Chân dung doanh nhân người Việt phát minh máy trợ thở nhỏ gọn và kinh tế, sắp được trang bị 2000 chiếc cho Việt Nam chống Covid-19


Theo nguồn tin mới nhất, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đã chính thức nhận tài trợ toàn bộ chi phí trang bị 2.000 máy thở này. Hiện nay, hợp đồng tài trợ đã được ký kết và các đơn vị trên đã thanh toán toàn bộ giá trị 2.000 bộ máy thở cho Metran.

 

Nhà phát minh - Doanh nhân Trần Ngọc Phúc

 

Theo nguồn tin từ VTV, dự kiến trong khoảng hơn 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ có thêm 2.000 máy thở được sản xuất riêng với giá thấp nhất để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đây là tấm lòng của ông Trần Ngọc Phúc - nhà phát minh người Việt tại Nhật Bản và một số nhà tài trợ trong bối cảnh Việt Nam đang cần thêm số lượng lớn các máy thở để đối phó với dịch bệnh như hiện nay.

"Máy này rất đơn giản, vì đơn giản nên giá thành thấp. Máy rất dễ sử dụng, có thể dùng từ trẻ em đến người lớn tuổi, lại rất an toàn. Tôi nghĩ máy này phù hợp để điều trị Covid-19 ở Việt Nam".

"Công ty của chúng tôi đang cố gắng làm sao để sản xuất 2.000 máy càng nhanh càng tốt, trong vòng 1 tháng hoặc tháng rưỡi. Các máy sau đó sẽ được chuyển giao với giá thấp nhất để sớm đưa vào các cơ sơ y tế, nhất là ở Hà Nội và TPHCM", ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan khẳng định.

 

Ông Trần Ngọc Phúc gặp gỡ Nhật Hoàng

 

Hiện nay trên thế giới có 3 dòng máy thở thường được nhắc đến, đó là dòng của Châu Âu, của Mỹ và của Nhật Bản. Một trong số những dòng máy thở tiêu biểu đến từ Nhật lại là sản phẩm của một người Việt Nam, ông Trần Ngọc Phúc.

Theo tìm hiểu, ông Phúc sinh năm 1947 trong một gia đình khá giả gần Huế. Sau khi qua Nhật du học năm 1968 theo diện tự túc, ông tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai University, thực tập tại công ty Senko Medical Instrument Mfg. Co. Ltd và trở thành nhân viên chính thức.

Năm 1982, ông phát minh ra máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức.

Được biết trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống.

Hai năm sau phát minh kỳ diệu này, ông Phúc thành lập Metran, cái tên được ghép từ Medical (y khoa) và Trần (họ của ông Phúc).

 

 

Từ một công ty được thành lập bởi người không phải gốc Nhật, năm 2012, Metran vinh dự đón tiếp Nhật Hoàng tham quan công ty và dành 1 tiếng rưỡi trò chuyện tại đây. Nhật Hoàng rất ít khi xuất hiện trước công chúng và mỗi năm chỉ thăm 1 - 2 công ty. Điều đó càng cho thấy sự đóng góp to lớn của Metran với y học Nhật Bản và thế giới.

Tại Việt Nam, năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông Phúc tài trợ. Loại máy thở này không chỉ hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhi mà giá thành còn hợp lý, gần như thấp nhất trong các loại máy thở thời điểm đó.

Từ khi được trang bị, máy giúp bệnh viện cứu sống rất nhiều bé sơ sinh và thậm chí là sinh thiếu tháng. Đa số các bé sau đó đều có sức khỏe bình thường, có bé phát triển rất tốt.

Ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, máy thở là phương án để nhiều bệnh nhân giành giật lại sự sống, 16 quốc gia trên thế giới đã liên hệ với công ty ông Phúc để chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở trong đó có Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Đài Loan…

Theo nguồn tin mới nhất, hôm nay, tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đã chính thức nhận tài trợ toàn bộ chi phí trang bị 2.000 máy thở này. Hiện nay, hợp đồng tài trợ đã được ký kết và các đơn vị trên đã thanh toán toàn bộ giá trị 2.000 bộ máy thở cho Metran.

Nếu được sự chấp thuận và tạo điều kiện về thủ tục, vận chuyển, cấp phép và các thủ tục liên quan đến mở rộng sản xuất của nhà máy Metran tại Bình Dương, hãng này sẽ bàn giao 2.000 bộ máy trong vòng 2 tháng (dự kiến cuối tháng 5) cho Hà Nội và TP.HCM, mỗi thành phố 1.000 cái.

Theo Cafe Biz

 

 

ĐÁNG CHÚ Ý

BÌNH LUẬN