Bài học cho doanh nghiệp Việt: Cẩn trọng trong giao dịch quốc tế
Bên cạnh sự vào cuộc kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều khuyến cáo trong việc cẩn trọng trước mọi giao dịch để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Sau vụ việc hàng loạt doanh nghiệp ngành điều bị lừa ở thị trường Italy, Bộ Công thương cũng như Thương vụ Việt Nam tại các thị trường đã liên tục đưa ra cảnh báo về những hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức và rất khó lường.
Thế nhưng, với tâm lý chủ quan, bất cẩn mà không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục rơi vào vòng xoáy của những vụ lừa tầm cỡ quốc tế.
Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều khuyến cáo trong việc cẩn trọng trước mọi giao dịch để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Muôn vạn kiểu lừa
Tháng 3 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã cảnh báo khẩn về việc doanh nghiệp tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên Công ty KN Universe Plastic.
Đây là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Một doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho biết đối tượng trên thông báo có người nhà bị Covid sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán.
Mới đây nhất, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn "cầu cứu" đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam về việc đối tác ở Sri Lanka lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD.
Đối tác tại Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT. Theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100%; nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ.
Theo doanh nghiệp này, sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện (T/T).
Đối tác lấy lý do lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để phía Việt Nam gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại.
Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp Việt Nam gửi 1/3 vận đơn gốc của cả 2 lô hàng thì đối tác đã nhận hàng và biến mất.
Mới đây, các chuyên gia thương mại cũng đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch kinh doanh tại Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung vẫn thường diễn ra tương đối đa dạng như lừa đảo trong đấu thầu hay xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các chuyên gia thương mại cho biết: Đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam; thực hiện giao dịch từ 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng.
Thế nhưng, từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán có độ rủi ro nhất định như T/T, D/A, D/P. Bởi vậy, việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác là cần thiết để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C).
Trước thực tế trên, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến cáo các trường hợp thanh toán theo hình thức đặt cọc, doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30-50% giá trị đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Đặc biệt, doanh nghiệp không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị như phí môi giới, phí luật sư...
Riêng với hoạt động nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín để đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu.
Chia sẻ thêm về thị trường này, bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho hay, bên cạnh thị trường 200 triệu người tiêu dùng của Nigeria, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà Nigeria là thành viên khi các quy định, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu giữa thị trường các nước khá tương đồng.
Thế nhưng, để an toàn trong tìm kiếm khách hàng tại Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo nên liên hệ với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại thị trường khu vực này.
Mặt khác, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp, đoàn nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các hiệp hội tổ chức hoặc qua đối tác quen biết giới thiệu.
Thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, nạn lừa đảo quốc tế trước đây thường xảy ra ở khu vực châu Phi phổ biến như Nigeria, Algeria, Maroc, Cameroon... nhưng vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Canada, UAE...
Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên.
Hệ luỵ của sự dễ dãi
Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa đảo ở nước ngoài trong thời gian gần đây, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề đối với kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam lẫn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác gặp khó khăn, thậm chí là kiệt quệ. Bối cảnh này góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại không lành mạnh.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, trước áp lực phục hồi, cải thiện doanh số sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm và hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin hoặc chủ quan, hỗ trợ khách hàng sai trình tự thủ tục nên vô tình tiếp tay cho những khách hàng "xấu," dẫn đến những rủi ro về tín dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.
Thực tế cho thấy, những vụ lừa đảo từ các đối tác nhập khẩu đã được cảnh báo rất nhiều. Nếu như trước năm 2020, những đối tác "ảo" lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi thì vài năm trở lại đây đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông...
Giới chuyên gia cho rằng chính sự cả tin, dễ dãi, chủ quan trong phương thức thanh toán khiến cho các doanh nghiệp Việt là bên bán cuối cùng chịu cảnh "tiền mất tật mang" khi giao hàng nhưng bên mua không trả tiền.
Do đó, qua những vụ việc lừa đảo từ các đối tác "ảo", bài học cần rút ra cho các doanh nghiệp Việt trong lúc này trong hoạt động xuất khẩu là không thể tiếp tục dễ dãi mà phải cần thẩm định kỹ các thông tin về phía đối tác ngoại, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có sự chuyên nghiệp về mặt pháp lý trong thỏa thuận hợp đồng xuất khẩu và chọn cho mình phương thức giao dịch thanh toán ít rủi ro hơn dù có thể tốn chi phí nhiều hơn.
Sau vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân là do phương thức thanh toán. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc ký hợp đồng, hình thức thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P) là phương thức quốc tế; vấn đề là áp dụng cho khách hàng nào, thực hiện ra sao.
Thương vụ Việt Nam tại Italia làm việc với cảnh sát tài chính tại La Spezia.
Do đó, cần yêu cầu đối tác đặt cọc 10-30% giá trị hợp đồng. Khi có tiền chuyển đặt cọc, doanh nghiệp mới bắt đầu tiến hành sản xuất, thu gom sản phẩm.
Có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng lừa đảo ngoại thương mới xảy ra mà đã diễn ra ở khắp các nước trên thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, bài học rút ra, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán; cần xác minh tìm hiểu đối tác kinh doanh.
Bởi vậy, nếu không đủ điều kiện thuê tư vấn, 2-3 doanh nghiệp có thể tập hợp lại, thuê chung 1 tư vấn cho quá trình kết nối, đàm phán, giao dịch và thực hiện hợp đồng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV, khuyến cáo: cần phải tìm hiểu kỹ để biết rõ về đối tác bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có thể thông qua các cơ quan ngoại giao. Đối với khách hàng mới, thực hiện các hợp đồng nhỏ trước khi tiến hành các giao dịch lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán có độ an toàn cao như L/C mà không nên sử dụng phương thức thanh toán có độ rủi ro cao như D/P.
Để giảm thiểu bớt rủi ro trong giao dịch, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo, bài học đầu tiên, các doanh nghiệp của chúng ta phải hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã có một vài lần ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh đó.
Đặc biệt, việc xác minh có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn, tùy từng các thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên dành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng để nắm vững và hiểu rõ được các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng nhằm giảm thiểu những rủi ro trong giao dịch với bạn hàng nước ngoài
(Theo nhandan.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN