“Đánh cắp” vỉa hè
Nếu như trước đây tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi giữ xe, buôn bán chỉ phổ biến ở các tuyến đường trung tâm thì nay khắp nơi đều chung tình trạng.
Điều đang được dư luận nhắc đến chính là tình trạng lạm dụng vỉa hè, lòng đường đang bị lấn chiếm khắp các tuyến phố, khu vực trung tâm, điểm vui chơi giải trí, cửa hàng ở nhiều thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Hàng hoá, xe cộ, bàn ghế và biển hiệu lấn hết cả vỉa hè, thậm chí là một phần mặt đường. Người dân, du khách đi bộ gần như không được đi trên lối đi vốn giành cho mình mà phải liều đi dưới lòng đường, nguy hiểm bủa vây.
Thực ra đây là câu chuyện không mới bởi vốn dĩ đây là thực trạng của TP.HCM, Hà Nội… nhiều năm qua. Câu chuyện dai dẳng, “căn bệnh mãn tính” dù chính quyền địa phương đã nhiều lần có những giải pháp mạnh tay để xử lý, nhưng vẫn được ví như là “bắt cóc bỏ dĩa”.
Có giai đoạn, Quận 1 (TP.HCM) đẩy mạnh thực hiện xử lý vi phạm với quyết tâm của một Phó Chủ tịch quận, việc này đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, dù cách làm nhiều khi còn chưa phù hợp và phong trào cũng lan toả ra các quận, huyện khác, các tỉnh thành cả nước. Nhưng chuyện này cũng không kéo dài lâu và mọi chuyện lại đâu vào đó… Và có lẽ giai đoạn lòng đường, vỉa hè thông thoáng nhất chính là giai đoạn cả nước tập trung chống dịch COVID-19.
Thực tế, nếu như trước đây tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi giữ xe, buôn bán chỉ phổ biến ở các tuyến đường trung tâm thì nay khắp nơi đều có. Ban ngày thì hàng hoá, xe cộ giành hết, ban đêm thì bàn ăn, xe đẩy, dịch vụ ăn uống, bán hàng rong nở rộ, lấn chiếm hết cả vỉa hè và thường xuyên lấy một phần, thậm chí là nửa mặt đường để làm nơi buôn bán, giữ xe…
Giả sử như việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để gửi xe chẳng hạn, không ít điểm gửi xe tự phát thì cung cấp những chiếc vé xe “tự do” viết số mà chẳng biết dựa vào ấy người gửi xe có được bảo đảm quyền lợi của mình. Khác nhau về hình thức, nhưng điểm chung của những bãi gửi xe này là có mức giá “trên trời” và chẳng theo quy định nào cả.
Tiền gửi xe là tiền lẻ, nhưng thu tiền lẻ của “cả một thành phố” thì tiền lẻ có còn “lẻ” nữa chăng. Một lượt, hai lượt… đến hàng nghìn lượt mỗi ngày và có thể hơn thế nữa, những đồng tiền ấy đã đi về đâu? Thiệt thòi hay nguy hiểm… đến cuối cũng đổ hết cho những người dân tham gia giao thông, còn lợi nhuận (thậm chí là lợi nhuận phí pháp) lại chỉ đi về một nhóm người mang lợi ích nào đó.
Có không ít người tự hỏi: Còn đâu nữa những tháng ngày “vỉa hè thông thoáng” khi các lực lượng chức năng ra quân xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sắp xếp, phân chia khu vực để xe và khu vực dành cho người đi bộ? Những lần ra quân trước kia phải chăng chỉ được thực hiện theo “phong trào”, có dư luận thì làm, chẳng còn dư luận thì phong trào cũng tan?
Vỉa hè được chỉnh trang, làm mới để thay đổi bộ mặt đô thị, để dành cho người đi bộ những con đường sạch, đẹp nhất, nhưng rồi nay cũng chẳng “sống” được với những bãi gửi xe tấp nập hay những bộ bàn ghế nhộn nhịp bởi những “chén rượu, cốc bia”….
Không quá khi nói, việc vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán… không chỉ giết chết đi những giá trị của hiện tại mà nó còn đe dọa, cản trở đến sự phát triển trong tương lai của thành phố, chẳng riêng Hà Nội, TP.HCM, mà tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia Đô thị học, cho rằng: Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý, giám sát. “Chỗ nào thấy ở đó phát triển có lợi cho phát triển kinh tế tư nhân hoặc là tổ hợp nào đó thì làm. Còn không phát triển lung tung, không hình thành chính sách chung là cho buôn bán vỉa hè. Khi làm tiêu cực hay không là do quản lý. Quản lý tốt thì không có tiêu cực, còn nếu khoán, đề ra chủ trương rồi không quản lý không để mắt thì đương nhiêu tiêu cực phát sinh”. - ông Ninh nói.
Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng, làm sao phải có sự hợp lý. Ví dụ như ở một số tuyến đường nhỏ, vỉa hè hẹp thì không thể áp dụng được mà phải áp dụng ở những tuyến đường lớn, vỉa hè rộng và thực sự có nhu cầu… Trong đó, có thể nghiên cứu phương án cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để vào các mục đích như đậu đỗ xe, kinh doanh… ở một số khung giờ nhất định. Đặc biệt là cần phải giám sát khâu thực hiện, có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tiêu cực.
Có thể nói, để phát triển thành phố hiện đại, đô thị văn minh, việc giải bài toán “kinh tế vỉa hè” một cách thấu đáo không chỉ là chìa khoá để xoá đi cảnh nhếch nhác, tạm bợ, mất vệ sinh ở các tuyến đường, mà còn là giải “căn bệnh mãn tính” tồn tại bấy lâu nay ở các đô thị lớn.
SÔNG HÀN
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp
ĐÁNG CHÚ Ý
BÌNH LUẬN