Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp của các nông, lâm trường đã lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin: Ðể thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Ðảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phấn đấu thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với hơn 50% cơ sở chế biến nông sản hiện có. Hình thành tại mỗi huyện, thành phố ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu.
Cũng như Sơn La, tỉnh Ðiện Biên có đất rộng, lợi thế về tài nguyên, khoáng sản, thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, thủy văn... là những điều kiện thuận lợi để phát triển vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, chuyên canh lúa gạo, khai khoáng, thủy điện... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Lò Văn Tiến chia sẻ: Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tỉnh Ðiện Biên đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, bao gồm: trục kinh tế động lực quốc lộ 279, trục kinh tế sinh thái sông Ðà và trục kinh tế Nậm Pồ-Mường Nhé. Việc quy hoạch vùng đã giúp Ðiện Biên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, phát triển hiệu quả các loại cây trồng như mắc-ca, cà-phê, cao-su, cam, chanh leo, xoài...
Thực hiện Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh khóa 14, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành 2 kế hoạch, 4 đề án. Ðó là kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kế hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới; đề án phát triển chăn nuôi, đề án phát triển cây ăn quả, đề án phát triển lâm nghiệp và đề án phát triển sản phẩm OCOP. Việc triển khai phê duyệt các đề án sẽ là định hướng hết sức cơ bản cho Ðiện Biên trong việc thu hút đầu tư, phát triển nông, lâm nghiệp trong 5 năm tới, nhất là công nghiệp chế biến nông sản.
Tại tỉnh Sơn La, để tạo bước đột phá cho nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành năm nghị quyết, kết luận, thông báo về các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp và chế biến nông sản. HÐND tỉnh Sơn La ban hành 3 nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Với chủ trương đúng, trúng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tỉnh Sơn La và Ðiện Biên đã cải tạo, trồng mới hàng trăm nghìn héc-ta cây ăn quả, góp phần đưa các tỉnh Tây Bắc vươn lên trở thành vựa trái cây của cả nước. Trong đó, một số vùng nguyên liệu nông sản của các tỉnh này đã vươn lên đứng tốp đầu cả nước về sản lượng và chất lượng như các vùng trồng nhãn, mận, xoài, cà-phê Arabica, sắn, mía, chè búp tươi...
Công nhân Công ty cà-phê Việt Bắc, tỉnh Ðiện Biên sơ chế cà-phê tại nhà máy.
Điểm nhấn vùng Tây Bắc
Trên địa bàn tỉnh Sơn La và Ðiện Biên đã có nhiều cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu chè, đường, tinh bột sắn, sữa, tơ tằm, sơ chế, chế biến chanh leo, chế biến cao-su, chế biến rau, quả và các cơ sở chế biến cà-phê nhân... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Sơn La và Ðiện Biên cơ bản được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như sữa, cà-phê, mía đường, gạo, chè, sắn và 30% sản phẩm quả tươi. Ðơn cử như ở Sơn La có hơn 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu các sản phẩm: chè, đường, tinh bột sắn, cà-phê nhân, chanh leo…
Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Mai Sơn. Ðể tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình sơ chế, chế biến các sản phẩm quả để tăng thời gian dự trữ, bảo quản, tăng giá trị sản phẩm và giảm áp lực cho tiêu thụ quả tươi.
Chia sẻ thêm về cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: UBND tỉnh Ðiện Biên đã có chính sách hỗ trợ bao bì, nhãn mác, kinh phí làm nhà xưởng. Khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng chi phí mua bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm; đồng thời được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị bảo quản, chế biến sản phẩm nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án...
Tại các tỉnh Sơn La và Ðiện Biên, thực hiện Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh về tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện của hai tỉnh đã chủ động tham mưu tổ chức tốt các hội nghị kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào địa bàn, góp phần tạo nên những điểm nhấn trong phát triển công nghiệp chế biến của vùng Tây Bắc. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Phi Sông cho biết: Bằng việc ban hành nhiều cơ chế, thực hiện các giải pháp đồng bộ, môi trường kinh doanh của tỉnh Ðiện Biên tiếp tục có sự cải thiện tích cực. Giai đoạn 2016-2020, Ðiện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, Ðiện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án, trong đó có nhiều dự án nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và đã có 6 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương Sơn La Nguyễn Ðình Phong cho biết: Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 6 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh trong năm 2022 với 11 nhiệm vụ trọng tâm, và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, huyện, thành phố tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gắn với phương án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Việc hai địa phương Sơn La và Ðiện Biên triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản trong thời gian qua đã và đang phát huy thế mạnh nổi bật của vùng Tây Bắc, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp chế biến được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá, nhằm đưa các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc, đồng thời đưa nông nghiệp các tỉnh vùng Tây Bắc phát triển theo đúng định hướng quy mô lớn, công nghệ cao.
(Theo nhandan.vn)