CEO công ty được định giá 28 tỷ đô định nghĩa về làm giàu: "Chúng tôi không hề có ý định muốn kiếm tiền, chúng tôi chỉ muốn thay đổi thế giới”


Niềm an ủi lớn nhất mà cuộc sống dành cho một người đó là, chỉ cần bạn nỗ lực, bạn sẽ có được những thành quả bất ngờ.

Năm 2013, Ali Ghodsi và nhóm của anh, những người đến từ Berkeley, Mỹ, ban đầu không quan tâm đến việc khởi nghiệp, cũng như chẳng có hứng thú với việc sử dụng công nghệ để kiếm tiền.

8 năm sau, công ty mà họ thành lập, Databricks đã được định giá lên tới 28 tỷ đô la Mỹ. Ít nhất ba thành viên trong nhóm đã trở thành tỷ phú.

01

Đối với rất nhiều người thành công mà nói, mục đích ban đầu của họ thường không phải là vì kiếm tiền, mà là theo đuổi thứ ngoài tiền bạc. Tiền bạc, chỉ là một chiến lợi phẩm trên con đường bước tới thành công của họ.

Ghodsi và đoàn đội của anh cũng vậy. Anh từng nói: "Chúng tôi chỉ muốn thay đổi thế giới."

Anh sở dĩ có suy nghĩ như vậy, có lẽ liên quan tới nửa đời trước của mình.

Năm 1984, vì chiến tranh, Ghodsi khi đó mới 5 tuổi đã phải cùng gia đình rời quê hương Iran chạy sang Thụy Điển.

Vốn dĩ cũng thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng vì chiến tranh nên cũng chẳng có mấy tài sản tích lũy gì. Tới Thụy Điển, môi trường tuy an ổn, nhưng sống cũng không gọi là quá đầy đủ. Cả gia đình chỉ có thể di chuyển trong các ký túc xá sinh viên giá rẻ, vậy nhưng cứ sau vài tháng khi chủ nhà phát hiện không phải sinh viên sống trong căn hộ mà là cả gia đình, họ sẽ bị đuổi ra ngoài. Đôi khi, gia đình họ cũng phải chịu đựng một số nhận xét xúc phạm, chẳng hạn như "svartskalle" - đây là một thuật ngữ xúc phạm những người nhập cư da màu.

Thời điểm đó, Ghodsi không được nhận nhiều quà tặng. Có một lần, ba mẹ mua về một chiếc máy tính cũ, cũng kể từ đó, tài năng công nghệ kĩ thuật của anh bắt đầu được bộc lộ.

Với chiếc máy tính này, anh học được cách làm sao để viết ra được trò chơi, bắt đầu tiếp xúc với lập trình máy tính. Năm 2006, anh nhận bằng Tiến sĩ khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển.

3 năm sau, Ghodsi đến Hoa Kỳ để trải nghiệm thăm quan học thuật, điều này đã mở ra một chương mới trong cuộc đời anh.

Doanh nhân Ali Ghodsi

02

Ghodsi là một người có tài năng, vì vậy mà việc ở lại nước Mỹ với anh không phải điều gì khó khăn.

Tại Berkeley, anh bắt đầu hợp tác với những người khác trong dự án Spark, nhằm mục đích xây dựng một công cụ phần mềm để xử lý dữ liệu.

Năm 2013, Ghodsi đã góp sức thành lập Databricks với tư cách là một kỹ sư bán thời gian. Năm đó, anh đã 34 tuổi.

Điều thú vị là ở chỗ, bạn đầu, anh chỉ đơn giản là muốn giúp đỡ, nhưng sau đó phát hiện ra thời gian ở đây càng ngày càng nhiều, vì vậy đã quyết định bắt đầu quản lý Databricks.

Ghodsi không chỉ là thiên tài kĩ thuật, mà còn là một nhà quản lý tài năng. Sau khi phụ trách công ty, anh bắt đầu tuyển dụng các giám đốc điều hành có kinh nghiệm, mở rộng đội ngũ bán hàng và tạo ra các tính năng độc quyền của Spark.

Sau một loạt những cải cách tiến bộ, công ty phát triển nhanh chóng.

Năm 2016, công ty đạt doanh thu 12 triệu đô la Mỹ. Là công ty tiên phong trong việc chuyển đổi trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, công ty cũng đã thu hút đầu tư từ những gã khổng lồ điện toán đám mây như Amazon, Microsoft và Google.

Năm 2020, doanh thu của công ty đạt khoảng 275 triệu đô la Mỹ. Theo dự báo của "Forbes", số liệu này dự kiến sẽ vượt 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2021.

Rõ ràng, ngành công nghiệp đang rất lạc quan về tương lai của Databricks.

03 

Sau gần 10 năm phát triển, Databricks giờ đây đã trở thành một công ty kỳ lân về dữ liệu AI nổi tiếng thế giới.

Theo đó, hiện có hơn 5.000 tổ chức, bao gồm cả Shell và HSBC, dựa vào Databricks để triển khai học máy và phân tích nghiệp vụ kỹ thuật dữ liệu quy mô lớn, khoa học dữ liệu hợp tác, quản lý dòng đời sản phẩm.

Tính cả Ghodsi, có 7 nhà đồng sáng lập Databricks.

Mức định giá cao của công ty đã tạo ra ít nhất 3 tỷ phú, Ghodsi (42 tuổi), Stoica (56 tuổi) và nhà công nghệ Matei Zaharia (36 tuổi).

Theo số liệu của "Forbes", 3 người nói trên nắm giữ từ 5% đến 6% cổ phần, trị giá hơn 1,4 tỷ USD.

Ngành trí tuệ nhân tạo doanh nghiệp là một thị trường rộng lớn nghìn tỷ đô la, có nghĩa là ngay cả khi các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này chỉ chiếm 10% thị phần, họ cũng đã có doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Về sự phát triển của Databricks, Ghodsi rất tự tin, anh từng nói rằng công ty có thể đạt doanh thu hơn 100 tỷ đô la Mỹ trong tương lai.

Ali Ghodsi và 6 nhà đồng sáng lập Databricks

Lời kết

Thành công của Ghodsi không xảy ra trong một sớm một chiều và việc Databricks được định giá cao cũng không phải là điều hiển nhiên.

Có cả một quá trình tích lũy và nỗ lực lâu dài ở đằng sau nó.

Và sự tích lũy này, mới là mã nguồn của sự giàu có của cuộc sống.

Bài học ở đây là sau khi tìm được cho mình hướng đi phù hợp, bạn chỉ cần nỗ lực làm việc, việc còn lại cứ giao lại cho thời gian.

(Theo cafef.vn)

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN