Bí quyết thành công trong lĩnh vực y tế
Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tận dụng lợi ích từ xu thế này không đơn giản
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch.
Giữa phông nền ảm đạm của nền kinh tế, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang đứng trước cơ hội phát triển khi nhận được sự chú trọng của người tiêu dùng. Theo khảo sát của GlobeScan về những mối quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu, tiêu chí về sức khỏe xếp vị trí số 1, vượt qua các những tiêu chí về môi trường, khí hậu.
Chỉ tính riêng quý III/2020, đã có khoảng 6,6 tỷ USD được rót vào các dự án khởi nghiệp về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, vượt qua cả con số 4,5 tỷ USD vào quý I để trở thành mức đầu tư cao nhất vào ngành kể từ năm 2010. Các dự án khởi nghiệp y tế tập trung ở dịch vụ chẩn đoán bệnh từ xa, quản lý dữ liệu, hồ sơ bệnh án và mua bán sản phẩm, dịch vụ y tế.
Các bệnh viện tư nhân cũng là xu hướng đầu tư mới trong khoảng 2 năm trở lại đây, với quy mô lớn, chú trọng phát triển trang thiết bị cũng như chất lượng dịch vụ, trở thành sự lựa chọn được nhóm tiêu dùng trung lưu ưa thích.
Tại Việt Nam, nhiều startup về sức khỏe như eDoctor, Doctor Anywhere cũng tạo được tiếng vang lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đầu tư vào bán lẻ và sản xuất vật tư, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào y tế.
Dự báo, ngành y tế, chăm sóc sức khỏe vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, kể cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc, đặc biệt tại những quốc gia năng động như Việt Nam, Ấn Độ.
Miếng bánh y tế và chăm sóc sức khỏe trở nên béo bở, tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường này ngày càng thể hiện mức độ cạnh tranh khốc liệt và không phải ai cũng có thể thành công. Bên cạnh sự tham gia của những ông lớn có tiềm lực hùng hậu, ngành dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe còn phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi những biến động về kinh tế, chính sách an sinh xã hội cũng như các tiêu chuẩn đặt ra bởi nhà nước.
GS.TS Eric Bouteiller, giảng viên Trường Kinh doanh quốc tế Châu Âu – Trung Quốc (CEIBS) nhận xét, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bị chi phối bởi nhiều yếu tố, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người.
Thực hiện khảo sát về các nhà lãnh đạo thành công trong lĩnh vực dịch vụ y tế tư nhân, ông Bouteiller đưa ra 4 yếu tố cần có thể doanh nghiệp có thể chớp lấy cơ hội phát triển.
Đầu tiên, sự am hiểu về khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ, bộ mặt ngành y tế cũng đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, đặt ra yêu cầu cho nhà lãnh đạo cần có kiến thức nhất định về công nghệ để hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ được triển khai kịp thời và hiệu quả.
Tốc độ chuyển đổi số ngày càng nhanh dưới tác động của đại dịch Covid-19. Dù các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh cãi về tính khả thi và hiệu quả của việc số hóa công tác khám chữa bệnh hay phân phối vật tư y học, doanh nghiệp vẫn cần phải nắm vững những thông tin, kiến thức liên quan để nhanh chóng thực hiện những thay đổi cần thiết và theo kịp thời đại.
GS.TS Eric Bouteiller, giảng viên Trường Kinh doanh quốc tế Châu Âu – Trung Quốc (CEIBS).
Thứ hai, khả năng quản lý sự “phức tạp và thiếu chắc chắn”. Ông Bouteiller lý giải, ngành chăm sóc sức khỏe liên quan đến những vấn đề chuyên môn phức tạp như khoa học, công nghệ hay cách thức điều phối các sản phẩm và dịch vụ. Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe có thể thay đổi nhanh chóng trước những tác động bên ngoài, ví dụ như dịch Covid-19.
Thứ ba, khả năng suy nghĩ và kết luận nhanh chóng. Năm 2020, thị trường y tế chứng kiến những bước chuyển biến chóng mặt, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ số vào khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế hay khám chữa bệnh, kiểm soát hồ sơ bệnh án trực tuyến đã giúp nhiều doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ.
Các chuyên gia nhận xét, thế giới sẽ tiếp tục biến đổi một cách khó lường và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bởi liên quan trực tiếp tới con người cũng sẽ là một trong những ngành nghề yêu cầu sự linh hoạt để thích ứng.
Tham gia vào khảo sát của CEIBS, một giám đốc điều hành hệ thống chăm sóc sức khỏe bình luận về khả năng ứng biến: “Tôi không thể điều chỉnh hướng gió, nhưng có thể thay đổi được cánh buồm”. Việc nhanh chóng “điều chỉnh cánh buồm” sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi việc đi lệch hướng và lợi dụng sức gió để gặt hái được thành công,
Cuối cùng, duy trì đạo đức trong điều hành doanh nghiệp. GS. Bouteiller bình luận, trong một xã hội ngày càng minh bạch, những thủ đoạn, chiêu trò trong kinh doanh không thể đem lại sự phát triển lâu dài, đặc biệt là lĩnh vực tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Chuyên gia của CEIBS nhắn nhủ, thế giới đang bước vào thời đại mới, với những nhu cầu mới, thách thức mới. Các doanh nghiệp tham gia vào cung ứng một trong những dịch vụ thiết yếu nhất là y tế, nếu phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng của tiến bộ và đạo đức sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy thế giới đạt được những mục tiêu của sự bền vững,.
(Theo Theleader.vn)
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN