4 từ khóa cho thương mại điện tử thời đại dịch


Nâng cao tầm nhìn, tăng cường hiểu biết, can đảm để vượt qua khó khăn và xây dựng khả năng thích ứng linh hoạt là những từ khoá quan trọng để các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử nắm bắt cơ hội trong bối cảnh đại dịch.

Ngành thương mại điện tử có nhiều cơ hội trong bối cảnh đại dịch

Trong khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa số ngành nghề thì lại mang tới nhiều cơ hội cho thương mại điện tử. Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng trực tiếp vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua các kênh trực tuyến.

Năm 2020, Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), ngành thương mại điện tử tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, đạt gần 18% và quy mô thị trường đạt 11,8 tỉ USD. Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy, người dân mua sắm trực tuyến nhiều hơn, sản lượng chuyển phát tăng 47%. Thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Napas tăng 185% so với năm 2019 về số lượng giao dịch và 200% về giá trị.

Các ví điện tử cũng tăng trưởng đáng kể, như Momo đã tăng lên 23 triệu người dùng, gấp hai lần năm 2019. Xu hướng các doanh nghiệp đưa các sản phẩm dịch vụ lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng. Năm 2021, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục bị tác động mạnh mẽ của dịch bệnh. Trong khi các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh truyền thống đã gặp nhiều khó khăn hơn năm 2020.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi số của người dùng. Với dân số trẻ có nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao, thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các trên các nền tảng sàn sẵn có phổ biến. Những hình thức bán hàng trực tuyến của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom)

Theo nghiên cứu của Wearesocial & Hootsuite, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đầu năm 2021 lên đến gần 70 triệu người, hầu hết đều sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh. Đây là tiền đề quan trọng cho thương mại điện tử, thương mại di động, thanh toán điện tử. Các dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu mới trong ngành này cũng xuất hiện như đi chợ hộ, đưa nông sản lên sàn,…

4 từ khoá cho thương mại điện tử

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt trong và sau bối cảnh đại dịch là một chiến lược quan trọng khi điều kiện kinh doanh vô cùng biến động. Vì vậy, cần có cách tiếp cận khoa học và phù hợp với thực tiễn. Ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động thương mại điện tử và chuyển đổi số, chuyển dịch sang mô hình kinh doanh số.

Đại diện Vecom gợi ý một mô hình thích ứng chiến lược VUCA.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao tầm nhìn (Vision) trong điều kiện phức tạp, tập trung vào giá trị khách hàng và gắn kết khách hàng.

Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc thị trường mới, phân khúc mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh thương mại điện tử để có tầm nhìn xa hơn về thị trường. Việc tập trung các nguồn lực để thâm nhập vào thị trường số, uốn nắn hoạt động thương mại điện tử khi thị trường còn mới theo hướng tạo giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng cũng rất quan trọng.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian để học tập nâng cao tri thức kinh doanh, tăng cường hiểu biết (Understanding). Nỗ lực để đồng cảm, chấp nhận những quan điểm khác nhau và cố gắng phối hợp để làm việc cùng nhau sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp cần tạo môi trường nội bộ khuyến khích sự phong phú của các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ những ý tưởng vẫn đang hình thành, học tập hiệu quả từ các nguyên mẫu. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước tiên phải thực sự hiểu được điểm mạnh và điểm yếu tiềm năng của tổ chức để chọn ra những chiến lược tốt nhất phù hợp với lợi thế của mình. Kiên trì thử nghiệm các mô hình kinh doanh số cho đến khi vào được thị trường.

Không kém phần quan trọng, doanh nghiệp cần nắm vững hệ thống pháp luật trong thương mại điện tử như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định Thương mại điện tử để kịp thời cập nhật những thay đổi quan trọng, nhằm quản lý hiệu quả hơn.

Thứ ba, lãnh đạo doanh nghiệp cần sự can đảm (Courage) để đối diện với những thử thách và dám đưa ra các quyết định táo bạo, đầy rủi ro, thậm chí kết cục có thể là thất bại.

Trong đó, cần định hướng truyền thông nội bộ nhằm truyền đạt quyết tâm và ý chí của doanh nghiệp đến mọi thành viên. Lãnh đạo cần động viên và củng cố tinh thần làm việc cho toàn doanh nghiệp để đoàn kết trở nên kiên cường và can đảm để quyết tâm thực hiện các mục tiêu mang giá trị đến cho khách hàng và xã hội, trở thành doanh nghiệp có ích cho cộng đồng và được khách hàng tin tưởng.

Ông Minh cho rằng, doanh nghiệp cần hỗ trợ các hoạt động đổi mới, sáng tạo tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển thương mại điện tử, mạnh dạn hợp tác các đối thủ cạnh tranh, gọi vốn đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, nhất là thương mại điện tử tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử có chất lượng, có tinh thần; tích cực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực theo yêu cầu và đẩy mạnh hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có từ trong doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần có khả năng thích ứng linh hoạt (Adaptability/Agility) với môi trường kinh doanh thay đổi liên tục. Cần chấp nhận sự thay đổi luôn xảy ra và không thể cưỡng lại để mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể chấp nhận làm việc tại nhà, hoặc sống tại nhà máy và tương tác ảo trong công việc và cuộc sống như một giải pháp sẵn sàng, không chỉ vài tháng mà có thể nhiều năm.

Doanh nghiệp cần xây dựng một số chính sách nhất quán tập trung vào cung cấp giá trị khách hàng nhằm ứng phó với tình huống kinh doanh liên tục thay đổi; tạo môi trường thuận lợi để người dùng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch thương mại điện tử trong mọi lĩnh vực của công việc và cuộc sống.

Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội tốt để nhân viên và doanh nghiệp tích cực hợp tác, cùng tham gia chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cần tạo môi trường thuận lợi để khách hàng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch thương mại điện tử. Các doanh nghiệp phải dần quen và muốn tiếp tục tận dụng các hệ thống đa kênh hay hợp kênh tạo nên sự kết hợp rất tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên tận dụng nguồn lực sẵn có của các sàn thương mại điện tử hiện nay để tiếp cận khách hàng; định hướng cung ứng sản phẩm có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sử dụng các công cụ marketing số một cách bài bản có sự phối hợp, khai thác cáng công cụ mới đang có hiệu quả cao như video ngắn, livestream, lan tỏa thông qua các mạng xã hội.

Ông Minh nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để bứt phá nếu thích ứng kịp thời với môi trường kinh doanh mới. Sau đại dịch chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử tiếp tục có cơ hội phát triển.

Các doanh nghiệp cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng thương hiệu, cải tiến quy trình kinh doanh, thực hiện các giao dịch có trách nhiệm và chăm sóc khách hàng chu đáo. Cùng với thái độ tích cực với xã hội trong giai đoạn dịch bệnh sẽ nhận được sự ủng hộ của người dùng. 

 

(Theo theleader.vn) 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN